Nỗ lực của WHO nhằm tiêu chuẩn hóa các phương pháp y học cổ truyền

(CL&CS) - Đảm bảo an toàn, tiêu chuẩn hóa việc chữa trị bệnh bằng các phương pháp y học cổ truyền là nỗ lực mà WHO đang hướng tới nhằm hưởng tới một chuẩn mực chung cho các quốc gia.

Y học cổ truyền bao gồm kiến ​​thức, kỹ năng và thực hành chữa bệnh được áp dụng bởi các nền văn hóa và cộng đồng khác nhau. Có thể dẫn chứng một số phương pháp y học cổ như sử dụng thảo dược; châm cứu; Tui Na - phương pháp massage có nguồn gốc từ Trung Quốc, bao gồm các kỹ thuật massage, xoa bóp, kích thích các huyệt đạo trên cơ thể để giải phóng năng lượng và cải thiện sức khỏe; Ayurveda - phương pháp y học truyền thống của Ấn Độ giúp tăng cường sức khỏe thông qua điều chỉnh chế độ ăn uống, cách vận động và lối sống; và Unani - phương pháp chăm sóc sức khỏe cổ xưa ở Nam Á, giúp cân bằng các khía cạnh quan trọng của tâm trí, cơ thể và tinh thần.Nhận thức được rằng y học cổ truyền và các hình thức chữa bệnh thay thế khác là lựa chọn chăm sóc sức khỏe quan trọng đối với nhiều người trên thế giới, Tổ chức Y tế Thế giới WHO và chính phủ Ấn Độ đã đồng tổ chức Hội nghị Thượng đỉnh Y học Cổ truyền lần đầu tiênvào tháng 8 vừa qua tại Gandhinagar, Gujarat, Ấn Độ.Hội nghị quy tụ các nhà hoạch định chính sách chăm sóc sức khỏe, người thực hành và bệnh nhân sử dụng phương pháp y học cổ truyền, tổ chức quốc tế, học giả và doanh nghiệp liên quan từ 88 quốc gia thành viên của WHO.

Một tiêu chuẩn chung trong nền y học cổ truyền giúp các nước có thể tiếp cận tốt hơn trong việc đảm bảo sức khỏe con người

Ở nhiều nước, các phương pháp y học cổ truyền có chi phí thấp hơn và dễ tiếp cận hơn so với những biện pháp chăm sóc sức khỏe chính thống thông thường. Bên cạnh đó, nhiều loại thuốc có cùng nguồn gốc với các hợp chất được sử dụng trong y học cổ truyền - có tới 50% loại thuốc có gốc sản phẩm tự nhiên.Nhiều yếu tố có thể ảnh hưởng đến việc một người có chọn tin vào y học cổ truyền hay không, chẳng hạn như tuổi tác, giới tính, tôn giáo, trình độ học vấn và thu nhập cũng như khoảng cách di chuyển đến bệnh viện. Các yếu tố văn hóa cũng có thể ảnh hưởng đến việc áp dụng y học cổ truyền của người dân.Ví dụ, ở Trung Quốc, khi người trẻ tuổi ngày càng có xu hướng tiếp thu văn hóa phương Tây thì có ít người chọn tin vào y học cổ truyền hơn. Ngược lại, nhiều người di cư từ châu Phi đến Úc tiếp tục sử dụng y học cổ truyền để thể hiện bản sắc văn hóa của họ và duy trì một cộng đồng dân tộc gắn kết. Cái nhìn của một người đối với y học cổ truyền thường liên quan rất nhiều đến quan điểm cá nhân, môi trường và văn hóa.

Các quốc gia thành viên từ lâu đã thúc đẩy WHO nghiên cứu và theo dõi dữ liệu về y học cổ truyền. Trước đây, WHO đã phát triển “chiến lược y học cổ truyền” để giúp các quốc gia thành viên thuận lợi nghiên cứu, tích hợp và quản lý y học cổ truyền trong hệ thống y tế quốc gia. WHO cũng tạo ra các tiêu chuẩn thuật ngữ quốc tế để thực hành các dạng y học cổ truyền khác nhau.Việc thực hành y học cổ truyền giữa các quốc gia rất khác nhau, tùy thuộc vào mức độ tiếp cận và tầm quan trọng của các phương pháp đối với khía cạnh văn hóa của mỗi quốc gia. Để áp dụng các phương pháp học cổ truyền một cách an toàn, dễ tiếp cận trên quy mô lớn, các nhà hoạch định chính sách và chuyên gia y tế công cộng phải phát triển các tiêu chuẩn chung và chia sẻ các phương pháp có hiệu quả thực sự. Hội nghị thượng đỉnh của WHO là một bước hướng tới mục tiêu đó.WHO cũng đặt mục tiêu thu thập dữ liệu để làm cơ sở xây dựng các tiêu chuẩn và phát triển những phương pháp thực hành tốt. Hiện WHO đang tiến hành Khảo sát toàn cầu về Y học cổ truyền. Tính đến tháng 8 năm nay, khoảng 55 quốc gia thành viên trong tổng số 194 quốc gia đã hoàn thành và gửi dữ liệu của nước mình.

TIN LIÊN QUAN