48 năm có thể là quãng thời gian dài và khiến các phương tiện trở thành đồ cổ. Tuy nhiên, một chiếc máy bay được sản xuất từ năm 1974 hiện vẫn chở khách qua lại trên bầu trời. Trên thế giới cũng có nhiều trường hợp các phi cơ đã ngót nghét 30-40 tuổi vẫn hoạt động.
Chiếc Boeing 737-200 số hiệu 20836 vào năm 1974 đã thực hiện chuyến bay thử đầu tiên cho hãng hàng không Hà Lan Transavia Airlines. Đến năm 1977, chiếc Boeing 737-200 này rời Transavia Airlines để đến “đầu quân” cho hãng hàng không Aerolineas Argentinas (Argentina). Chiếc máy bay này tiếp tục “nhảy việc” đến Australian Airlines, Air Florida, MarkAir… Đến năm 2004, nó đến Peru rồi các năm sau đó qua tay nhiều chủ sở hữu, từ Italy cho đến Hungary. Kể từ năm 2014, chiếc máy bay này phục vụ hãng hàng không nhỏ Nolinor Aviation (Canada), thực hiện các chuyến bay nội địa. Theo cơ sở dữ liệu của Airfleets.net, Boeing 737-200 số hiệu 20836 là chiếc máy bay chở khách lâu đời nhất thế giới vẫn còn hoạt động.
Ngoài ra, một số hãng hàng không trên thế giới vẫn vận hành máy bay "lão thành". Có thể kể đến hãng hàng không Air Inuit (Canada) vận hành một chiếc Boeing 737 ra đời từ năm 1978. Rutaca Airlines của Venezuela có một chiếc Boeing 737-230 bay lần đầu tiên vào năm 1981.
Hãng hàng không Mahan Air (Iran) sở hữu chiếc Airbus A300 ra đời từ năm 1987. Trong khi Zagros Airlines, cũng có trụ sở tại Iran, sở hữu chiếc McDonnell Douglas MD-80 được sản xuất vào năm 1985. Little Eastern Airlines (Mỹ) vận hành một chiếc Boeing 767 đã 40 tuổi.
Trong số những hãng hàng không lớn, Delta Air Lines (Mỹ) có một số máy bay thuộc nhóm già cỗi nhất. Phi đội máy bay Boeing 978 của hãng có độ tuổi trung bình là 15 năm. Bên cạnh đó, hãng còn có một chiếc Boeing 757 34,7 tuổi và Boeing 767 33,8 tuổi.
Những chiếc máy bay cũ đôi khi dấy lên lo lắng về độ an toàn, ví dụ như năm 2017 khi một chiếc Boeing 737 đã 31 tuổi của hãng hãng hàng không giá rẻ Jet2 (Anh) có đến hai lần hạ cánh khẩn cấp trong vài tuần. Hai tháng sau những sự cố này, chiếc Boeing 737 sản xuất năm 1986 được cho “về hưu”.
Chiếc máy bay nhiều tuổi nhất trong phi đội của Jet2 hiện là chiếc Boeing 757 36,3 tuổi. Vào tháng 4/2017, khi chở 238 người, nó đã bị va đập ở đuôi và hư hỏng nhưng đã bay trở lại bầu trời vào tháng 6 cùng năm.
Vậy liệu những chiếc máy bay cũ có dễ gặp vấn đề hơn? Câu trả lời của các hãng hàng không và chuyên gia là “không”, miễn là chúng được bảo dưỡng định kỳ.
Nhà phân tích hàng không của Atmosphere Research Group có trụ sở tại Mỹ - ông Henry Harteveldt cho biết: “Vấn đề không phải là tuổi của máy bay mà là việc bảo trì. Có những chiếc DC3 được chế tạo vào những năm 1930 và 1940 vẫn đang bay an toàn ở nhiều nơi trên thế giới. Delta Air Lines vẫn vận hành những chiếc Boeing 767 được sản xuất từ cách đây hơn 30 năm”.
Ông John Strickland, một nhà tư vấn hàng không, lại đề cập đến những điểm khó khăn: “Việc bảo trì tăng lên khi máy bay tăng tuổi, mất nhiều thời gian hơn trên mặt đất và đẩy cao chi phí đối với đơn vị vận hành. Điều này có thể không kinh tế và một hãng hàng không có thể quyết định cho nghỉ hưu và loại bỏ máy bay. Một điều cần cân nhắc nữa là các máy bay cũ cũng ồn ào hơn và do đó có thể phải chịu phạt tài chính ở một số sân bay”.
*Theo Telegraph