Nhiều “ông lớn” điện tử Nhật Bản đầu tư bất động sản công nghiệp Việt Nam

(CL&CS) - Cục Đầu tư nước ngoài cho biết, nhà xưởng, kho bãi trở thành “đầu tàu” dẫn dắt vốn ngoại đổ vào lĩnh vực bất động sản trong quý 1/2021.

Theo Cục Đầu tư nước ngoài, tổng vốn đăng ký cấp mới, vốn tăng thêm và vốn góp của nhà đầu tư nước ngoài vào lĩnh vực bất động sản trong quý 1/2021 tăng 2,3 lần so với cùng kỳ năm trước, đạt trên 600 triệu USD, với 12 dự án được cấp mới và tăng vốn, cùng 25 lượt góp vốn, mua cổ phần.

Nhiều nhà đầu tư nước ngoài đang quan tâm đến bất động sản công nghiệp tại Việt Nam

Trong đó, 10 dự án được cấp phép mới với tổng vốn đăng ký đạt 431,86 triệu USD, chiếm hơn 71% tổng vốn đầu tư nước ngoài vào bất động sản. Đặc biệt, 8/10 dự án được cấp phép mới thuộc phân khúc bất động sản công nghiệp, với tổng vốn đăng ký trên 430 triệu USD, bằng 99,7% tổng vốn đăng ký mới. “Ông lớn” Công ty TNHH Panasonic Việt Nam sản xuất thiết bị điện tử của Nhật Bản đã được cấp phép đầu tư dự án xây dựng nhà xưởng trị giá 25,53 triệu USD tại khu công nghiệp Thăng Long 2 (Hưng Yên).

Cục Đầu tư nước ngoài cho biết, Singapore là nhà đầu tư nước ngoài rót vốn nhiều nhất vào lĩnh vực bất động sản trong quý 1/2021, sau khi Amigos An Phu Holding Pte. Ltd (100% vốn nước ngoài) đăng ký đầu tư dự án 185 triệu USD vào Công ty TNHH Công nghiệp New Motion tại Khu công nghiệp Phú Tân, thuộc Khu liên hợp công nghiệp - dịch vụ - đô thị Bình Dương (Bình Dương).

Theo sau là CTCP Phát triển công nghiệp BW (Hà Lan) với Dự án 27 - Công ty TNHH Phát triển công nghiệp BW Tân Phú Trung. Dự án 27 có vốn đầu tư đăng ký 80,61 triệu USD xây dựng nhà kho cho thuê và cung cấp dịch vụ kho bãi, dịch vụ logistics tại Khu công nghiệp Tân Phú Trung (Củ Chi, TP.HCM).

Các chuyên gia cho biết, sở dĩ bất động sản công nghiệp nhất là phân khúc nhà xưởng và kho bãi hút lượng lớn vốn ngoại là do nhà đầu tư nước ngoài có cái nhìn lạc quan cũng như triển vọng về thu hút đầu tư vào sản xuất công nghiệp và logistics của Việt Nam sau một năm đầy thử thách với những biến động chuỗi cung ứng toàn cầu.

Với sự cải thiện đáng kể về kết cấu hạ tầng, chi phí vận hành thấp và những khoản miễn thuế doanh nghiệp lớn, Việt Nam đang thu hút rất nhiều doanh nghiệp ngoại đầu tư, đặc biệt trong lĩnh vực sản xuất công nghiệp. Năm 2021, Việt Nam đã bắt đầu với đầy triển vọng khi vươn lên vị trí top 10 thị trường logistics mới nổi toàn cầu.

Theo báo cáo chi phí thuê kho bãi toàn cầu (54 thị trường tại 21 quốc gia) của Savills Việt Nam thì Việt Nam đang là nơi có chi phí vận hành thấp nhất trong bảng xếp hạng. Đây là một trong những yếu tố then chốt giúp Việt Nam tăng sức hút đối với các công ty đa quốc gia.

TIN LIÊN QUAN