Những thông báo về thu hồi thuốc khiến nhiều người tiêu dùng lo lắng, bởi khi thông báo thu hồi được đưa ra thì nhiều loại thuốc kém chất lượng đã nằm trên kệ thuốc tư nhân, nhà thuốc bệnh viện và cả ở trong... dạ dày nhiều người. Thực tế đã và đang có nhiều những sai phạm liên quan đến chất lượng thuốc mà ngành Y tế phát hiện được qua công tác kiểm tra, giám sát như hàm lượng không đúng với công bố; một số thuốc có chứa chất cấm, gây hại sức khỏe người dùng; tờ hướng dẫn sử dụng thuốc không cập nhật chống chỉ định và cảnh báo đối với các thuốc có chứa hoạt chất có thể tác động tiêu cực tới sức khỏe người dùng..
Thu hồi nhiều loại thuốc kém chất lượng
Cục Quản lý Dược vừa thông báo thu hồi trên toàn quốc lô thuốc hỗn dịch uống sucrate gel do Italy sản xuất, vi phạm chất lượng mức độ 3.
Theo đó, hỗn dịch sucrate gel (Sucralfate 1g/5ml) có SĐK: VN-13767-11, số lô: 9028; NSX: 10/2019; HD: 10/2022 do Công ty Laboratorio Italiano Biochimico Farmaceutico Lisapharma S.p.A. (Italy) sản xuất; công ty cổ phần Dược phẩm Trung ương Codupha nhập khẩu.
Sucrate gel là một thuốc chứa sucralfate. Thuốc có tác dụng làm liền sẹo ổ loét thông qua cơ chế bảo vệ tế bào. Thuốc được sử dụng trong bệnh lý loét dạ dày tá tràng để làm lành vết loét.
Cục Quản lý Dược yêu cầu: Công ty cổ phần Dược phẩm Trung ương Codupha phối hợp với nhà cung cấp và phân phối thuốc tiến hành thu hồi toàn bộ lô thuốc hỗn dịch uống Sucrate gel (Sucralfate 1g/5ml) trên; gửi báo cáo và hồ sơ thu hồi về Cục Quản lý Dược.
Hồ sơ thu hồi bao gồm số lượng nhập khẩu, ngày nhập khẩu, số lượng thu hồi, các bằng chứng về việc thực hiện thu hồi tại các cơ sở bán buôn, bán lẻ, sử dụng đã mua thuốc theo quy định tại Văn bản hợp nhất số 06/VBHN-BYT ngày 03/7/2020 của Bộ Y tế quy định về chất lượng thuốc, nguyên liệu làm thuốc.
Tương tự, mới đây Cục Quản lý dược (Bộ Y tế) đã có thông báo thu hồi dung dịch uống Atisalbu do Công ty cổ phần Dược phẩm An Thiên sản xuất.
Trước đó không lâu Cục Quản lý Dược cũng đã thông báo thu hồi thuốc dung dịch nhỏ mắt Tobraquin và đề nghị người tiêu dùng ngừng ngay việc sử dụng thuốc này...
Thuốc kém chất lượng ảnh hưởng tiêu cực tới sức khỏe như thế nào?
Bác sĩ Nguyễn Trung Cấp, Phó Giám đốc Bệnh viện Nhiệt đới Trung ương cho biết, hiện có một số thuốc thật có nguồn gốc từ các nhà sản xuất, nhà thuốc, công ty phân phối nhưng đã hết hoặc gần hết hạn sử dụng; hoặc các sản phẩm thuốc không còn hạn sử dụng nhưng được xóa bỏ hạn cũ và đóng bao bì với hạn dùng mới. Những cách thức này khiến người bệnh không nghi ngờ về sản phẩm. Tuy nhiên, độ ổn định và nồng độ hoạt chất trong thuốc đã giảm đáng kể theo thời gian. Không còn đủ hàm lượng hoạt chất, thuốc sẽ không tiêu diệt được vi khuẩn gây bệnh, dẫn đến tỷ lệ vi khuẩn kháng kháng sinh ngày càng cao. Hơn nữa, khi thuốc bị phân hủy thì rất dễ gây phản ứng có hại cho người bệnh.
Còn theo bác sĩ Nguyễn Trung Nguyên, Giám đốc Trung tâm Chống độc, Bệnh viện Bạch Mai, người bệnh sẽ phải đối diện với những di chứng khó lường khi không may sử dụng phải thuốc kém chất lượng. Chẳng hạn, với một bệnh nhân bị đái tháo đường được chỉ định sử dụng thuốc hạ đường huyết, nhưng do mua phải thuốc kém chất lượng nên đường huyết chẳng những không xuống mà còn tăng cao, rất dễ tử vong. Bên cạnh đó, ngoài không bảo đảm các hoạt chất như đã đăng ký, thuốc kém chất lượng còn có thể chứa các chất có tác dụng phụ gây hại cho sức khỏe như gây dị ứng, nhiễm độc...
Nguy hiểm là vậy nhưng việc phân biệt giữa thuốc thật và thuốc kém chất lượng lại không thể tiến hành bằng mắt thường, mà chỉ có cách duy nhất là đưa đến kiểm nghiệm tại Viện Kiểm nghiệm thuốc Trung ương. Song, có những loại thuốc mà việc kiểm nghiệm mất rất nhiều thời gian.
Theo khẳng định của ông Trương Quốc Cường, Thứ trưởng Bộ Y tế, dược là ngành kinh doanh có điều kiện được tiêu chuẩn hóa, quy chuẩn hóa và hội nhập quốc tế cao; các hoạt động sản xuất, kinh doanh đều được giám sát chặt chẽ bởi việc tiền kiểm và hậu kiểm. Trong thời gian qua đã có các hoạt động quản lý Nhà nước để kiểm soát chặt chẽ và nâng cao chất lượng thuốc. Chính nhờ việc tăng cường kiểm tra, kiểm soát chất lượng thuốc và xử lý kịp thời các hành vi vi phạm, chất lượng thuốc của Việt Nam được duy trì và bảo đảm. Tỷ lệ thuốc kém chất lượng được ngành Y tế lấy mẫu để kiểm nghiệm ngày càng giảm.
Để kiểm soát tốt chất lượng thuốc chữa bệnh, người dân không nên chỉ chờ các cơ quan quản lý mà cần phát huy quyền của mình trong việc giám sát hoạt động của ngành Y tế thông qua các cơ quan truyền thông, qua các tổ chức độc lập và Hội Bảo vệ người tiêu dùng.
Các chuyên gia y tế khuyến cáo người dân cần nâng cao nhận thức về thuốc, luôn khám bệnh và nhận tư vấn, kê đơn của bác sĩ; chọn mua thuốc ở những cơ sở lớn, có tên tuổi, địa chỉ tin cậy; xem kỹ thời hạn sử dụng ghi trên sản phẩm; ghi nhớ thông tin về những loại thuốc đã bị làm giả, thuốc kém chất lượng do cơ quan quản lý dược công bố để tránh “tiền mất tật mang”. Người dân tuyệt đối không mua thuốc "xách tay", thuốc được bán qua mạng internet từ các quốc gia chưa có luật pháp kiểm soát loại hình bán thuốc này.