Nhiều dự án bất động sản "tai tiếng" của Tập đoàn Kosy

(CL&CS) - Thời gian qua, Tập đoàn Kosy đang tiến hành triển khai, thực hiện hàng loạt dự án lớn tại các tỉnh Lào Cai, Thái Nguyên, Bắc Giang... nhưng vướng phải nhiều vấn đề như dự án chậm tiến độ, chưa đủ điều kiện đã mở bán, nợ tiền sử dụng đất, gây ô nhiễm môi trường... ảnh hưởng đến cuộc sống của người dân.

Theo tìm hiểu của PV, Công ty CP Kosy được doanh nhân Nguyễn Việt Cường thành lập năm 2008 với vốn điều lệ 120 tỷ đồng, ban đầu hoạt động trong lĩnh vực xây dựng dân dụng. Năm 2011, Kosy chuyển mạnh sang bất động sản và xác định đây là mảng miếng chủ lực với dự án đầu tay Moutain View quy mô 38ha ở TP. Lào Cai. 

Kosy Lào Cai - một trong nhiều dự án dính lùm xùm của Tập đoàn Kosy

Theo giới thiệu, Kosy Group có 8 thành viên là CTCP Kosy Hà Nội, CTCP Kosy Bắc Giang, CTCP Kosy Lào Cai, CTCP Hồng Việt, CTCP KPT Việt Nam, CTCP Tư vấn Kiến trúc và Xây dựng Đông Đô, CTCP Đầu tư và Xây dựng Thủy điện và CTCP Đầu tư Công nghệ BTL Việt Nam. Trong số này, có hai thành viên đặc biệt quan trọng trong "họ" doanh nghiệp Kosy, đó là CTCP Kosy Hà Nội và CTCP KPT Việt Nam.

Được biết, hiện Kosy Group đang triển khai nhiều dự án lớn như Kosy Mountain View - Lào Cai (38ha), Khu đô thị Kosy Sông Công – Thái Nguyên (38,78ha), Kosy Gia Sàng (14,35ha), Khu đô thị mới Kosy Bắc Giang (8,47ha), Kosy Cầu Gồ - Bắc Giang (8,87ha).

Dự án Kosy Mountain View: Dự án Khu đô thị mới Tiểu khu đô thị số 17, Khu đô thị mới Lào Cai – Cam Đường (tên thương mại là Kosy Mountain View – Lào Cai) có diện tích là 38ha với quy mô dân số khoảng 4.176 người, tổng mức đầu tư dự kiến 412 tỉ đồng.

Dự án này vướng vào lùm xùm vì bị cho là không được thông qua Nghị quyết của HĐND cấp tỉnh, việc thực hiện thu hồi, chuyển mục đích sử dụng đối với hơn 38ha đất như đã nêu trên không có Nghị quyết của HĐND thông qua...

Khu đô thị Kosy Gia Sàng: Dự án này nằm tại phường Gia Sàng, TP.Thái Nguyên, tỉnh Thái Nguyên. Kosy Gia Sàng bị báo chí phản ánh vì chưa được Sở Xây dựng Thái Nguyên cho phép huy động vốn tại nhưng dự án vẫn được được rao bán rầm rộ; chủ đầu tư thì nhận tiền đặt cọc của khách hàng khi chưa xây dựng xong cơ sở hạ tầng kỹ thuật.

Khu đô thị Kosy Sông Công – Thái Nguyên: Dự án Khu đô thị Kosy (TP.Sông Công, tỉnh Thái Nguyên) được UBND tỉnh Thái Nguyên giao Công ty cổ phần Kosy là chủ đầu tư từ năm 2010. Dự án này được UBND tỉnh Thái Nguyên phê duyệt quy hoạch chi tiết xây dựng tỉ lệ 1/500 Khu đô thị Kosy – Sông Công vào ngày 13/3/2011. 

Do việc thi công chậm chạp, cho đến nay, hạ tầng của dự án Khu đô thị Kosy (thành phố Sông Công, Thái Nguyên) vẫn chưa hoàn thiện, các hạng mục thi công dở dang. Người dân còn "tố" chủ đầu tư thu hồi đất với giá thấp, nhưng hỗ trợ tái định cư giá cao “ngất ngưởng”. Các hộ dân sống xung quanh dự án bức xúc vì chưa có hệ thống điện, thoát nước, dẫn đến tình trạng ngập úng khi có mưa, gây ô nhiễm nghiêm trọng.

Dự án Khu đô thị Kosy Bắc Giang: Dự án Khu đô thị Kosy Bắc Giang nằm tại phường Xương Giang, TP.Bắc Giang, tỉnh Bắc Giang. Năm 2018, dự án này vướng vào lùm xùm khi bị báo chí phản ánh về tình trạng mở bán dù đang thi công hạ tầng kỹ thuật ngổn ngang.

Ngày 30/8/2018, tại Dự án Khu đô thị Kosy Bắc Giang (phường Xương Giang, TP.Bắc Giang), Công ty CP Kosy bị xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực xây dựng.

Theo đó, Sở Xây dựng tỉnh Bắc Giang ra Quyết định số 173/QĐ-XPVPHC xử phạt đối với Công ty CP Kosy 40 triệu đồng khi chưa được cấp giấy phép xây dựng, nhưng đã thi công nhiều hạng mục hạ tầng kỹ thuật.

Khu dân cư mới thị trấn Cầu Gồ: Dự án Khu dân cư mới thị trấn Cầu Gồ do Công ty Kosy làm chủ đầu tư nằm trên đường Hoàng Hoa Thám, thị trấn Cầu Gồ, huyện Yên Thế, tỉnh Bắc Giang.

Ngày 18/2/2020, Đoàn giám sát của Thường trực HĐND tỉnh đã tiến hành giám sát việc chấp hành pháp luật trong đầu tư xây dựng dự án này.

Dù khối lượng thi công hạ tầng kỹ thuật đạt 32,3 tỉ đồng, bằng 55,8% dự toán. Tuy nhiên, chất lượng lập quy hoạch chi tiết xây dựng hạn chế, trong quá trình thực hiện phải điều chỉnh 2 lần; dự án được chấp thuận khi chưa hoàn thành thủ tục phê duyệt đánh giá tác động môi trường; nhà đầu tư lựa chọn một số đơn vị tư vấn chất lượng hạn chế, chưa đảm bảo năng lực theo quy định; một số hạng mục thi công chưa đúng theo thiết kế được duyệt; tiến độ bồi thường giải phóng mặt bằng chậm so với chấp thuận đầu tư.

Đáng nói, Kết luận số 1935/KL-TTCP ngày 4/12/2020 của Thanh tra Chính phủ chỉ rõ, Công ty Kosy còn nợ hơn 13,7 tỉ đồng tiền sử dụng đất của Dự án Khu dân cư mới thị trấn Cầu Gồ. Theo khảo sát thực tế của PV, hiện hệ thống cơ sở hạ tầng của dự án đến thời điểm này vẫn chưa hoàn thiện, nhiều đoạn đường chưa được trải nhựa, bụi bặm, ngổn ngang, cây cỏ mọc um tùm. Mặc dù vậy, nhân viên bán hàng của Công ty CP Kosy khẳng định đã bán 100% các lô đất tại đây.

Rõ ràng, việc “lùm xùm” tại nhiều dự án do Kosy là chủ đầu tư khiến cho khách hàng suy giảm lòng tin đối với doanh nghiệp bất động sản này. Những lùm xùm cũ đã được Kosy giải quyết triệt để hay chưa? Nguyên nhân từ đâu? Hiện PV đã đặt lịch làm việc với đại diện đơn vị này để mong nhận được câu trả lời thỏa đáng, đa chiều, bảo đảm quyền lợi cho những người dân sống xung quanh các dự án mà Kosy đang triển khai, thực hiện. Tuy nhiên, đến nay, đã nhiều ngày trôi qua, PV chưa nhận được thông tin phản hồi.

PV sẽ tiếp tục bạn đọc ở bài viết tiếp theo.

Ông Nguyễn Việt Cường được biết đến là thuyền trưởng của “chiến thuyền” khai phá BĐS tỉnh lẻ - Công ty CP Kosy (Kosy Group). Nhưng không nhiều người biết rằng, trước khi trở thành doanh nhân thành đạt, ông Cường đã từng chịu thi hành án 46 tháng tù theo bản án đối với đường dây thi thuê đại học.

Theo thông tin mà báo chí đã đưa: năm 2004, TAND Hà Nội đã xét xử Ngô Thành Sơn cùng 9 bị cáo trong đường dây thi thuê, thi kèm vào đại học đã xâm phạm nghiêm trọng việc thi cử. Bản án của TAND Hà Nội nhận định, trong quá trình thẩm vấn 10 bị cáo đã thành khẩn khai nhận hành vi, ăn năn hối cải. Chủ mưu đường dây là Ngô Thành Sơn đã tổ chức, phân công nhiệm vụ cụ thể cho từng người, tạo nên dây chuyền thi thuê, thi hộ khép kín.

TAND Hà Nội cho rằng, hành vi của các bị cáo là có tổ chức, phạm tội nhiều lần nên tuyên phạt Ngô Thành Sơn mức án cao nhất 4 năm tù về tội làm giả con dấu tài liệu của cơ quan, tổ chức. Bị cáo Đoàn Văn Giáp (phó giám đốc Công ty Cổ phần thương mại địa ốc Hà Nội) chịu hình phạt 40 tháng tù về cùng tội danh. 7 bị cáo còn lại nhận 24-36 tháng tù.

Riêng Nguyễn Việt Cường (giám đốc Công ty Cổ phần đầu tư Sao Việt) phải chịu thêm hình phạt 10 tháng tù treo của bản án hình sự cách thời điểm thi hành án 2 năm; tổng cộng Nguyễn Việt Cường phải chấp hành 46 tháng tù.

Một thông tin đáng chú ý khác, theo giới thiệu trên website Tập đoàn Kosy, ông Nguyễn Việt Cường tốt nghiệp Thạc sĩ Quản trị Kinh doanh Quốc tế tại Griggs University (chương trình liên kết đào tạo giữa Đại học Quốc gia Hà Nội với Đại học Griggs) vào năm 2007, trùng với thời điểm ông đang chấp hành bản án hình sự nêu trên. Cũng theo đó, ông vẫn được làm Giám đốc Công ty Cổ phần Sao Việt Lào Cai.

Trên cổng thông tin của Đại học Quốc gia Hà Nội, điều kiện để được đăng ký nhập học phải có từ 03 năm kinh nghiệm công tác, phải hoàn thành bài thi đầu vào gồm 1 bài thi viết và 1 bài phỏng vấn. Vậy làm thế nào ông Nguyễn Việt Cường có thể được cấp bằng tốt nghiệp Thạc sĩ Quản trị Kinh doanh Quốc tế - Griggs University?

Được biết, Hệ sinh thái Kosy Group bản chất là một doanh nghiệp gia đình với các thành viên trong nhà Chủ tịch kiêm TGĐ Nguyễn Việt Cường chia nhau nắm giữ những chức vụ chủ chốt. Như vợ ông là bà Nguyễn Thị Hằng - Phó Chủ tịch HĐQT; Em gái ông là bà Nguyễn Thị Phương Thảo - Ủy viên HĐQT kiêm Phó TGĐ; Bố vợ là ông Nguyễn Ngọc Sáu - Ủy viên HĐQT...

Ngoài 8 công ty thành viên, vợ và các em ông Cường còn đảm trách chức vụ chủ chốt tại một số đơn vị khác như em trai Nguyễn Thế Hùng là Chủ tịch HĐQT CTCP Đầu tư Sơn Phúc có vốn 626 tỷ đồng; em trai Nguyễn Trung Kiên là Chủ tịch HĐQT kiêm Giám đốc CTCP Tư vấn Kiến trúc và Xây dựng Đông Đô; em gái Nguyễn Thị Phương Thảo phụ trách CTCP Đầu tư Kosy và Văn phòng đại diện Kosy tại Lai Châu.

Về phần mình, ông Nguyễn Việt Cường chỉ trực tiếp đứng tên CTCP Kosy - pháp nhân lõi trong cả hệ thống và CTCP Tư vấn Đầu tư Xây dựng Thủy điện (vốn 350 tỷ đồng) sau khi mua lại từ nhóm cổ đông sáng lập vào tháng 10/2018.

Hồng Liên

TIN LIÊN QUAN