Nghịch lý 'thiếu đất xây nhà, thừa đất đậu xe', Mỹ khẩn trương ra quyết sách khẩn

Đối phó với tình trạng biến đổi khí hậu, cũng như nhu cầu nhà ở đang diễn ra nhanh chóng trong những năm trở lại đây, Mỹ đã chính thức thi hành một số biện pháp hạn chế bãi đỗ xe.

Ngành giao thông vận tải chiếm ⅓ lượng khí thải carbon ở Mỹ, trong đó khí thải từ ô tô chiếm tỷ trọng gây ra tình trạng ô nhiễm không khí ngày càng trầm trọng tại đất nước này. Để giảm thiểu tình trạng này, chính quyền tại một số bang lớn như Texas gần đây đã đưa ra các chính sách nhằm loại bỏ định mức tối thiểu về bãi đậu xe.

Mỹ có khoảng 700 triệu tới 2 tỷ chỗ đỗ xe, tương đương mỗi chiếc xe được đăng ký ở nước này có từ 2,5 tới 7 chỗ để.

Lúc đầu, các bãi đậu xe được hình thành để duy trì trật tự giao thông, tuy nhiên, điều này vô tình khiến người dân có nhu cầu sắm thêm phương tiện giao thông cá nhân. Ở những thành phố và tiểu bang lớn, những tòa nhà chung cư, văn phòng hoặc trung tâm mua sắm đều sở hữu những bãi đậu xe “khổng lồ” rộng hàng trăm mét vuông.

Theo Giáo sư Donald Shoup, làm tại viện Quy hoạch đô thị tại Đại học California, Los Angeles: “Việc loại bỏ điều luật tưởng chừng như vô hại này có thể mở đường cho các thành phố xây dựng nhà ở nhiều hơn, tăng nhu cầu sử dụng phương tiện giao thông công cộng và từ đó giảm thiểu lượng khí thải carbon.”

Ông Tony Jordan, Chủ tịch một hiệp hội về bãi đậu xe cũng có ý kiến cho rằng, những biện pháp này không chỉ lỗi thời mà còn thường cản trở việc xây dựng nhà ở - một nhu cầu cấp thiết đối với số lượng dân cư tại Mỹ: “Hãy tưởng tượng nếu với tất cả các bãi đậu xe vẫn được xây dựng, nhưng chúng ta chỉ cần nới thêm 10 căn hộ trong mỗi tòa nhà ở mọi thành phố trong 50 năm qua. Khi đó, chúng ta sẽ có thêm rất nhiều nhà ở, rất nhiều căn hộ nhưng về cơ bản chúng ta đã tự tay ngăn chặn điều đó”.

Theo nghiên cứu của tổ chức phi lợi nhuận Up for Growth đầu năm 2023 cho thấy thị trường bất động sản Mỹ đang thiếu hụt gần 4 triệu ngôi nhà, không đáp ứng đủ cho nhu cầu mua và thuê nhà của dân cư khiến nhiều quan chức ở Mỹ đau đầu tìm giải pháp.

Hơn nữa, các bãi đậu xe trải nhựa không chỉ chiếm nhiều diện tích gây tắc nghẽn giao thông mà còn góp phần gây ra hiệu ứng ngược, khiến nhiệt độ không khí xung quanh tăng cao hơn, góp phần khiến trái đất nóng lên. Bãi đậu xe trải nhựa cũng gây ra hiện tượng thoát nước không hiệu quả. Việc làm tăng lượng nước mưa thoát ra từ bãi đậu xe trải nhựa có thể góp phần vào tình trạng ngập lụt và ô nhiễm nước, ảnh hưởng đến môi trường sống và hệ sinh thái.

Tính đến năm 2023, gần 120 triệu người dân Mỹ, tương ứng hơn 1/3 dân số nước này đang sống trong khu vực chất lượng không khí gây hại cho sức khỏe, gây hậu quả tốn kém về tiền bạc cho người dân và cả đất nước hàng tỉ USD mỗi năm. Trong khi đó, chi phí để xây dựng những điểm đỗ xe chỉ tốn trung bình khoảng 30.000 USD/bãi đậu xe cơ bản.

Giáo sư Donald Shoup nói: “Ngay cả khi biến đổi khí hậu không phải là vấn đề thì việc loại bỏ yêu cầu về sức chứa bãi đậu xe cũng là một ý tưởng hay. Còn nếu ý tưởng hay lan tỏa, nó sẽ giúp ích cho toàn bộ hành tinh”.

Chiến dịch cắt giảm bãi đỗ xe đang được lan truyền dần qua các thành phố trên khắp nước Mỹ như Minneapolis St. Paul, Anchorage, Richmond, Raleigh... đến những bang lớn như California cũng dần loại bỏ định mức chỗ đỗ xe ô tô tối thiểu từ vài năm về trước.

Nhiều bang tại Mỹ tập trung đầu tư hệ thống giao thông công cộng để thu hút người dân.

Nhà chức trách các bang cho biết, mọi thứ không thể thực hiện được trong một sớm, một chiều. Cũng như những thay đổi môi trường cũng sẽ không được nhìn thấy rõ rệt và ngay lập tức. Tuy nhiên, các thành phố cũng sẽ thực hiện các biện pháp khác tập trung đầu tư vào hạ tầng hệ thống giao thông công cộng để thu hút nười dân, từ đó khiến giảm thải phương thiện cá nhân, khiến thành phố trở nên thân thiện với môi trường hơn.