Ngành Thủy sản góp phần tích cực vào việc chuyển đổi cơ cấu kinh tế nông nghiệp nông thôn

(CL&CS) - Hiện nay, Việt Nam và Singapore cùng tham gia nhiều hiệp định thương mại tự do, hiệp định đối tác toàn diện khu vực. Đây là cơ hội để các doanh nghiệp (DN) của tỉnh và Singapore hợp tác phát triển, trong đó có lĩnh vực thủy sản.

Năm 2023, thủy sản xuất khẩu từ Khánh Hòa vào thị trường Singapore đạt 11,6 triệu USD, tăng 9,1% so với năm 2022; các mặt hàng chủ lực như: Cá đông lạnh, cá chế biến, tôm, cua lột, thủy sản thân mềm… đều xuất khẩu tốt sang thị trường này.

Hình minh họa

Theo thông tin từ Thương vụ Việt Nam tại Singapore, hiện nay, các mặt hàng thủy sản được thị trường Singapore ưa chuộng như: Tôm, cua chiếm khoảng 24%; cá đông lạnh chiếm khoảng 19,5%; cá nước lạnh chiếm khoảng 17,5%; thủy sản thân mềm chiếm khoảng 12%... trong thị phần tiêu thụ thủy sản tại nước này.

Theo ông Lê Hữu Hoàng - Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Khánh Hòa, Singapore có nền kinh tế phát triển, là thị trường tiềm năng đối với các mặt hàng nông sản, thủy sản, thực phẩm chế biến của tỉnh. Các DN thuộc Hiệp hội Thủy sản Singapore đến Khánh Hòa để kết nối giao thương lần này đều là những nhà sản xuất, thương mại lớn nên việc giao thương với các DN này không chỉ giúp các DN thủy sản của tỉnh mở rộng thị trường xuất khẩu tại Singapore mà còn phát triển sang thị trường các nước khác thông qua các nhà thương mại lớn của Singapore. Vì vậy, đồng chí Lê Hữu Hoàng mong muốn các DN thủy sản trên địa bàn tỉnh và DN Singapore cùng chia sẻ, kết nối hợp tác để cùng nhau phát triển.

Thủy sản được xác định là ngành kinh tế có vị trí quan trọng trong chiến lược phát triển kinh tế biển, đóng góp lớn trong phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, góp phần tích cực vào việc chuyển đổi cơ cấu kinh tế nông nghiệp nông thôn, tạo việc làm cho hơn 82.900 người, chiếm gần 10% tổng số lao động tại địa phương.

Riêng trong lĩnh vực chế biến, xuất khẩu thủy sản, tỉnh đã đầu tư, xây dựng các khu công nghiệp, cụm công nghiệp để tập trung các nhà máy chế biến thủy sản như tại Khu Công nghiệp Suối Dầu (huyện Cam Lâm), Cụm Công nghiệp Đắc Lộc (TP. Nha Trang). Hiện nay, toàn tỉnh có 149 DN, cơ sở chế biến thủy sản tiêu thụ nội địa và 64 cơ sở chế biến thủy sản xuất khẩu được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cấp chứng nhận đạt tiêu chuẩn ngành. Các mặt hàng thủy sản xuất khẩu của DN trong tỉnh đã có mặt ở 64 thị trường trên thế giới.

Đến Khánh Hòa tìm kiếm cơ hội hợp tác trong lĩnh vực thủy sản lần này có 10 DN là thành viên của Hiệp hội Thủy sản Singapore. Đây đều là những DN chuyên sản xuất, chế biến, cung cấp các mặt hàng thủy sản tại thị trường Singapore, các nước trong khu vực và trên thế giới. Việc hợp tác giữa DN thủy sản Khánh Hòa và DN thủy sản Singapore không chỉ giúp thủy sản Khánh Hòa thâm nhập vào thị trường đầy tiềm năng này mà còn tiếp cận với nhiều quốc gia khác trong khu vực và trên thế giới.