Nhiều doanh nghiệp sản xuất thép lớn thông báo sẽ tăng tiêu thụ nội địa và giảm tỷ lệ xuất khẩu. |
Khó khăn chồng chất
Hiệp hội Thép Việt Nam (VSA) cho biết, trong 8 tháng đầu năm 2019, tiêu thụ thép đạt gần 15,5 triệu tấn (tăng 8%), xuất khẩu hơn 3 triệu tấn (tăng gần 3%). Số liệu doanh thu từ các doanh nghiệp cũng tăng, nhưng thật ra, lợi nhuận đều giảm.
Nguyên nhân đầu tiên là năng lực sản xuất của các doanh nghiệp đã vượt quá nhu cầu, trong khi nhiều dự án sản xuất thép vẫn tiếp tục phát triển. Đáng chú ý là dự án thép Hòa Phát Dung Quất, dự án mở rộng của Formosa hoặc của Thép Pomina. Với sức ép trên, trong ngắn hạn, VSA đã kiến nghị Nhà nước không cấp phép thêm các dự án đầu tư mới đối với các sản phẩm thép trong nước.
Điển hình, trong quý 2/2019, lợi nhuận của Hòa Phát đạt hơn 2.000 tỷ đồng, giảm khoảng 10% so với cùng kỳ. Trong khi đó, lợi nhuận quý này của Hoa Sen giảm gần một nửa so với cùng kỳ. VSA đánh giá, một phần khó khăn đến từ việc sản phẩm thép của Trung Quốc xuất khẩu mạnh sang Việt Nam, làm cho miếng bánh thị phần ngày càng thu hẹp.
Đáng chú ý, khó khăn lớn nhất của ngành là việc giá quặng sắt - nguyên liệu chính chiếm 1/3 chi phí sản xuất, tăng cao bất thường. Số liệu của VSA ghi nhận vào đầu tháng 9/2019, giá quặng sắt tại Trung Quốc ở mức 87-89 USD/tấn. Trong khi đó, theo Công ty Chứng khoán Rồng Việt (VDSC), giá quặng đã lên đỉnh 5 năm qua trong tháng 7/2019, đạt 125 USD/tấn. Đây là nguyên nhân chính khiến lợi nhuận doanh nghiệp trong ngành thép sụt giảm mạnh thời gian qua.
Các doanh nghiệp thép cũng đối mặt với một rủi ro là tăng trưởng của ngành xây dựng đang giảm nhẹ. |
Trong nước khó, thị trường xuất khẩu cũng chao đảo. Theo Bộ Công thương, xu hướng bảo hộ khiến sản phẩm thép hứng chịu hàng chục cuộc điều tra chống bán phá giá, chống trợ cấp. Chỉ trong 4 tháng đầu năm 2019, Việt Nam phải hứng chịu đến 47 vụ điều tra đối với thép. Gần đây nhất là Mỹ áp thuế hơn 450% lên thép Việt có nguồn gốc từ Hàn Quốc và Đài Loan.
Đứng trước những biến động khó lường của ngành thép, các doanh nghiệp sản xuất có phần dè dặt trong đầu tư và phát triển. Chẳng hạn, trong năm 2018, Hoa Sen dù dự định mở mới 1.000 cửa hàng nhưng chỉ thực hiện được 100 cửa hàng, đồng thời dừng dự án Khu liên hợp luyện cán thép Hoa Sen Cà Ná - Ninh Thuận. Với Hòa Phát, dự kiến toàn bộ các dây chuyền của dự án Hòa Phát Dung Quất sẽ hoàn thành và hoạt động đồng bộ vào cuối năm 2019. Tuy nhiên, mới đây, doanh nghiệp này cho biết, dây chuyền số 2 sẽ chạy thử vào cuối năm 2019.
Đáng chú ý là Công ty Nam Kim phải bán bớt nhiều dự án để tránh lỗ. Trong quý I/2019, Nam Kim lỗ hơn 100 tỷ đồng. Mới đây, công ty cho biết đã hoàn thành chuyển nhượng nhà máy Nam Kim 1 tại Bình Dương cho Công ty TNHH Sứ Kỹ thuật Minh Long 2. Doanh nghiệp này cũng dự tính chuyển nhượng tiếp vốn góp tại dự án Nam Kim Corea (Khu công nghiệp VSIP II-A, Bình Dương) và quyền sử dụng đất tại Khu công nghiệp Mỹ Xuân B, Bà Rịa - Vũng Tàu trong năm nay.
Các doanh nghiệp có chuỗi sản xuất khép kín, sản xuất thành phẩm từ quặng sẽ có sức chịu đựng mạnh mẽ hơn các doanh nghiệp gia công đơn thuần trong giai đoạn từ nay đến cuối năm. |
Áp lực tái cấu trúc
Bộ Công thương ước tính, trong năm 2019, ngành thép sẽ tăng trưởng khoảng 10% so với năm 2018, chủ yếu nhờ các doanh nghiệp tăng cường xuất khẩu. Tuy nhiên, theo VDSC, nếu loại trừ sản lượng mới (từ lò cao số 3 của Formosa và dây chuyền số 2 của Hòa Phát Dung Quất), tăng trưởng các loại thép là thế mạnh của Việt Nam (thép thanh, tôn mạ, ống thép) sẽ tăng khoảng 8-9%.
Đánh giá này thực ra không phải không có lý. Gần đầy, nhiều doanh nghiệp lớn thông báo sẽ tăng tiêu thụ nội địa và giảm tỷ lệ xuất khẩu, bởi nhu cầu thép trên thế giới đang dư thừa và những rủi ro về biến động giá, nhất là trong bối cảnh căng thẳng thương mại toàn cầu. Ngoài ra, biên lợi nhuận khi bán trong nước cao hơn khi xuất khẩu.
Thế nhưng, khi tăng lượng hàng bán trong nước, các doanh nghiệp thép cũng đối mặt với một rủi ro là tăng trưởng của ngành xây dựng đang giảm nhẹ. Theo số liệu của VDSC, mức tăng trưởng này đã giảm gần 8% trong nửa đầu năm 2019, ít nhiều tác động đến nhu cầu thép xây dựng.
Do đó, bà Nguyễn Hà Trinh - chuyên viên phân tích của VDSC cho rằng, các doanh nghiệp ngành thép đang bước vào giai đoạn tái cấu trúc mạnh mẽ. “Các doanh nghiệp yếu thế về quy mô, chuỗi sản xuất và tiêu thụ dễ bị đào thải trong giai đoạn khó khăn này” - bà Trinh nhận xét.
Theo bà Trinh, các doanh nghiệp có chuỗi sản xuất khép kín, sản xuất thành phẩm từ quặng sẽ có sức chịu đựng mạnh mẽ hơn các doanh nghiệp gia công đơn thuần trong giai đoạn từ nay đến cuối năm. Hòa Phát và Pomina là hai doanh nghiệp đầu ngành có những lợi thế đó. Chẳng hạn trong năm 2015, nhờ lợi thế có chuỗi sản xuất khép kín, dù giá thép trên thị trường giảm đến 50% nhưng Hòa Phát vẫn có lãi. Ngoài ra, những doanh nghiệp có tài chính ổn định, hệ thống bán hàng rộng, dám chấp nhận giảm biên lợi nhuận để tăng tính cạnh tranh cũng sẽ có cơ hội vượt qua đợt đào thải này.
Hoàng Yến