Sản lượng và giá bán đồng loạt giảm
Trong 6 tháng đầu năm 2019, sản lượng xuất khẩu của CTCP Đầu tư và Phát triển Đức Quân (Fortex) đạt 2.816 tấn, giảm 1.039 tấn tương đương giảm 27%. Ông Đỗ Văn Sinh, Tổng Giám đốc Fortex cho biết: Do tác động tiêu cực của chiến tranh thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc tới nền kinh thế giới nói chung và tới ngành nghề kinh doanh của công ty nói riêng. Thị trường Trung Quốc là thị trường xuất khẩu chủ lực của công ty. Ảnh hưởng của chiến tranh thương mại làm cho sản lượng tiêu thụ và giá bán của công ty giảm mạnh so với cùng kỳ.
Hiện nay, Đức Quân là doanh nghiệp có quy mô lớn ở Việt Nam về dệt sợi cotton với 3 nhà máy, 110.000 cọc sợi, tổng công suất đạt 17.000 tấn/năm.
Trong 6 tháng đầu năm 2018, giá sợi luôn ổn định và được duy trì từ 3,02-3,2 USD/kg thì đến quý 2/2019, đơn giá bán biến động bất thường và chỉ còn 2,58-2,85 USD/kg.
Ngoài ra, nguyên liệu đầu vào là bông có giá tồn kho cao. Cuối quý 2 giá bông chỉ còn 1,76 USD/kg nhưng bông tồn kho cũng như các đơn hàng đã đặt trước của công ty có giá lên đến 1,96 USD/kg đã làm cho chi phí giá vốn không giảm mạnh được.
Trong 6 tháng đầu năm 2019, Đức Quân đạt 450 tỷ đồng doanh thu, giảm 23,9% so với cùng kỳ năm trước. Lợi nhuận gộp giảm mạnh từ mức 11,6% về còn 2,3% và chỉ còn 10 tỷ đồng. Mặc dù chi phí bán hàng, chi phí quản lý doanh nghiệp đều giảm nhưng chi phí lãi vay tăng 20% nên công ty bị lỗ 31 tỷ đồng so với lợi nhuận 28 tỷ đồng của cùng kỳ năm trước.
Hàng tồn kho tại ngày 30/6 đạt 368 tỷ đồng, đã tăng mạnh 2,51 lần so với đầu năm, tập trung chủ yếu là nguyên vật liệu với 301 tỷ đồng.
Các cuộn vải chất đống bên ngoài nhà máy Runze Textiles ở Tô Châu, Giang Tô, Trung Quốc. (Ảnh: SCMP). |
Khó khăn chồng khó khăn
Thị trường của Đức Quân tập trung vào xuất khẩu với 77% cơ cấu doanh thu, trong khi nội địa chỉ chiếm 23%. Trung Quốc là thị trường lớn nhất, chiếm tới 72% của Đức Quân. Thế nhưng, theo South China Morning Post (SCMP), trung tâm dệt may hàng đầu ở Trung Quốc là thành phố Tô Châu, tỉnh Giang Tô đang rơi vào khủng hoảng khi các công ty dệt may phải đóng cửa hàng loạt.
Chiến tranh thương mại đã tác động đến ít nhất 770 công ty xuất khẩu ở quận Ngô Giang của Tô Châu. Trong đó, 541 công ty có các sản phẩm nằm trong danh sách 200 tỷ USD hàng hóa Trung Quốc bị Mỹ áp thuế 10% từ tháng 9/2018 và 25% từ tháng 5/2019.
Theo SCMP, công ty dệt may lớn là Suzhou Junzhu Air Jet đã cửa đóng then cài với 60 chiếc máy dệt im lìm, hằng ngày chỉ có 2 công nhân quét dọn bởi vì công nhân đã được thông báo “nghỉ lễ” 1 tháng với ghi chú “có thể lâu hơn”. Kể từ tháng 6, Suzhou Junzhu Air Jet không nhận được bất cứ đơn đặt hàng nào.
Nguồn cung ngành dệt may bắt đầu trở nên dư thừa. Các nhà máy cần trung bình hơn 40 ngày để loại bỏ hàng tồn kho. Các cuộn vải bị chất đống bên ngoài Công ty Runze Textiles.
Thủ phủ dệt may tại Trung Quốc - thị trường xuất khẩu chính của Đức Quân - bị lâm nguy, hàng loạt nhà máy đóng cửa thì liệu Đức Quân có thoát khỏi cơn suy thoái khi chiến tranh thương mại chưa có điểm dừng.
Hoạt động sản xuất kinh doanh của Đức Quân bị ảnh hưởng mạnh từ cuộc chiến thương mại vì đã xấu đi từ giữa năm ngoái khiến sản lượng trong năm 2018 của 3 nhà máy chỉ đạt 14.255 tấn, tương đương 70% kế hoạch năm và chỉ bằng 99,54% so với năm 2017.
Đại diện Đức Quân cho biết, sản lượng giảm là do chiến tranh thương mại, đồng nhân dân tệ giảm làm cho thị trường Trung Quốc ảm đạm, các nhà máy dệt sản xuất cầm chừng, thậm chí đóng cửa dẫn đến nhu cầu sợi biến động giảm mạnh đã gây ảnh hưởng trực tiếp đến kế hoạch sản xuất của công ty.
Sản lượng giảm, thị trường xuất khẩu gặp khó khăn nhưng theo kế hoạch vào quý 4/2019, công ty sẽ vận hành nhà máy Đức Quân 6 với 50.000 cọc sợi, công suất 8.700 tấn sợi/năm. Điều này sẽ khiến công ty thêm gánh nặng khi công suất dư thừa mà vẫn phải trả lãi ngân hàng đều đặn hằng năm do vừa đầu tư nhà máy mới.
Nhà máy sợi cotton của Đức Quân. (Ảnh: Fortex). |
Cổ phiếu giảm sàn 13 phiên
Lo ngại tình hình kinh doanh ngày càng xấu, các nhà đầu tư cá nhân đã đua nhau bán tháo cổ phiếu FTM của Đức Quân. Đóng cửa ngày 3/9, FTM đã có 13 phiên giảm sàn và chỉ còn 9.400 đồng/cổ phiếu. Cổ phiếu đã mất 62,2% giá trị, vốn hóa “bốc hơi” 775 tỷ đồng. Nhiều phiên, nhà đầu tư mang FTM ra bán với giá sàn hơn 20 triệu cổ phiếu, tương đương 40% vốn điều lệ của công ty.
Một môi giới chứng khoán cho biết, FTM bị bán tháo bất chấp giá giảm mạnh là do bị giải chấp. Chưa biết khi nào sẽ là điểm dừng nhưng việc nắm giữ cổ phiếu đang trên đà giảm mạnh là điều vô cùng nguy hiểm, nhà đầu tư nên “phò thịnh chứ không ai phò suy”. Ngoài ra, chiến tranh thương mại sẽ làm tương lai Đức Quân thêm lâm nguy khi thị trường chính là Trung Quốc ngày càng khó khăn.
Trí Nguyễn