Dữ liệu thống kê cho thấy, gỗ và sản phẩm từ gỗ là 1 trong 6 mặt hàng xuất khẩu chủ lực của nước ta. Tính chung 3 tháng đầu năm 2025, trị giá xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ đạt hơn 3,9 tỷ USD, tăng 11,1% so với cùng kỳ năm 2024.
Theo số liệu thống kê của Cục Hải quan, trị giá xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ trong tháng 3 tăng 43,6% so với tháng 2.
Về thị trường, Mỹ là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam trong quý 1 với gần 54% trong tổng kim ngạch xuất khẩu nhóm hàng này, đạt trên 2,13 tỷ USD, tăng 12,87% so với cùng kỳ năm trước. Riêng tháng 3, Việt Nam thu về 833 triệu USD, tăng gần 60% so với tháng 3 năm ngoái.
Mới đây vào ngày 2/4, Tổng thống Mỹ Donald Trump công bố hàng loạt mức thuế đối ứng với các quốc gia trên thế giới. Tuy nhiên, đồ gỗ là ngành hàng góp mặt trong phần phụ lục II sắc lệnh điều chỉnh nhập khẩu bằng thuế quan đối ứng của Mỹ quy định một số hàng hóa không phải chịu thuế đối ứng… Như vậy, đồ gỗ, gỗ xẻ của tất các quốc gia, bao gồm cả Việt Nam sẽ không phải chịu mức thuế nhập khẩu đối ứng của Mỹ.
Chia sẻ tại Diễn đàn Doanh nghiệp 2025 với chủ đề "Trợ lực cho doanh nghiệp vượt thách thức, nâng cao năng lực cạnh tranh", Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam Ngô Sỹ Hoài cho hay, qua sự kiện thuế đối ứng vừa qua, mới thấy rằng tính tự cường, năng lực tự đàn hồi của nhiều ngành hàng xuất khẩu lớn như giày da, thuỷ sản, gỗ, hàng điện tử… đều rất yếu kém.
“Cơn địa chấn thuế của Chính quyền Donal Trump đã cho chúng ta thấy tăng trưởng theo bề rộng thiếu tính bền vững” – ông Ngỗ Sỹ Hoài nhấn mạnh.
Theo ông Hoài, với ngành gỗ, chúng ta vẫn đang dựa vào lợi thế chi phí, thâm dụng lao động và nguồn nguyên liệu dồi dào giá rẻ để làm lợi thế trong cạnh tranh, phát triển. Do đó, khi có chính sách thuế của Hoa Kỳ các doanh nghiệp lung lay.
“Các doanh nghiệp của chúng tôi hiện đang đàm phán với đối tác nước ngoài chia phần thuế 10%. Tuy nhiên các doanh nghiệp cho biết hiện lãi dưới 5% nên không thể chia sẻ mức thuế quan. Đây là thách thức thứ nhất với các doanh nghiệp” – ông nói.
Thách thức thứ hai là “bỏ tất cả trứng vào một giỏ”. Với ngành gỗ, tỷ trọng xuất khẩu vào thị trường Hoa Kỳ lên đến 56,4% năm 2024, chỉ cần vài cuộc điều tra chống bán phá giá, chống trợ cấp theo Đạo luật của Hoa Kỳ là doanh nghiệp của chúng ta mất cân bằng.
Do đó, ông Hoài cho rằng, đến lúc phải nhìn lại chặng đường đã qua. Sắp tới chúng ta phải chấp nhận một kịch bản nhất định về thuế đối ứng.
Về giải pháp, ông Hoài cho rằng, đã đến lúc phải hy sinh tăng trưởng số lượng mà nâng hơn về chất lượng. Với ngành gỗ có thể phải làm ít sản phẩm đi nhưng sản phẩm giá trị cao. Mặc dù số lượng doanh nghiệp làm được điều này chưa nhiều nhưng họ không bị lung lay nhiều khi có thuế đối ứng. Họ là những 'chim đầu đàn' về phát triển bền vững.
Bên cạnh đó, Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam cũng đề xuất Chính phủ cân nhắc gói hỗ trợ về tài khóa, tiền tệ tương đương như thời kỳ dịch Covid-19 để giảm bớt khó khăn cho doanh nghiệp bởi đây là ngành hàng sử dụng rất nhiều nhân lực, chi phí cho nhân công nhiều, biên độ lợi nhuận không rộng.
Đơn hàng giảm, thị trường Hoa Kỳ bị thu hẹp, giá thành sản phẩm bị đội lên, kéo theo giảm nhu cầu mua, sức cạnh tranh của hàng Việt sụt giảm. Những điều này sẽ tác động đến khả năng thanh khoản, thậm chí một số doanh nghiệp có nguy cơ đứt gãy thanh khoản.
Theo các chuyên gia, các doanh nghiệp trong ngành cũng cần tích cực tìm giải pháp, chuyển hướng đa dạng thị trường, giảm chi phí sản xuất đầu vào, về lâu dài, các doanh nghiệp ngành gỗ cần chuyển đổi mô hình kinh doanh. Họ cần chuyển từ chủ yếu gia công theo đơn hàng của nhà nhập khẩu sang chủ động mẫu mã và xây dựng thương hiệu, để gia tăng hiệu quả kinh doanh, biên độ lợi nhuận.