Bến Tre là tỉnh có diện tích dừa lớn nhất khu vực Đồng băng Sông Cửu Long và cả nước, sản phẩm dừa Bến Tre đã có mặt trên thị trường của hơn 90 vùng quốc gia và vùng lãnh thổ. Cây dừa Bến Tre còn chiếm giữ vị trí kỷ lục cây trồng cho ra cá sản phẩm, dòng sản phẩm chế biến nhiều nhất Việt Nam.
Trong những năm gần đây, tỉnh đã có những phương án để chuyển giao khoa học kỹ thuật về trồng dừa cho người dân. Bên cạnh đó, trong thời gian qua, giá thành và khả năng tiêu thụ dừa của tỉnh có lúc không ổn định. Vì vậy, để có thể đáp ứng yêu cầu, quy định của thị trường tiêu dùng trong nước và xuất khẩu, cũng như ổn định giá dừa trên địa bàn, trong thời gian tới tỉnh Bến Tre có những định hướng, giải pháp mang tính hiệu quả, nâng cao năng suất và phát triển bền vững hơn.
Sở NN&PTNT tỉnh Bến Tre đã triển khai kế hoạch xây dựng vùng sản xuất dừa tập trung gắn với phát triển chuỗi giá trị. Các hoạt động cụ thể triển khai hàng năm gồm tập huấn chuyển giao kỹ thuật hàng năm khoảng 150 lớp và khoảng 200 lớp nguồn từ các doanh nghiệp chế biến dừa với các chuyên đề: kỹ thuật canh tác dừa hữu cơ, kỹ thuật ủ phân hữu cơ; kỹ thuật thâm canh dừa uống nước xuất khẩu; kỹ thuật chăm sóc dừa trước, trong và sau hạn mặn; biện pháp quản lý sâu đầu đen hại dừa. Hàng năm thực hiện trên 100 cuộc tư vấn kỹ thuật canh tác dừa hữu cơ, thâm canh dừa uống nước, ủ phân hữu cơ, quản lý sâu bệnh hại trên dừa thông qua hình thức tư vấn trực tiếp tại vườn hoặc tư vấn qua điện thoại. Ngoài ra, còn thông tin hướng dẫn kỹ thuật trên Zalo, bài viết đăng trên trang web của Sở NN&PTNT, của Hiệp hội Dừa…
Ngoài ra, xây dựng vùng sản xuất tập trung gắn với phát triển chuỗi giá trị dừa. Phát triển ổn định, bền vững vùng sản xuất dừa tập trung của tỉnh. Đẩy nhanh tiến độ xây dựng chuỗi giá trị dừa, phát triển sản xuất dừa hữu cơ, xây dựng mã số vùng trồng dừa tươi để đáp ứng nhu cầu tối đa nguyên liệu dừa chất lượng phục vụ cho chế biến và xuất khẩu của các doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh. Tính đến nay toàn tỉnh đã có 18.840ha dừa sản xuất theo tiêu chuẩn hữu cơ với diện tích đạt chứng nhận 12.704ha; có 98 vùng trồng dừa uống nước đăng ký cấp mã số với quy mô 6.180ha và 9.284 hộ tham gia và 19 cơ sở đóng gói đăng ký cấp mã số cơ sở đóng gói.
Bên cạnh đó, phát triển công nghiệp chế biến dừa theo hướng đầu tư khoa học công nghệ, thiết bị hiện đại chế biến sâu, đa dạng hóa các sản phẩm tạo ra các sản phẩm có giá trị cao. Nghiên cứu thiết kế mẫu mã, cải tiến bao bì phù hợp với thị hiếu tiêu dùng, nâng cao giá trị gia tăng của sản phẩm đạt tiêu chuẩn quốc gia và quốc tế. Nghiên cứu chọn tạo, nhập nội các giống dừa mới có năng suất, chất lượng cao, chống chịu sâu bệnh, phù hợp với từng vùng sinh thái, thích ứng điều kiện biến đổi khí hậu. Phát triển và ứng dụng các mô hình nông nghiệp tuần hoàn, sử dụng tối đa các phụ phẩm trong quá trình sản xuất, chế biến để phục vụ lại cho sản xuất nông nghiệp. Đẩy mạnh công tác chuyển giao, ứng dụng tiến bộ kỹ thuật về giống, kỹ thuật canh tác, phòng trừ sâu bệnh trên dừa. Đặc biệt chú trọng phát triển sản xuất theo hướng hữu cơ, sinh học.
Để nâng cao năng suất chất lượng vườn dừa, Phó giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Bến Tre Võ Tiến Sỹ cho biết, sắp tới, sở sẽ phối hợp với các cơ quan, đoàn thể đẩy mạnh công tác xúc tiến thương mại, quảng bá sản phẩm, phát huy chứng nhận Chỉ dẫn địa lý trên dừa. Tiếp tục phối hợp chặt chẽ với các Bộ ngành, các hiệp hội ngành hàng và doanh nghiệp thực hiện tổ chức các chương trình quảng bá sản phẩm; tháo gỡ rào cản thương mại, đàm phán mở rộng thị trường xuất khẩu. Tổ chức thực hiện tốt các chính sách liên quan đến lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn.
Nghiên cứu, chuyển giao khoa học công nghệ vào sản xuất; thúc đẩy cơ giới hóa sản xuất, chế biến nông sản; xúc tiến thương mại, mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm. Xây dựng và quản lý nhãn hiệu; hỗ trợ cấp mã số vùng trồng; hỗ trợ chuyển đổi số, quản lý số trong nông nghiệp; chính sách hỗ trợ phát triển du lịch nông nghiệp.