Nâng cao chất lượng sản phẩm nhờ phát triển mô hình nông nghiệp xanh

(CL&CS) - Nhờ việc triển khai nhiều mô hình sản xuất nông nghiệp xanh nên các sản phẩm nông nghiệp, thủy sản sạch, truy xuất được nguồn gốc đã chiếm tỷ trọng ngày càng lớn. Việc áp dụng mô hình nông nghiệp xanh giúp gia tăng hiệu quả sản xuất, nâng cao chất lượng sản phẩm, đồng thời bảo vệ môi trường.

Người dân, doanh nghiệp ngày càng nhận thức rõ lợi ích bền vững của sản xuất nông nghiệp xanh. Ảnh minh họa.

Thời gian qua, nhờ việc triển khai nhiều mô hình sản xuất nông nghiệp xanh nên các sản phẩm nông nghiệp, thủy sản sạch, truy xuất được nguồn gốc đã chiếm tỷ trọng ngày càng lớn. Người dân, doanh nghiệp nhận thức rõ lợi ích bền vững của sản xuất nông nghiệp xanh, bởi vậy từng bước có sự tiếp cận, đầu tư và mở rộng mô hình.

Đặc biệt ngày càng nhiều doanh nghiệp khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quan tâm đến nông nghiệp xanh, tập trung đầu tư phát triển và thu được kết quả khả quan đồng thời đón nhận nhiều phản hồi tích cực từ xã hội. Cụ thể, các dự án nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp thuận tự nhiên; các mô hình ứng dụng công nghệ kỹ thuật để gia tăng hiệu quả sản xuất, nâng cao chất lượng sản phẩm, giảm phát thải nhà kính...

Được biết, theo định nghĩa từ Tổ chức Hợp tác & phát triển (OECD), nông nghiệp xanh là mô hình phát triển tối đa nguồn nông nghiệp sạch từ đó cho ra mô hình nông nghiệp phát triển một cách bền vững gắn liền với bảo vệ môi trường xanh sạch. Mô hình này đem lại cho người nông dân năng suất, hiệu quả vượt trội, đồng thời cũng giúp bảo vệ môi trường và sức khỏe người dân một cách tốt hơn.

Trao đổi với báo chí, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Trần Thanh Nam nhận định, những năm qua, Bộ, các địa phương, doanh nghiệp và bà con nông dân đã đẩy mạnh ứng dụng thành tựu của khoa học kỹ thuật, xây dựng nhiều mô hình theo hướng xanh - sạch - phát triển bền vững. Điển hình, đối với cây lúa đã áp dụng mô hình “ruộng lúa bờ hoa”, “1 phải 5 giảm”, “cánh đồng mẫu lớn áp dụng VietGAP”. Đối với cây ăn trái, áp dụng quy trình canh tác GAP và mô hình sử dụng khí sinh học trong chăn nuôi. Nuôi trồng thủy sản, áp dụng kiểm soát chất lượng từ ao nuôi đến bàn ăn.

Bà Carolyn Turk, Giám đốc Ngân hàng Thế giới (WB) tại Việt Nam cũng cho biết, Việt Nam có dấu chân carbon khá cao trong sản phẩm nông nghiệp, điều này gây ảnh hưởng đến thành tích mà Việt Nam đã đạt được trong vòng 30 năm qua. Một số vùng ở Việt Nam như Đồng bằng sông Cửu Long do biến đổi khí hậu như nước biển dâng, xâm nhập mặn, mưa bất thường, hạn hán… sẽ làm giảm năng suất lúa gạo trong vòng 30 năm tới. 

Thời gian qua, Việt Nam được đánh giá là đã thể hiện sự cam kết đáng kể trong việc thúc đẩy con đường tăng trưởng bền vững và nỗ lực hơn để thích ứng, giảm thiểu tác động của biến đổi khí hậu. Tuy nhiên, theo đánh giá của WB, mọi việc đã làm chỉ mới dừng lại ở mức độ thử nghiệm, chưa có sự lồng ghép đầy đủ ở tất cả các ngành.

Việt Nam cần duy trì để trở thành nước sản xuất nông nghiệp lớn mạnh trên thế giới, tìm ra nguồn tăng trưởng mới và hiệu quả hơn trong tương lai. Ngành nông nghiệp cần dựa vào tri thức, tập trung hơn vào khai thác các giá trị thặng dư, giảm thâm dụng tài nguyên, giảm đáng kể dấu chân carbon và phải nhạy bén hơn trước nhu cầu của cư dân toàn cầu đối với các sản phẩm thân thiện môi trường.

Ngoài ra, để đẩy mạnh phát triển nông nghiệp xanh, giới chuyên gia cho rằng doanh nghiệp có thể học hỏi kinh nghiệm từ các nước phát triển nông nghiệp xanh trên thế giới trong bối cảnh ngành nông nghiệp Việt Nam đang nỗ lực phát triển theo chuỗi giá trị và sản xuất bền vững, hướng tới mục tiêu một nền nông nghiệp thông minh và công nghệ cao.

TIN LIÊN QUAN