Năm 2021, kinh tế Việt Nam được dự báo tăng trưởng tốt

(CL&CS)- Theo ông Nguyễn Xuân Thành - Chuyên gia kinh tế cấp cao, thành viên Tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng thì động lực tăng trưởng cho nền kinh tế Việt Nam trong năm 2021 sẽ đến từ phục hồi sức mua thị trường nội địa, đầu tư tư nhân và xuất khẩu sang EU và ASEAN.

Tại diễn đàn Kịch bản Kinh tế Việt Nam thường niên năm 2021 vừa được tổ chức, ông Nguyễn Xuân Thành cho biết, trong năm 2021, bối cảnh thế giới vẫn tiềm ẩn rất nhiều bất trắc từ Covid-19 và các mối căng thẳng thương mại quốc tế song phương. Do đó, động lực tăng trưởng cho nền kinh tế Việt Nam trong năm 2021 sẽ đến từ phục hồi sức mua thị trường nội địa, đầu tư tư nhân và xuất khẩu sang EU và ASEAN.

Theo đó, ông Nguyễn Xuân Thành cho rằng có 4 điểm sáng để có thể nghĩ đến kịch bản kinh tế lạc quan trong năm 2021. Thứ nhất là ổn định vĩ mô và hỗ trợ kinh tế: Tăng trưởng ổn định vĩ mô là điểm nổi bật nhất trong nhiệm kỳ 2016 - 2020. Quy mô gói hỗ trợ của Việt Nam thuộc loại thấp nhất so về hiệu dụng. Cái tốt nhất Chính phủ làm là ổn định vĩ mô. Trong năm 2021 kỳ vọng Chính phủ vẫn duy trì được ổn định vĩ mô.

Thứ hai là phục hồi đầu tư doanh nghiệp tư nhân và đẩy mạnh đầu tư cơ sở hạ tầng. Đầu tư tư nhân đã tăng nhanh trong 4 năm qua, trong khi đầu tư công được siết chặt do tác động của nhiều yếu tố.

Thứ ba là sự nối lại của dòng vốn đầu tư nước ngoài. Vốn đầu tư nước ngoài năm 2020 có giảm, nhưng số tuyệt đối vốn FDI vào Việt Nam lớn. Điều này cho thấy Việt Nam vẫn hấp thu được dòng vốn nước ngoài vào mạnh và giữ được ổn định vĩ mô.

Thứ tư là phục hồi sức mua trong nước. Số người mất việc làm đã làm giảm sức mua. Thống kê từ Google cho thấy, lượng người di chuyển đến trung tâm mua sắm đã giảm. Chuyển đổi số là động lực rất lớn để doanh nghiệp thích ứng với loại hình mua sắm mới.

Cuối cùng, động lực tăng trưởng của Việt Nam trong năm 2021 là xuất khẩu. "Chúng ta là nền kinh tế mở, chúng ta có thị trường xuất khẩu đa dạng, xuất khẩu sang Mỹ và Trung Quốc đã bù đắp suy giảm các thị trường khác. Tuy nhiên sang năm 2021 sẽ xuất khẩu mạnh sang EU và ASEAN" -  ông Thành khẳng định.

Theo các chuyên gia thì năm 2021 có ý nghĩa rất quan trọng, mở đầu cho một giai đoạn phát triển mới của Việt Nam.

Chính phủ đặt mục tiêu tăng trưởng kinh tế 2021 là 6,5%, nhưng Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), Ngân hàng Thế giới (WB) còn lạc quan hơn, WB dự báo 6,7%; các ngân hàng quốc tế dự báo từ 6,8 – 7%. Kỳ vọng này nằm trên yếu tố ổn định vĩ mô của Việt Nam vẫn duy trì. Đây là lần đầu tiên Việt Nam chịu tác động bất ổn toàn cầu nhưng vẫn giữ được ổn định vĩ mô trong vòng 30 năm qua.

Theo các chuyên gia thì năm 2021 có ý nghĩa rất quan trọng, mở đầu cho một giai đoạn phát triển mới của Việt Nam, đồng thời là năm triển khai thực hiện chiến lược phát triển kinh tế - xã hội đất nước thời kỳ 2021 - 2025, hướng đến năm 2030. Việt Nam đặt mục tiêu đến năm 2025 là nước đang phát triển có công nghiệp theo hướng hiện đại; đến năm 2030 là nước đang phát triển có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao.

TS Trần Hồng Quang, Viện trưởng Viện Chiến lược Phát triển, Bộ Kế hoạch và Đầu tư nhấn mạnh: Việt Nam phải đẩy mạnh phát triển một số ngành nghề, lĩnh vực kinh tế trọng điểm, có tiềm năng, lợi thế và còn dư địa lớn để làm động lực cho tăng trưởng theo tinh thần bắt kịp, tiến cùng và vượt lên ở một số lĩnh vực so với khu vực, thế giới.

Năm qua, huyết mạch của nền kinh tế đã được duy trì thông suốt, kịp thời tăng cường sức chống chịu của nền kinh tế, của doanh nghiệp. Để tạo sức bật cho nền kinh tế trong năm 2021, những trụ cột thúc đẩy tăng trưởng gồm nông nghiệp, công nghiệp chế tạo, xây dựng, dịch vụ bán buôn, bán lẻ, dịch vụ gắn với kinh tế số kỳ vọng sẽ được tạo đà cho năm 2021.

Cùng với đó, sức khỏe của doanh nghiệp, nhận thức và tư duy của doanh nghiệp về một thế giới mới, phù hợp với mô hình quản trị và tổ chức sản xuất mới, phương thức kinh doanh mới... được xem là điều kiện tiên quyết đảm bảo sự thích ứng trước biến động thị trường và nền kinh tế toàn cầu để duy trì sự ổn định mục tiêu tăng trưởng

Đặc biệt, các chuyên gia cho rằng Việt Nam nên khuyến khích hình thành, phát triển những tập đoàn kinh tế tư nhân lớn, tiềm lực mạnh, có khả năng cạnh tranh khu vực, quốc tế; chuyển trọng điểm chính sách thu hút, hợp tác đầu tư nước ngoài từ số lượng sang chất lượng, có giá trị gia tăng cao, lấy hiệu quả và công nghệ sử dụng làm thước đo chủ yếu, quan trọng nhất.

TIN LIÊN QUAN