Một góc nhìn khác về “doanh nhân địa ốc” ngày nay

(CL&CS) - Kinh doanh địa ốc là ngành nghề tạo ra nhiều doanh nhân nhất trong Top 10 người giàu nhất sàn chứng khoán Việt Nam hiện nay. Nhưng liệu rằng, “mua một đồng” chờ vài tháng tăng giá “bán mười đồng” mà không tạo ra bất kỳ giá trị gì cho lô đất ấy thì đó có phải là doanh nhân hay chỉ là … "con buôn"?

Cách đây không lâu, ông Đỗ Anh Dũng, Chủ tịch Tập đoàn địa ốc Tân Hoàng Minh đã phát biểu trên các cơ quan truyền thông, báo chí: “Tôi muốn tất cả tư bản nước ngoài vào đây phải mua đất của Việt Nam với giá như Tokyo hoặc New York, có như vậy nhân dân ta mới giàu nhanh, đất nước mới phát triển được”.

Mặt bằng lô đất mà Chủ tịch Tân Hoàng Minh vừa bỏ cọc. Ảnh:Tấn Lợi

Thực tế hiện nay chỉ một bộ phận nhỏ dân chúng đang giàu lên một cách nhanh chóng, còn lại phần lớn giới trẻ, người thu nhập thấp tại TP.HCM vất vả bao năm không mua nổi một mét vuông căn hộ tại Thủ Thiêm? Và nếu Chủ tịch Tập đoàn địa ốc Tân Hoàng Minh đem vùng đất Thủ Thiêm mới phát triển so sánh với các thành phố lớn có lịch sử hàng trăm năm như: Tokyo, NewYork, HongKong liệu có quá khập khiễng không? Càng bất ngờ hơn khi ông này mới đây đã “vội vàng”… bỏ cọc, tháo chạy ra khỏi vùng đất Thủ thiêm.

Doanh nhân phải tạo ra giá trị

Ngành kinh doanh địa ốc là ngành nghề tạo ra nhiều doanh nhân nhất trong Top 10 người giàu nhất sàn chứng khoán Việt Nam. Bên cạnh đó, nhiều năm trở lại đây đã có rất nhiều nhà đầu tư nhỏ lẻ làm giàu từ ngành nghề này. Quả thực, trở thành tỷ phú khi tham gia đầu tư bất động sản vốn dĩ rất dễ dàng và mau chóng so với nhiều ngành nghề khác. Nhưng liệu rằng, mua một đồng chờ vài tháng tăng giá bán mười đồng mà không tạo ra bất kỳ giá trị gì cho lô đất ấy thì đó có phải là doanh nhân hay chỉ là … "con buôn"? Mua lô đất lớn ở Thủ thiêm và bán cho… tư bản nước ngoài hay nhà đầu tư khác để “ăn chênh lệch địa tô” thì có phải sẽ được gọi là… trọc phú?

Không thể phủ nhận những mặt tích cực của ngành kinh doanh địa ốc mang lại cho người dân, cộng đồng xã hội… ngành nghề này đã góp phần không nhỏ cho sự phát triển bền vững và thịnh vượng quốc gia, trực tiếp đóng góp và xây dựng nền tảng an sinh xã hội nước nhà. Những công trình mang tính biểu tượng không ngừng được xây dựng là niềm tự hào của nhiều địa phương và của đất nước.

Thế nhưng, mặt tiêu cực của ngành kinh doanh địa ốc mang lại cũng không hề nhỏ. Hàng loạt dự án hoang hóa trải dài từ Bắc vào Nam, vừa làm xấu xí bộ mặt địa phương vừa lãng phí quỹ đất phục vụ cho sản xuất, an sinh xã hội. Bên cạnh đó, câu chuyện “đi đêm” giữa cán bộ biến chất với lãnh đạo doanh nghiệp diễn ra ngày càng dày đặc và tinh vi hơn, đặc biệt là vấn đề phù phép “đất công thành đất ông” xảy ra trên khắp cả nước. Hàng loạt vụ án được phanh phui, điển hình như vụ: Phan Văn Anh Vũ (Vũ nhôm), Đinh Ngọc Hệ (Út trọc), Dương Thị Bạch Diệp… đã đẩy hàng loạt quan chức cao cấp tại địa phương phải vướng vào vòng lao lý.

Kinh doanh địa ốc trở thành ngành nghề vô cùng hấp dẫn vì làm giàu nhanh chóng mà không phải tiêu tốn quá nhiều công sức, trí tuệ. Do đó, không lạ lẫm khi rất nhiều địa phương xuất hiện hiện tượng “Nhà nhà làm bất động sản - Người người làm bất động sản”, nhiều người trong số đó giàu lên rất nhanh nên được gọi là “Doanh nhân địa ốc” (!?).

Kinh doanh địa ốc nếu tạo ra giá trị thặng dư cho xã hội đó là điều nên làm và rất đáng trân trọng. Ngược lại, đầu cơ địa ốc chờ được giá và bán ra nhằm ăn chênh lệch địa tô thì những người giàu có đó không được gọi là “Doanh nhân địa ốc” mà phải gọi là những… con buôn và trọc phú.

“Chính trực” là yếu tố sống còn của doanh nhân

Ngành kinh doanh địa ốc là ngành nghề kinh doanh đặc thù, do đó để trở thành doanh nhân địa ốc đúng nghĩa là việc làm không hề dễ dàng. Doanh nhân địa ốc phải đảm bảo lợi ích cộng đồng dân cư xung quanh, lợi ích quy hoạch địa phương và lợi ích quốc gia về sử dụng tài nguyên đất trước khi nghĩ đến lợi ích cá nhân. Nghe có vẻ hàn lâm, học thuật nhưng hãy áp dụng nó vào thực tế trong ngành kinh doanh địa ốc, thẳng thắn nhìn nhận lại vấn đề sử dụng tài nguyên đất ngày nay. Nếu đem các lợi ích nêu trên đặt trên lợi ích cá nhân thì sẽ không còn tình trạng các dự án bị bỏ hoang nhiều năm và hàng loạt thành phố ma đang xuống cấp nghiêm trọng làm bộ mặt địa phương ngày càng xấu xí .

Trong cuốn sách “Con buôn, Trọc phú và Doanh nhân: Tư duy quản trị khác biệt” của tác giả Thạc sĩ Nguyễn Phạm Hữu Hậu, nhà đào tạo - chuyên gia bất động sản có đoạn viết: “Một nhà lãnh đạo doanh nghiệp không chính trực thì không phải là doanh nhân và càng không phải là một nhà lãnh đạo tài ba để mọi người thán phục, noi gương…”.

Liệu rằng, các doanh nhân địa ốc đã thực hiện đúng và đủ những lời hứa có cánh, đẹp đẽ về viễn cảnh của một dự án hoành tráng, có đầy đủ pháp lý và thực hiện đúng tiến độ dự án? Không nhiều doanh nhân địa ốc thực hiện được những hứa hẹn ấy. Còn đó những khách hàng đang ngày đêm trông ngóng dự án triển khai, đâu đó cũng có những cư dân đang mỏi mòn chờ… sổ đỏ, sổ hồng.

Ngày nay, không ít những cá nhân hay chủ doanh nghiệp kinh doanh địa ốc trở nên giàu có nhanh chóng nhờ những cơn “sốt đất”, những chiếc xe sang thay đổi liên tục hay xây dựng biệt thự dát vàng, nội thất “siêu” đắt đỏ dùng để cư ngụ, xứng tầm với giới thượng lưu.

Cần phải lưu ý rằng, nhân dân ta không ai ganh ghét những người giàu có mà chỉ “đả kích” cách làm giàu của những “Con buôn và trọc phú”. Kinh doanh địa ốc mà không tạo ra bất kỳ giá trị thặng dư nào cho sản phẩm, thay vào đó chỉ chăm chú “mua rẻ, bán đắt” nhằm ăn chênh lệch địa tô thì không được gọi là doanh nhân, đó là cách làm tầm thường, thiếu tính bền vững của những con buôn và trọc phú. Thực vậy, ngày nay những người giàu lên nhờ đất cũng nhiều nhưng xộ khám vì đất cũng không gọi là ít.

TIN LIÊN QUAN