Những năm gần đây, Long An đang nổi lên như một điểm đến an toàn, hấp dẫn các nhà đầu tư trong và ngoài nước trong lĩnh vực bất động sản (BĐS) công nghiệp và bất động sản nhà ở. Với lợi thế về vị trí cũng như quỹ đất sạch dồi dào, năm 2020, Long An là một trong những địa phương thu hút vốn FDI hàng đầu tại khu vực Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL).
Được ví như cánh tay nối dài của TP.HCM, nhiều năm qua, Long An tập trung các dự án giao thông trọng điểm như cao tốc TP.HCM - Trung Lương, Quốc lộ N2, đường ĐT 830..., đồng thời chú trọng đầu tư hạ tầng và phát triển công nghiệp. Sắp tới, khi các trục giao thông chiến lược hoàn thành như cao tốc Bến Lức - Long Thành hay tuyến Tiền Giang - Long An - TP HCM cùng với chính sách thông thoáng, cởi mở, Long An sẽ thu hút nhiều hơn nữa các nhà đầu tư trong lĩnh vực BĐS công nghiệp và BĐS nhà ở.
Ông Huỳnh Văn Sơn, Giám đốc Sở Kế hoạch và đầu tư tỉnh Long An cho biết, năm 1992, Long An được Bộ Kế hoạch và đầu tư cấp giấy phép cho dự án đầu tư nước ngoài đầu tiên. Năm 2001, nhà đầu tư nước ngoài mới bắt đầu chú ý đến Long An, nhưng chỉ 5 năm sau, Long An đã thu hút được 97 dự án FDI với vốn đăng ký 400 triệu USD. Từ 2006 đến 2010, FDI tăng lên 355 dự án, tổng vốn đăng ký 3,2 tỷ USD (tăng 3,7 lần về số dự án và tăng 8,1 lần về vốn so với giai đoạn 2001-2005). Năm 2020, FDI toàn tỉnh là 1.059 dự án, với vốn đăng ký 6,496 tỷ USD, trong đó, 585 dự án đi vào hoạt động với tổng vốn thực hiện khoảng 3,624 tỷ USD.
Cũng theo lãnh đạo Sở Kế hoạch và Đầu tư, toàn tỉnh Long An hiện có 32 khu công nghiệp (KCN) đã được quy hoạch đồng bộ, diện tích 11.523,14ha và 62 cụm công nghiệp (CCN) diện tích 3.106ha, trong đó 16 KCN và 21 CCN đang hoạt động với tỷ lệ lấp đầy lần lượt đạt 87,4% và 89,7%. Trong 1.059 dự án FDI, có 678 dự án nằm trong KCN, CCN, tổng vốn đăng ký 3,9 tỷ USD. Dự kiến trong khoảng 2-3 năm tới, Long An sẽ là tỉnh có nhiều KCN và trở thành một trong những KCN lớn nhất miền Nam.
Theo các chuyên gia BĐS, một khi nguồn cung về công nghiệp tăng cao, chắc chắn sẽ kéo theo hàng loạt nhu cầu về nhà ở cho chuyên gia KCN, tầng lớp công nhân lao động cũng tăng lên. Từ đó, Long An sẽ có thể phát triển đa dạng về các dòng sản phẩm có mức giá từ trung đến cao cấp để phục vụ tốt cho từng đối tượng phù hợp. Điều này mở ra cơ hội đầu tư BĐS đa dạng về dòng vốn ở Long An. Ngoài ra, theo Đề án quy hoạch TP.HCM, 3 huyện Cần Giuộc, Bến Lức, Đức Hòa trong tương lai sẽ là đô thị vệ tinh của TP.HCM.
Các chuyên gia cũng cho rằng, Bình Dương hay Đồng Nai đều là những khu vực phát triển lâu đời, hệ thống hạ tầng bài bản nên quỹ đất không dễ tìm, giá bán cũng không rẻ. Trong khi đó, khu vực Long An liền kề TP.HCM nhưng giá đất còn mềm, phù hợp với người đầu tư có vốn ít. Với những lợi thế về vị trí cũng như nguồn đất dồi dào, Long An cho thấy nơi đây đang dần mở ra cơ hội lớn cho các nhà đầu tư gửi gắm dòng tiền.
Ông Huỳnh Tuấn Kiệt, Giám đốc bộ phận nhà ở Công ty tư vấn bất động sản (CBRE) Việt Nam cho biết, trong bối cảnh thị trường BĐS TP.HCM hạn chế nguồn cung và giá nhà đất tại đây đang ở mức quá cao thì các tỉnh như Đồng Nai, Bình Dương hay Long An đang là những thị trường quyết định nguồn cung lớn trong năm 2021 và những năm tới. Trong đó, sản phẩm đất nền vẫn được ưu chuộng, nhất là các dự án có chủ đầu tư uy tín và pháp lý rõ ràng. Một khi nhu cầu BĐS công nghiệp tăng lên thì sẽ kéo theo hàng loạt các yếu tố về hạ tầng, logistic, dịch vụ… và làm gia tăng nhu cầu về nhà ở. Khi đó, Long An chắc chắn trở thành điểm đến mới được ưa chuộng hàng đầu trong thời gian tới.