Lộc Trời đặt mục tiêu lợi nhuận ổn định trong 2 năm

(CL&CS) - Tại Đại hội đồng cổ đông (ĐHĐCĐ) Công ty cổ phần Tập đoàn Lộc Trời (LTG) ngày 14/4, cổ đông đã thông qua kế hoạch lợi nhuận sau thuế 400 tỷ mỗi năm, trong 2 năm liên tiếp.

LTG thông qua phương án tăng vốn điều lệ của công ty thêm 100 tỷ đồng lên mức 905 tỷ đồng.

Kế hoạch lợi nhuận này nằm trong chiến lược dài hơi mà LTG đã xây dựng. Trước đó, tại ĐHĐCĐ thường niên 2021, Ban lãnh đạo LTG đã công bố một kế hoạch kinh doanh dài hơi (đến năm 2024) cho Tập đoàn, với cam kết lợi nhuận sau thuế tối thiểu 400 tỷ đồng mỗi năm và kế hoạch chia cổ tức với tỷ lệ lần lượt qua các năm là 12% (năm 2021), 20% (năm 2022), 25% (năm 2023) và 30% (năm 2024).

Đại diện ban lãnh đạo của LTG cho biết, đây không phải là kế hoạch kinh doanh đi lùi mà chính là kế hoạch cam kết tối thiểu với cổ đông và công ty luôn nỗ lực vượt kế hoạch trong nội bộ.

Đại diện LTG cũng cho biết, công ty quyết định trích lập toàn bộ khoản lãi sau thuế vượt chỉ tiêu vào các quỹ dự phòng rủi ro (quỹ được lập 5/2021) dành cho các hộ nông dân liên kết và đội ngũ nhân viên tập đoàn. Do đó, khi đặt kế hoạch ở mức cố định 2 năm giúp cho quỹ này tích lũy được nhiều hơn nếu kinh doanh vượt chỉ tiêu.

Tại đại hội, ông Huỳnh Văn Thòn, Chủ tịch HĐQT LTG chia sẻ: "HĐQT và ban điều hành của tập đoàn cam kết không nhận thưởng vượt chỉ tiêu cho đến khi hai quỹ này đạt giá trị 360 tỷ mỗi quỹ. Số tiền này thuộc sở hữu của cổ đông nhưng là khoản dự phòng “bảo hiểm” cho nông dân và CBCNV trong trường hợp có biến động lớn, giúp bà con nông dân an tâm canh tác, ổn định chuỗi sản xuất của Tập đoàn.”

Lộc Trời dự kiến năm 2022 sẽ liên kết sản xuất và tiêu thụ khoảng 105.000 ha với các nông dân trên địa bàn tỉnh, xuất khẩu nhiều hơn sang các châu lục để mở rộng thị phần.

Hồi tháng 2, Nông sản Lộc Trời - thành viên của LTG, đã giao đơn hàng xuất khẩu hơn 4.500 tấn gạo, trị giá hơn 3 triệu USD (khoảng 80 tỷ đồng) cho các đối tác đã làm ăn lâu dài như Italy, Pháp, Canada, Singapore, Philippines... Đơn hàng này gồm gạo thơm, gạo trắng, gạo lứt và nếp.

Ông Nguyễn Duy Thuận, Tổng Giám đốc Tập đoàn Lộc Trời cho biết, năm 2022, bên cạnh việc tiếp tục hoàn thiện hệ sinh thái nông nghiệp, duy trì và phát huy vị thế của tập đoàn trong ngành vật tư, dịch vụ nông nghiệp, chế biến, phân phối và xuất khẩu lúa gạo.

Ban lãnh đạo Lộc Trời sẽ tiếp tục thử nghiệm các hướng đi mới, bao gồm việc cung cấp dịch vụ canh tác, bao tiêu, phân phối và xuất khẩu các loại rau màu, cây ăn quả, đồng thời từng bước mở rộng sang thị trường thức ăn gia súc, sản phẩm hữu cơ, vi sinh… tận dụng thế mạnh trong việc có sẵn nguyên vật liệu đầu vào, sở hữu tri thức nông nghiệp, năng lực sản xuất lớn, khả năng tiêu thụ sản phẩm cùng với sự đồng hành của đối tác chiến lược.

"Dự kiến, chúng tôi sẽ phối hợp với đối tác để phát triển một sản phẩm bảo hiểm với mục đích bảo đảm thu nhập cho bà con nông dân liên kết với Lộc Trời, nếu thành công thì đây sẽ là bảo hiểm nông nghiệp đầu tiên tại Việt Nam", ông Thuận cho biết.

Cơ cấu doanh thu của LTG bao gồm 6 ngành sẽ tăng theo tiến bộ mỗi ngành: Nông sản, dịch vụ nông nghiệp, vật tư nông nghiệp, cây giống, nghiên cứu và phát triển.

LTG cũng thông báo kết quả kinh doanh ước tính quý 1/2022 với doanh thu thuần đạt hơn 2.300 tỷ đồng; lợi nhuận sau thuế đạt hơn 180 tỷ đồng. Không bị ảnh hưởng với đối tác phân phối, bằng chứng là quý 1/2022 lợi nhuận của LTG và mảng vật tư nông nghiệp không bị ảnh hưởng.

Cũng tại đại hội, cổ đông thông qua phương án tăng vốn điều lệ của công ty thêm 100 tỷ đồng lên mức 905 tỷ đồng. Mục đích giúp công ty có nguồn lực tài chính cho việc triển khai các hoạt động chiến lược trong thời gian tới.

Đáng chú ý, LTG sẽ xin ý kiến cổ đông về việc gia hạn thời gian thực hiện niêm yết cổ phiếu trên Sở Giao dịch Chứng khoán TP. HCM (HOSE). Cụ thể, trước đó, Công ty dự kiến trong năm 2022 sẽ hoàn tất niêm yết cổ phiếu LTG trên HOSE.

Tuy nhiên, Ban lãnh đạo LTG dự kiến sẽ hoàn tất niêm yết trên HOSE trong năm 2025 với điều kiện đã được các cơ quan có thẩm quyền phê duyệt, chấp thuận - chậm hơn 3 năm so với kế hoạch ban đầu.

Lý do hoãn niêm yết được LTG đưa ra là hiện nay, điều kiện kinh tế, xã hội Việt Nam và hoạt động sản xuất, kinh doanh của công ty vẫn đang gặp nhiều khó khăn do ảnh hưởng của dịch COVID-19, không thuận lợi khi niêm yết cổ phiếu trên sàn HOSE.

Kết thúc năm 2021, LTG đạt hơn 10.224 tỷ đồng doanh thu thuần, tăng 36% so với năm 2020 chủ yếu do doanh thu từ thuốc bảo vệ thực vật (5.121 tỷ đồng) tăng 13% và doanh thu từ mảng lương thực (4.076 tỷ đồng) tăng mạnh 92%. Còn lại doanh thu từ hạt giống, bao bì, xây dựng và doanh thu khác cũng đều tăng.

Nhờ đó, LTG đạt gần 418 tỷ đồng lợi nhuận ròng, tăng 14% so với năm 2020. Đây cũng là mức lợi nhuận cao nhất trong 7 năm qua của doanh nghiệp này.

Năm 2021, LTG đặt mục tiêu lãi sau thuế tăng hơn 9% so với năm trước, đạt 400 tỷ đồng. So với kế hoạch, doanh nghiệp đã vượt 5% mục tiêu lợi nhuận cả năm.

TIN LIÊN QUAN