Quán quân nợ xấu Agribank
Trong nhóm tứ đại gia ngân hàng Việt Nam gồm Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV), Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank), Ngân hàng TMCP Công thương Việt Nam (Vietinbank) và Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Việt Nam (Agribank) thì Agribank là ông lớn kín tiếng nhất vì ngân hàng này chưa niêm yết cổ phiếu trên thị trường chứng khoán. Vì vậy, thông tin về ngân hàng này cũng nhỏ giọt nhất. Tuy nhiên, không khó để thấy, Agribank thậm chí còn qua mặt BIDV về nợ xấu.
Kết quả kiểm toán năm 2016 của Kiểm toán Nhà nước cho thấy, trong thời gian qua Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (Agribank) có nhiều khuyết điểm, vi phạm trong hạch toán.
Kiểm toán Nhà nước khẳng định một số khoản vay được Agribank thẩm định thiếu chặt chẽ, thiếu tài sản đảm bảo, giải ngân không đúng mục đích, không được kiểm soát, giám sát chặt chẽ việc sử dụng vốn vay.
Agribank là quán quân nợ xấu trong hệ thống ngân hàng. |
Theo Kiểm toán Nhà nước trong năm 2015 tỷ lệ nợ xấu của Agribank lên đến 73.472 tỷ đồng, tương đương 10,7% tổng dư nợ (tính cả nợ đã bán cho VAMC).
Trong năm 2017, Agribank rầm rộ “phá bang” nợ xấu. Thế nhưng, báo cáo tài chính riêng Agribank 2017 cho thấy nợ xấu vẫn là vấn đề nhức nhối của ngân hàng này.
Tại thời điểm 31/12/2017, nợ xấu tại Agribank đạt 18.000 tỷ đồng, tăng 2.526 tỷ đồng, tương ứng 1,63% so với năm 2016. Tỷ lệ nợ xấu nội bảng đạt 2,05%.
Bên cạnh đó, Agribank còn nắm giữ 40.983 tỷ đồng trái phiếu đặc biệt do VAMC phát hành. Khoản nợ đã bán cho VAMC và nhận về trái phiếu được ngân hàng trích lập dự phòng 21.989 tỷ, có nghĩa ngân hàng còn 18.994 tỷ đồng nợ xấu ngoại bảng tại VAMC.
Tăng cùng nợ xấu là nợ có khả năng mất vốn. Nợ có khả năng mất vốn tại Agribank tăng từ 10.612 tỷ đồng lên 11.052 tỷ đồng.
Ai phải chịu trách nhiệm?
“Chỉ” là á quân về nợ xấu nhưng BIDV đã tìm ra được người chịu trách nhiệm. Đó là ông Trần Bắc Hà, ông Đoàn Ánh Sáng, ông Trần Lục Lang và một số lãnh đạo khác của BIDV nhiệm kỳ 2010-2015, 2015-2020.
Trong khi đó, “quán quân” nợ xấu Agribank vẫn chưa tìm được người chịu trách nhiệm cao nhất. Muốn biết được người phải chịu trách nhiệm về nợ xấu tại Agribank cần phải biết nợ xấu siêu khủng của ngân hàng này xuất hiện từ khi nào.
Ông Trịnh Ngọc Khánh, Chủ tịch HĐQT Agribank |
Agribank không đều đặn công bố các báo cáo tài chính hàng năm nhưng các số liệu ít ỏi về trích lập dự phòng rủi ro tín dụng có được cho thấy nợ xấu tại ngân hàng này không tăng rải rác theo năm mà tăng khá giật cục.
Đầu những năm 2000, Agribank chỉ phải trích gần 2.000 tỷ đồng cho dự phòng rủi ro tín dụng. Tới năm 2005, chỉ tiêu này tăng lên khoảng 3.000 tỷ đồng; năm 2006, chi phí dự phòng rủi ro tín dụng vọt lên gần 6.600 tỷ đồng.
Trong năm 2010, Agribank không công bố nợ xấu nhưng khoản trích lập dự phòng rủi ro tín dụng tại ngân hàng này đạt hơn 7.200 tỷ đồng cho thấy nợ xấu mà Agribank phải gánh chịu là con số không hề nhỏ.
2015 là năm đầu tiên Agribank công bố báo cáo tài chính có đầy đủ thuyết minh. Nhờ vậy, bức tranh nợ xấu 2014 và 2015 của ngân hàng này ít nhiều hé lộ. Trong năm 2014, Agribank phải chi 8.308 tỷ đồng để trích lập dự phòng rủi ro tín dụng cho khoản nợ xấu nội bảng lên tới 28.021 tỷ đồng, chiếm 5,05%. Trong đó, nợ có khả năng mất vốn lên tới 19.924 tỷ đồng.
Sang năm 2015, nợ xấu giảm xuống 17.139 tỷ đồng. Nợ có khả năng mất vốn giảm còn 11.140 tỷ đồng. Chi phí trích lập dự phòng rủi ro tín dụng của Agribank năm 2015 là 11.648 tỷ đồng.
2014 là khoảng thời gian nợ xấu cũng như chi phí dự phòng rủi ro tín dụng của Agribank “thăng hoa”. Dàn lãnh đạo lúc đó là ông Trịnh Ngọc Khánh, Chủ tịch Hội đồng Quản trị Agribank; ông Tiết Văn Thành vừa là thành viên Hội đồng Quản trị vừa nắm giữ chức vụ Tổng Giám đốc; ông Phạm Đức Ấn, cùng được bổ nhiệm trong ngày 6/6/2014.
Các thành viên Hội đồng Quản trị của Agribank gồm ông Nguyễn Văn Minh, ông Nguyễn Đăng Hồng, ông Phạm Hoàng Đức, ông Nguyễn Viết Mạnh, ông Nguyễn Ngọc, ông Nguyễn Minh Trí, ông Đặng Văn Quang, ông Hồ Văn Sơn.
Ông Nguyễn Ngọc Bảo, cựu Chủ tịch Agribank |
Trước đó, ông Nguyễn Ngọc Bảo nắm giữ chức vụ Chủ tịch Hội đồng thành viên. Các thành viên Hội đồng thành viên bao gồm ông Phạm Ngọc Ngoạn, ông Võ Hồng, ông Nguyễn Hữu Lương, ông Trịnh Ngọc Khánh, ông Nguyễn Văn Sản, ông Nguyễn Minh Trí, ông Nguyễn Xuân Đồng.
Trong Ban Giám đốc, ông Trịnh Ngọc Khánh nắm giữ chức vụ Tổng Giám đốc. Các phó tổng giám đốc là ông Nguyễn Tuấn Anh, ông Đặng Văn Quang, bà Lê Thị Thanh Hằng, ông Tiết Văn Thành, ông Nguyễn Tiến Đông.
Sau khi rời khỏi ghế Chủ tịch Agribank năm 2014, ông Nguyễn Ngọc Bảo, Phó trưởng ban Kinh tế Trung ương, sẽ là Ủy viên Hội đồng, thay cho ông Vương Đình Huệ, Trưởng ban Kinh tế Trung ương.
Bảo Linh