Trong dự thảo nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 15/2018/NĐ-CP của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật An toàn thực phẩm, Bộ Y tế đề xuất siết chặt từ quản lý hồ sơ công bố các sản phẩm, tương tự một số nước châu Âu.
Theo quy định hiện hành tại Nghị định 15, doanh nghiệp có quyền tự công bố và hoàn toàn tự chịu trách nhiệm về sản phẩm, cơ quan quản lý chỉ hậu kiểm rất hạn chế. Điều này dẫn đến nhiều trường hợp doanh nghiệp tùy tiện xếp loại sản phẩm.
Trong dự thảo mới, Bộ Y tế đề xuất cơ quan tiếp nhận hồ sơ tự công bố phải cho ý kiến, đăng tải công khai, xây dựng kế hoạch hậu kiểm và tiến hành lấy mẫu giám sát nếu phát hiện vi phạm. Quy định này được kỳ vọng sẽ giúp kiểm soát tốt hơn chất lượng và tính minh bạch của sản phẩm ngay từ đầu.
Ngoài ra, Nghị định 15 hiện đang xếp thực phẩm bổ sung vào nhóm thực phẩm đã qua chế biến đóng gói sẵn và cho phép tự công bố, không yêu cầu đăng ký công bố sản phẩm. Đây là kẽ hở để nhiều doanh nghiệp lợi dụng, tự khai sai nhóm sản phẩm hoặc biến thực phẩm bảo vệ sức khỏe thành thực phẩm bổ sung để né kiểm tra quảng cáo.
Dự thảo sửa đổi lần này quy định rõ thực phẩm bổ sung phải đăng ký bản công bố sản phẩm trước khi lưu thông, đồng thời phải được kiểm soát nội dung quảng cáo, công dụng nhằm ngăn chặn thông tin sai lệch gây hiểu lầm cho người tiêu dùng.
Với nhóm thực phẩm bảo vệ sức khỏe, thực phẩm dinh dưỡng y học, thực phẩm cho trẻ dưới 36 tháng tuổi, dự thảo mới yêu cầu bổ sung kiểm soát từ thành phần, chỉ tiêu an toàn, công dụng của sản phẩm ngay từ giai đoạn nghiên cứu, phát triển, và bắt buộc đăng ký bản công bố trước khi lưu thông. Đồng thời, các cơ sở sản xuất nhóm thực phẩm đặc biệt này phải đạt chuẩn quốc tế như HACCP, GMP, ISO 22000 hoặc tương đương, thay vì chỉ cần điều kiện an toàn thông thường như trước.
Điều này giúp bảo đảm chất lượng và an toàn ở mức cao hơn, tương tự các nước phát triển như Liên minh châu Âu và một số nước.
Ngoài việc siết chặt hồ sơ tự công bố, công bố sản phẩm, Bộ Y tế cũng đề xuất các quy định tăng cường hậu kiểm. Theo đó, hiện nay công tác hậu kiểm trong nghị định cũ chưa quy định rõ ràng kế hoạch, tần suất hay nội dung hậu kiểm.
Dự thảo mới đã bổ sung cụ thể yêu cầu lập kế hoạch, hậu kiểm định kỳ, hậu kiểm đột xuất; tăng quyền cho cơ sở kiểm nghiệm chủ động lấy mẫu giám sát; đồng thời yêu cầu kết nối dữ liệu giữa Bộ Y tế, các bộ ngành khác và chính quyền địa phương qua Cổng dịch vụ công quốc gia, để quản lý xuyên suốt từ trung ương tới địa phương.
Về quản lý quảng cáo, các sàn thương mại điện tử, mạng xã hội, người phát hành và người có ảnh hưởng tham gia quảng cáo phải công khai quan hệ tài trợ, tuân thủ quy tắc ứng xử nghề nghiệp. Bộ Y tế nhận định đây là giải pháp quan trọng để hạn chế quảng cáo sai sự thật, lừa dối người tiêu dùng.
Bộ Y tế nhấn mạnh, việc sửa đổi, bổ sung quy định về quản lý an toàn thực phẩm lần này sẽ giúp khắc phục những kẽ hở về tự công bố, quảng cáo, hậu kiểm, đồng thời nâng cao tiêu chuẩn sản xuất, bảo vệ quyền lợi và sức khỏe người tiêu dùng. Các đơn vị, doanh nghiệp liên quan cần chủ động nghiên cứu, chuẩn bị triển khai để đảm bảo tuân thủ khi nghị định chính thức có hiệu lực.