Tại Hội nghị COP26, Việt Nam đã đưa ra tuyên bố đạt mức phát thải ròng bằng “0” vào năm 2050 cho thấy cam kết mạnh mẽ của nước ta về phát triển bền vững. Trước yêu cầu phát triển kinh tế tuần hoàn, Việt Nam đang dần thay đổi cả chuỗi sản xuất, tiêu dùng bền vững, điều tra thăm dò, thiết kế, chế biến, phân phối, thu gom, vận chuyển, tái chế và tái sử dụng chất thải...
Các nước phát triển đã dựng hàng rào về phát thải carbon có hiệu lực chính thức từ tháng 1/2026 để thúc đẩy các quốc gia khác, trong đó có Việt Nam, thực hiện giảm phát thải. Như vậy, từ ngày 1/1/2025, Việt Nam muốn xuất khẩu nông sản phải chứng minh hàng hóa đó không xuất phát từ phá rừng sau ngày 31/12/2024. Ngoài ra, còn các vấn đề như xây dựng biên giới carbon, rừng, nhựa trong doanh nghiệp sản xuất.
Do đó, để không bị bỏ lại phía sau, Việt Nam cần khuyến khích doanh nghiệp thực hiện bộ tiêu chuẩn ESG (môi trường, xã hội và quản trị) để tăng uy tín doanh nghiệp đồng thời đáp ứng điều kiện về hàng rào thuế quan vào các thị trường đòi hỏi “xanh” như EU, Mỹ,...
Trong đó, bộ tiêu chuẩn ESG được viết tắt bởi 3 chữ cái đầu tiên của Environment – môi trường, Social – xã hội và Governance – quản trị doanh nghiệp. Đây là bộ 3 tiêu chuẩn để đo lường những yếu tố liên quan đến định hướng, hoạt động phát triển bền vững của doanh nghiệp. ESG giúp tổ chức xác định các rủi ro và cơ hội, cũng như mức độ ảnh hưởng khi áp dụng chúng vào vận hành.
Thực hiện bộ tiêu chuẩn ESG (môi trường, xã hội và quản trị) giúp tăng uy tín doanh nghiệp. (Ảnh minh họa)
Điểm số ESG được đánh giá dựa trên tác động của doanh nghiệp đến môi trường, xã hội và hiệu suất quản trị của công ty khi quản lý các ảnh hưởng đó. Điểm ESG càng cao sẽ càng chứng minh thương hiệu thực hành tốt ESG.
Để thực hiện ESG, doanh nghiệp cần đáp ứng 3 trọng tâm chính với hàng chục tiêu chí cụ thể. Có thể kể đến như, tiêu chí môi trường xem xét hoạt động kinh doanh của một tổ chức tác động như thế nào đến môi trường, thực hiện các biện pháp bảo vệ tài nguyên thiên nhiên ra sao, những rủi ro và cơ hội tiềm ẩn mà tổ chức sẽ gặp phải do các vấn đề môi trường (chẳng hạn như biến đổi khí hậu). Một số ví dụ về yếu tố môi trường trong ESG có thể kể đến như quản lý chất thải, giảm lượng khí thải nhà kính, tiêu thụ nguồn năng lượng sạch,…
Tiêu chí xã hội liên quan đến cách tổ chức thực hiện các chính sách và thực hành liên quan đến nhân quyền, quản lý lao động và đối xử công bằng với khách hàng, đối tác và cộng đồng. Chẳng hạn như việc trả lương xứng đáng cho nhân viên, đảm bảo tính gắn kết trong đội ngũ, sức khỏe và an toàn nơi làm việc, mức độ hài lòng của khách hàng,…
Tiêu chí quản trị chú trọng vào những chính sách quản lý của doanh nghiệp, cách thức kiểm soát nội bộ để duy trì việc tuân thủ quy định chung, đảm bảo tính minh bạch và đạo đức trong kinh doanh. Các ví dụ trong tiêu chí này bao gồm việc lãnh đạo và quản lý công ty, cơ cấu thành phần HĐQT, minh bạch về tài chính và liêm chính trong kinh doanh,…
Trong Quyết định số 167/QĐ-TTg phê duyệt "Chương trình hỗ trợ doanh nghiệp khu vực tư nhân kinh doanh bền vững giai đoạn 2022 - 2025" đã được Chính phủ ban hành ngày 8/2/2022, mục tiêu tổng quát là: “Phát triển bền vững doanh nghiệp khu vực tư nhân, đảm bảo kết hợp chặt chẽ, hợp lý và hài hòa giữa hiệu quả kinh tế với trách nhiệm xã hội, bảo vệ tài nguyên và môi trường, góp phần hoàn thành 17 mục tiêu phát triển bền vững của Việt Nam vào năm 2030”.
Chính phủ đặt mục tiêu cụ thể phấn đấu đến năm 2025, nâng cao nhận thức của cộng đồng doanh nghiệp khu vực tư nhân về vai trò, ý nghĩa và tầm quan trọng của kinh doanh bền vững, phát triển các công cụ và giải pháp đánh giá doanh nghiệp kinh doanh bền vững. Để giúp doanh nghiệp chuyển dịch theo xu hướng phát triển bền vững, cùng với việc xây dựng cơ chế khuyến khích, tạo điều kiện để các tổ chức đánh giá độc lập hoạt động tốt tại Việt Nam cần tiếp tục tăng cường hoạt động đào tạo nâng cao năng lực quản trị ESG cho doanh nghiệp trên thị trường.