Khuyến khích doanh nghiệp áp dụng năng suất xanh để phát triển bền vững

(CL&CS) - Năng suất xanh là một trong những công cụ cải tiến năng suất, chất lượng cho các doanh nghiệp. Công cụ này nhằm tạo ra những sản phẩm, dịch vụ vừa đảm bảo chất lượng, vừa hài hòa với môi trường.

Năng suất xanh (Green Productivity) là sự kết hợp của các công cụ, kỹ thuật và công nghệ thích hợp để giảm tác động đến môi trường từ các hoạt động, hàng hóa và dịch vụ của tổ chức/doanh nghiệp. Cùng với đó, cho phép sử dụng có hiệu quả các nguồn lực để nâng cao năng suất. Năng suất xanh được kết hợp và trở thành một bộ phận trong hoạt động quản lý hàng ngày của tổ chức/doanh nghiệp.

Năng suất xanh bao gồm việc áp dụng các công cụ, kỹ thuật, công nghệ quản lý năng suất và môi trường thích hợp nhằm giảm tác động đến môi trường của các hoạt động, sản phẩm, dịch vụ, giúp nâng cao lợi nhuận và khả năng cạnh tranh. Theo đánh giá, đây là chiến lược năng động nhằm kết hợp hài hòa giữa tăng trưởng kinh tế và bảo vệ môi trường để phát triển bền vững.

Khuyến khích doanh nghiệp áp dụng năng suất xanh để phát triển bền vững.

Đối với khối doanh nghiệp, việc áp dụng năng suất xanh đã đem lại những lợi ích thiết thực cho nhiều doanh nghiệp. Sau khi áp dụng mô hình năng suất xanh, Công ty Cổ phần Giấy Hiệp Thành đã tiết giảm 4% lượng phế phẩm giấy nguyên liệu đầu vào trung bình sản xuất hàng tháng. Lợi ích từ việc tiết kiệm chi phí sản xuất và vận hành doanh nghiệp cũng được thể hiện qua việc công ty này đã giảm chi phí điện năng tiêu thụ, vỏ điều sử dụng tại khu vực lò hơi gần 140 triệu đồng/năm. Tại Công ty Trách nhiệm hữu hạn rau quả Hùng Hậu, việc áp dụng năng suất xanh đã giúp lượng nước và điện tiêu thụ giảm đến 15%, tiết kiệm từ 33 - 46% lượng phế phẩm, lượng chất thải và chi phí xử lý chất thải giảm đến 10%, năng suất của công nhân tăng lên nhờ vậy mà thời gian làm việc của công nhân tại các công đoạn giảm 16,67%.

Tuy nhiên, các chuyên gia cũng đánh giá, việc đáp ứng tiêu chí năng suất xanh ở khối doanh nghiệp còn hạn chế. Theo Phó Giáo sư, Tiến sỹ Vũ Hoàng Nam, Trưởng phòng Quản lý khoa học (Trường Đại học Ngoại thương), khá nhiều dự án, doanh nghiệp triển khai về năng suất xanh nhưng chủ yếu tập trung ở những doanh nghiệp có quy mô tương đối lớn, trong khi phần lớn doanh nghiệp ở Việt Nam có quy mô vừa và nhỏ. Đặc biệt, nhiều doanh nghiệp quy mô siêu nhỏ chưa triển khai, thậm chí có doanh nghiệp chưa hiểu rõ khái niệm về năng suất xanh.

Do vậy, việc đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến về năng suất xanh tại doanh nghiệp là rất cần thiết; giúp đem lại lợi ích thiết thực, tiết giảm chi phí, nâng cao hiệu quả hoạt động cho doanh nghiệp, hướng đến mục tiêu bảo vệ môi trường và tăng trưởng bền vững.

Tại Việt Nam, các tiêu chí pháp lý về năng suất xanh đã được xây dựng thành hệ thống quản lý, công cụ thường được áp dụng như hệ thống quản lý môi trường ISO 14000, hệ thống quản lý năng lượng ISO 50001; các giải pháp nhằm quản lý chuỗi cung ứng xanh, mô hình thực hành sản xuất nông nghiệp tốt Global GAP; các công cụ trong thống kê, quản lý chất lượng như 5S, 3R... nhưng tất cả mới chỉ dừng lại ở mức hỗ trợ, khuyến khích.

Phó Giáo sư, Tiến sỹ Phan Chí Anh, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Quản trị Kinh doanh (Trường Đại học Kinh tế-Đại học Quốc gia Hà Nội) cho rằng, đến thời điểm này, cần có chế tài trong việc áp dụng năng suất xanh. Liên quan đến vấn đề này, tại Quyết định số 1322/QĐ-TTg ngày 31/8/2020 phê duyệt Chương trình quốc gia hỗ trợ doanh nghiệp nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm, hàng hóa giai đoạn 2021-2030, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu nghiên cứu, triển khai ứng dụng các giải pháp năng suất xanh, đồng thời đẩy mạnh hỗ trợ doanh nghiệp áp dụng năng suất xanh... Nhờ đó, việc áp dụng năng suất xanh được đẩy mạnh quyết liệt hơn trong khối doanh nghiệp, góp phần tạo ra các thách thức, sức ép, động lực để khối này ngày càng tham gia nhiều hơn vào chương trình năng suất xanh.

TIN LIÊN QUAN