Không lo thiếu đơn hàng Dệt May lo thiếu lao động

(CL&CS)- Ngành dệt may đang đối diện với thiếu hụt lao động và sự cạnh tranh lao động giữa các miền, nhiều doanh nghiệp không dám nhận thêm đơn hàng.

Đây là thông tin đưa ra tại Hội thảo chuyên đề “Phát triển bền vững ngành dệt may Việt Nam trong bối cảnh dịch  Covid-19”.

Đây là hội thảo trong chuỗi sự kiện tại Hội nghị Tổng kết 2021 của Hiệp hội Dệt may Việt Nam (VITAS) hôm 17/12/2021.   

Hội thảo “Phát triển bền vững ngành dệt may Việt Nam trong bối cảnh dịch – Covid-19”.

Thông tin từ Hội thảo cho thấy kết quả sáng của ngành Dệt May dù đã chịu tác động nặng nề bởi đại dịch COVID-19. Xuất khẩu của ngành dệt may trong tháng 10 và tháng 11 đã tăng trở lại. Dự kiến kim ngạch xuất khẩu của ngành năm 2021 ước đạt 37,92 tỷ USD – tăng 8,1% so với năm 2020.

Báo cáo về “Tác động của đợt bùng phát Covid-19 lần thứ 4 đến doanh nghiệp và người lao động dệt may”, do  TS.Đỗ Quỳnh Chi – Trung tâm Nghiên cứu Quan hệ lao động đã trình bày cho thấy tín hiệu phục hồi cho ngành dệt may Việt Nam rất khả quan.

Ở khu vực miền Bắc và miền Trung ít bị ảnh hưởng vì đại dịch hơn, nên sản xuất vẫn tăng trưởng tốt.

Các nhà máy ở phía Nam đang phục hồi dần sau những tháng bị ảnh hưởng nặng nề của đại dịch Covid-19.

Báo cáo này cũng chỉ ra những yếu tố ảnh hưởng tới sự phục hồi của ngành dệt may trong năm 2021-2022, đó là chi phí đầu vào tăng mạnh do giá nguyên vật liệu, vận chuyển, nhân công tăng, lại thêm chi phí chống dịch.

Đó là dịch lan ra nhiều tỉnh thành và tỷ lệ công nhân nhiễm bệnh cao, khiến số lao động làm việc không ổn định do liên tục có công nhânphải đi điều trị, phải cách ly.

Trong bối cảnh này, doanh nghiệp không dám nhận nhiều đơn hàng do sợ không kịp hoàn thành đúng hạn phải bồi thường. Nhãn hàng thì khó đảm bảo kế hoạch giao hàng theo mùa.

Một yếu tố tác động nữa đó là tình trạng địa phương hóa trong chống dịch ảnh hưởng đến người lao động làm việc bình thường khiến sản xuất cũng bị ảnh hưởng nhất định.

Nhìn lại tác động của dịch bệnh, cuộc khảo sát tiến hành ở cả 3 miền Bắc Trung Nam với 156 doanh nghiệp và hơn 400.000 lao động, cho thấy từ 15/7 đến 1/10/2021 có tới 65,3% doanh nghiệp Việt và 36,4% doanh nghiệp FDI ở khu vực đã thực hiện Chỉ thị 16/CT-Ttg đã ngừng hoạt động, số doanh nghiệp còn lại chỉ hoạt động ở mức 30% công suất. Trong thời gian này có 74% người lao động phải ngừng việc.

Trong những ngày khó khăn đó, nhiều doanh nghiệp đã nỗ lực hết sức để hỗ trợ lao động, giúp người lao động duy trì đời sống. Nhưng cũng có những nơi, những người lao động thất vọng khi không nhận được hỗ trợ, hỗ trợ đến muộn. Đây cũng là một trong những yếu tố tác động tới tình trạng đủ hay thiếu lao động để duy trì sản xuất.

Có những cách làm như ở Công ty Phong Phú, cán bộ công đoàn kết nối zalo với lao động trong doanh nghiệp, và dùng kinh phí công đoàn để hỗ trợ người lao động bằng tiền mặt, bằng lương thực, trứng, sữa, rau…

“Kinh nghiệm là phải liên hệ thường xuyên với công nhân. Hết giãn cách công nhân quay về làm hết, nên công ty không thiếu lao động”, đại diện Công ty Phong Phú chia sẻ.

Còn ở Công ty Nguyên Dung, Công ty này đã ngừng hoạt động gần 4 tháng nhưng vẫn hỗ trợ cho người lao động đến tận tháng 10 với mức hỗ trợ bằng mức lương tối thiểu. Công ty này còn có quỹ gia đình và trích quỹ công đoàn để hỗ trợ thực phẩm và tiền chữa bệnh tới tận nơi cho gia đình công nhân.

Có những doanh nghiệp quá khó khăn, không có nguồn tiền, lực cạn không hỗ trợ lao động ngừng việc. Hệ quả là giảm tới 25-50% số công nhân.

Và thiếu lao động đang hiện hữu.

Khảo sát của TS.Đỗ Quỳnh Chi cho biết sau 1/10/2021 đã có 10-15% số lao động ngành dệnh may đã về quê và đến nay chưa trở lại.

10% số lao động ở các tỉnh phía Nam cho biết là họ sẽ về quê nếu dịch ở miền Nam kéo dài.

Trong khi đó, ở các tỉnh phía Bắc và miền Trung, nhiều doanh nghiệp thu hút được nhiều đơn hàng mới, tăng lương, tăng ưu đãi để đón những lao động về quê vào làm.

Như vậy cạnh tranh lương và lao động giữa hai khu vực đã xuất hiện và đã xuất hiện xu hướng dịch chuyển lao động lâu dài.

Dự báo số lao động các doanh nghiệp ở phía Nam sẽ thiếu hụt hẳn lượng lao động đã về quê và chưa trở lại là 10-15%.

Còn tính chung toàn ngành, theo số liệu của Bộ Lao động – Thương binh và xã hội, tỷ lệ lao động thiếu hụt lên suýt soát 50%.

Ở một số tỉnh, số ca nhiễm bệnh vẫn tăng lên. Do liên tục có người nhiễm bệnh phải đi điều trị đi cách ly đến số lượng công nhân làm việc trong doanh nghiệp liên tục biến động. Như vậy sản xuất của doanh nghiệp cũng bị ảnh hưởng đáng kể.

“Ở Tp.Hồ Chí Minh đã tương đối ổn định vì độ phủ vaccine lớn, người lao động trở lại làm việc nhiều. Nhưng ở các tỉnh miền Tây đang khó khăn, khi số ca nhiễm tăng cao và mỗi tỉnh lại một quy định về chống dịch khác nhau. Doanh nghiệp không lo thiếu đơn hàng, chỉ lo thiếu lao động và lo việc thực hiện Nghị quyết 128/NQ-CP ở các địa phương không thống nhất, quá chặt chẽ”, ông Trần Như Tùng – Chủ tịch CTCP Đầu tư Thương mại Thành Công và cũng là Phó chủ tịch của VITAS cho biết.

Số lao động nhiễm bệnh tăng, làm chậm tiến độ sản xuất khiến để giao hàng đúng hạn thì phải chọn đường hàng không, như thế chi phí vận chuyển tăng lên rất cao. Không chủ động được nguồn lao động, chi phí sản xuất tăng cao khiến doanh nghiệp không dám nhận thêm đơn hàng.

Để lao động trở lại phía Nam, để sản xuất an toàn và ổn định, Chính phủ nên đẩy mạnh hỗ trợ lao động di cư, trong đó cần nhất là nhà ở xã hội cho công nhân. Đồng thời có thêm những giải pháp nữa, hỗ trợ doanh nghiệp, hỗ trợ người lao động quay trở lại làm việc.

TIN LIÊN QUAN