Khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo: Chìa khóa 'bứt phá' năng suất, chất lượng

(CL&CS) - Với mục tiêu trở thành nước phát triển có thu nhập cao vào năm 2045, yếu tố tiên quyết là duy trì và tăng trưởng về năng suất dựa trên khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo.

Việt Nam xếp thứ 46/132 quốc gia về Chỉ số đổi mới sáng tạo toàn cầu

Theo Bộ Khoa học và công nghệ, Đảng và Nhà nước xác định vai trò nền tảng của Khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo (KHCN&ĐMST), xem đây là “động lực chính” để tạo bứt phá về năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh của nền kinh tế.

Đồng thời, Đảng và Nhà nước đã ban hành các chủ trương, đường lối, chính sách, định hướng lớn để phát triển ĐMST và khởi nghiệp sáng tạo (KNST). Chính phủ đã có nhiều giải pháp đầu tư nâng cao các chỉ số ĐMST như xây dựng hệ thống ĐMST quốc gia, tập hợp các chuyên gia, nhà khoa học; xây dựng chính sách khuyến khích ĐMST, đặc biệt trong doanh nghiệp; phát triển Trung tâm hỗ trợ KNST quốc gia...

Đặc biệt, từ năm 2017, Bộ chỉ số Đổi mới sáng tạo toàn cầu (thường được gọi tắt là GII) do Tổ chức Sở hữu trí tuệ thế giới công bố hằng năm đã được Chính phủ sử dụng như một công cụ quan trọng nhằm tham khảo, xây dựng, ban hành các chính sách thúc đẩy đổi mới sáng tạo ở Việt Nam.

Từ năm 2017 đến nay, chỉ số GII của Việt Nam liên tục được cải thiện (tăng từ vị trí 59 năm 2016 lên vị trí 46 năm 2023). Việt Nam luôn duy trì vị trí thứ 2 trong nhóm các quốc gia thu nhập trung bình thấp và là một trong 7 quốc gia thu nhập trung bình đạt được nhiều tiến bộ nhất về đổi mới sáng tạo trong thập kỷ qua (gồm Trung Quốc, Thổ Nhĩ Kỳ, Ấn Độ, Việt Nam, Philippines, Indonesia và Cộng hòa Hồi giáo Iran).

Việt Nam cũng là một trong 3 quốc gia giữ kỷ lục có thành tích vượt trội so với mức độ phát triển trong 13 năm liên tiếp (gồm Ấn Độ, Cộng hòa Moldova và Việt Nam).

Năm 2023, Việt Nam xếp thứ 46/132 quốc gia/nền kinh tế về Chỉ số đổi mới sáng tạo toàn cầu (GII), tăng 2 bậc so với năm 2022, đứng thứ 4 khu vực Đông Nam Á, duy trì vị trí thứ 2 trong nhóm 36 nền kinh tế thu nhập trung bình thấp; là một trong 7 quốc gia thu nhập trung bình đạt được nhiều tiến bộ nhất về Đổi mới sáng tạo trong thập kỷ qua.

Tiến bộ về xếp hạng chỉ số GII của Việt Nam từ năm 2017-2023

Theo thống kê từ Cục Phát triển thị trường và doanh nghiệp khoa học và công nghệ (Bộ Khoa học và Công nghệ), hiện Việt Nam có khoảng 3.800 startup, trong đó 11 startup được định giá trên 100 triệu USD và 3 startup được định giá trên 1 tỷ USD. Hiện đang có 208 quỹ đầu tư mạo hiểm hoạt động và đầu tư cho các startup tại Việt Nam, trong đó có gần 40 quỹ đầu tư nội địa...

Chỉ số xếp hạng của bảng xếp hạng các hệ sinh thái khởi nghiệp toàn cầu StartupBlink năm 2023 cũng cho thấy HST của các thành phố ở Việt Nam như Hà Nội và TP.Hồ Chí Minh có những bước cải thiện, tiếp tục tăng trưởng, đưa Việt Nam xếp hạng thứ 58 trên thế giới về chỉ số này.

Mặt khác, hoạt động nghiên cứu, chuyển giao, ứng dụng và đổi mới công nghệ được các bộ, ngành, địa phương quan tâm, thúc đẩy thông qua các đề án, chương trình, nhiệm vụ khoa học và công nghệ cấp quốc gia. Theo đánh giá của Ngân hàng Thế giới, Việt Nam còn nhiều dư địa để thúc đẩy đổi mới sáng tạo trong doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp nhỏ và vừa.

Tạo bứt phá về năng suất, chất lượng từ KHCN và đổi mới sáng tạo

Phát biểu tại Hội thảo chuyên đề 2 với chủ đề “Giải pháp khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo thúc đẩy năng suất” (tổ chức trong khuôn khổ Diễn đàn năng suất quốc gia 2023), ông Nguyễn Đức Hoàng, Phó Cục trưởng Cục Ứng dụng và Phát triển công nghệ (Bộ KH&CN) cho biết, trong chiến lược phát triển kinh tế xã hội của một quốc gia cũng như địa phương, năng suất luôn là một yếu tố nền tảng để đạt được các mục tiêu căn bản trong tăng trưởng.

Năng suất giúp tạo ra nhiều của cải vật chất hơn trong điều kiện giới hạn về nguồn lực, cải thiện mối quan hệ giữa người lao động và nhà quản lý, nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp và đạt được mục tiêu chiến lược dài hạn.

Nhìn lại chặng đường phát triển của Việt Nam trong thời gian vừa qua, có thể nhận thấy khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo đã đóng góp quan trọng, toàn diện trong phát triển kinh tế, xã hội, tạo bứt phá về năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh của nền kinh tế, góp phần chuyển dịch mô hình tăng trưởng và thăng tiến cao hơn về chuỗi giá trị.

Bộ trưởng Khoa học và Công nghệ Huỳnh Thành Đạt cho rằng, thành tựu về KHCN&ĐMST trong năm năm qua đã khẳng định sự đúng đắn của đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước ta trong phát triển KHCN&ĐMST và là kết quả của sự nỗ lực chung của toàn hệ thống chính trị với sự tham gia và phối hợp tích cực, chủ động của các bộ, ngành, địa phương, doanh nghiệp. Vai trò, sứ mệnh của KHCN&ĐMST đã được khẳng định là động lực phát triển kinh tế - xã hội trong nhiều văn kiện quan trọng như Cương lĩnh phát triển đất nước, các văn kiện, nghị quyết của Đảng, các đạo luật.

Theo mục tiêu đề ra, đến năm 2030 nước ta trở thành nước đang phát triển có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao và phấn đấu đến năm 2045 trở thành nước phát triển, thu nhập cao. Với mục tiêu này thì việc tiếp tục duy trì mô hình tăng trưởng dựa vào vốn và lao động như trước đây sẽ không còn phù hợp bởi mô hình này còn rất ít dư địa, có xu hướng chững lại và có nguy cơ đưa nước ta rơi vào bẫy thu nhập trung bình và tụt hậu xa hơn về kinh tế so với các quốc gia trên thế giới.

“Bởi vậy, trong giai đoạn tới, khi cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đã trở thành một trong những xu hướng phát triển của thời đại, Việt Nam cần phải chuyển đổi mô hình tăng trưởng hiện nay sang mô hình dựa trên KH,CN&ĐMST, qua đó mới có thể nâng cao năng suất và năng lực cạnh tranh của nền kinh tế để phát triển đất nước nhanh, bền vững, độc lập, tự chủ, sớm đạt ngang tầm với các quốc gia phát triển trong khu vực và trên thế giới”, đồng chí Huỳnh Thành Đạt nhấn mạnh.

Tạo bứt phá về năng suất, chất lượng từ KHCN và đổi mới sáng tạo.

Theo đó, với quan điểm phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo là động lực để tạo bứt phá về năng suất, chất lượng, hiệu quả, thúc đẩy tăng trưởng; là nhân tố quyết định năng lực cạnh tranh; là nền tảng thực hiện chuyển đổi số; góp phần quan trọng nâng cao đời sống Nhân dân, phát triển bền vững, đảm bảo quốc phòng, an ninh; Phát triển đồng bộ, có trọng tâm, trọng điểm khoa học xã hội và nhân văn, khoa học tự nhiên, khoa học kĩ thuật và công nghệ. Phát triển hệ thống đổi mới sáng tạo của địa phương, trong đó lấy doanh nghiệp là trung tâm, đơn vị nghiên cứu và cơ sở giáo dục đại học là chủ thể nghiên cứu, Nhà nước đóng vai trò định hướng, điều phối và kiến tạo môi trường thuận lợi; Kết hợp hài hòa, hiệu quả giữa phát triển năng lực nội sinh và tận dụng tối đa cơ hội, nguồn lực bên ngoài. Chủ động, ưu tiên tiếp nhận, làm chủ và nhanh chóng ứng dụng thành tựu khoa học và công nghệ tiên tiến, nhất là các công nghệ của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư.

Với mục tiêu tổng quát đến năm 2030, khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo thật sự là động lực quan trọng để tăng cường sức mạnh tổng hợp trên các lĩnh vực kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh, nâng cao sức cạnh tranh của nền kinh tế, thúc đẩy chuyển đổi số, bảo vệ môi trường sinh thái, thích nghi và ứng phó với tác động của biến đổi khí hậu, đảm bảo phát triển nhanh, bền vững; Xây dựng và phát triển nguồn nhân lực khoa học, công nghệ đủ khả năng tiếp thu, ứng dụng, làm chủ và phát triển công nghệ hiện đại; đủ sức tổ chức nghiên cứu và giải quyết các nhiệm vụ khoa học, công nghệ trọng điểm của tỉnh.

Định hướng nhiệm vụ trọng tâm phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo, khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo tập trung phục vụ phát triển kinh tế - xã hội bền vững, bao trùm, bảo đảm quốc phòng, an ninh: Thúc đẩy tái cơ cấu nền kinh tế theo hướng tăng tỉ trọng giá trị sản phẩm công nghiệp công nghệ cao, các ngành có năng suất và giá trị gia tăng cao nhờ ứng dụng công nghệ tiên tiến, hiện đại cùng với đẩy mạnh chuyển đổi số; thúc đẩy phát triển các ngành chế biến, chế tạo, một số ngành, lĩnh vực mũi nhọn dựa trên nền tảng công nghệ của Cách mạng công nghiệp lần thứ tư; từng bước giảm tỉ trọng các ngành có năng suất lao động, giá trị gia tăng thấp, sử dụng công nghệ lạc hậu;

Tiếp thu, làm chủ, chuyển giao, ứng dụng rộng rãi công nghệ tiên tiến nhằm tăng năng suất lao động, nâng cao chất lượng sản phẩm, dịch vụ và sức cạnh tranh của doanh nghiệp; chủ động xây dựng các giải pháp, công nghệ phát triển kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, bảo vệ môi trường.

Đổi mới và hoàn thiện quản lí nhà nước về khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo: Tăng cường các công cụ và chính sách đột phá nhằm khuyến khích, thúc đẩy ứng dụng công nghệ mới và đổi mới sáng tạo để nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp; Nâng cao năng lực quản trị nhà nước đối với hoạt động khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo. Đẩy mạnh và hoàn thiện cơ chế phân cấp, phân quyền trong quản lí nhà nước về khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo bảo đảm tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả.

Phát triển tiềm lực khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo: Tập trung hình thành nguồn nhân lực tại chỗ và thu hút nguồn chuyên gia nước ngoài, chuyên gia là người Việt Nam ở nước ngoài có trình độ và năng lực phù hợp với yêu cầu công nghiệp hóa trong bối cảnh mới; Xây dựng hệ thống thông tin khoa học và công nghệ theo hướng chuyển đổi số.

Thúc đẩy hoạt động khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo trong doanh nghiệp và phát triển thị trường khoa học và công nghệ: Thúc đẩy phát triển thị trường khoa học và công nghệ, tăng dần tỉ trọng nguồn cung công nghệ, thiết bị trong nước, đẩy mạnh các hoạt động trung gian của thị trường khoa học và công nghệ, tiến tới đồng bộ hóa với thị trường hàng hóa, lao động và tài chính; Tập trung thúc đẩy việc chuyển giao, ứng dụng các công nghệ tiên tiến cùng với nâng cao năng lực hấp thụ và đổi mới công nghệ, năng lực quản trị doanh nghiệp, trình độ và kĩ năng nguồn nhân lực, triển khai chuyển đổi số, đổi mới quy trình sản xuất và mô hình kinh doanh của doanh nghiệp phù hợp với quá trình đổi mới công nghệ;

Gia tăng số lượng, chất lượng và hiệu quả khai thác tài sản trí tuệ, chú trọng phát triển tài sản trí tuệ của doanh nghiệp cùng với việc tăng cường bảo hộ và thực thi quyền sở hữu trí tuệ. Xây dựng kịp thời tiêu chuẩn cơ sở đối với các công nghệ, sản phẩm mới, sản phẩm xuất khẩu, sản phẩm chủ lực đáp ứng yêu cầu của thị trường; bảo đảm phát triển tài sản trí tuệ và tiêu chuẩn, chất lượng hàng hóa là công cụ hữu hiệu thúc đẩy đổi mới sáng tạo và ứng dụng công nghệ mới.

Định hướng phát triển nghiên cứu khoa học: Tổng kết thực tiễn quá trình đổi mới, xây dựng và phát triển của địa phương, đồng thời nghiên cứu và dự báo các xu hướng phát triển trong giai đoạn đến năm 2030 và những năm tiếp theo; Nghiên cứu xác định điều kiện, giải pháp, lộ trình đổi mới, chuyển đổi mô hình phát triển kinh tế dựa vào khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo, kinh tế số để nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh của sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ;

Nghiên cứu cơ sở khoa học cho việc sử dụng hợp lí tài nguyên thiên nhiên; nghiên cứu nhận dạng bản chất, nguyên nhân, tác động của thiên tai, tương tác giữa tự nhiên - con người - xã hội, quá trình biến đổi khí hậu làm cơ sở khoa học cho việc đề xuất và thực hiện các giải pháp hạn chế, ứng phó với thiên tai, biến đổi khí hậu.

TIN LIÊN QUAN