Loại bỏ mối nguy nhờ ISO 22000
Hiện nay, vấn đề an toàn vệ sinh thực phẩm là đòi hỏi chung của toàn xã hội. Doanh nghiệp sản xuất thực phẩm đang phải đối mặt với yêu cầu đảm bảo an toàn thực phẩm từ khách hàng, từ cơ quan quản lý, đồng thời phải đảm bảo đạo đức doanh nhân và lợi ích của doanh nghiệp. Việc lựa chọn phương pháp quản lý an toàn thực phẩm phù hợp với sản phẩm, công nghệ, trình độ nhân viên và định hướng phát triển của doanh nghiệp là hết sức quan trọng nhằm đảm bảo uy tín, cạnh tranh và phát triển bền vững trong thời đại cạnh tranh toàn cầu.
Một trong những cách tiếp cận đã và đang được thế giới thừa nhận, đó là “đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm từ trang trại tới bàn ăn” bằng việc loại trừ và kiểm soát các mối nguy trong chuỗi cung ứng thực phẩm. Mối nguy an toàn thực phẩm có thể là mối nguy vật lý, hóa học và sinh học. Chúng có thể phát sinh, tồn tại và nhân lên trong các công đoạn hình thành sản phẩm thực phẩm, từ khâu nuôi trồng, thu hoạch hoặc sơ chế, chế biến nguyên liệu thực phẩm, đến khâu chế biến, bảo quản và vận chuyển đồ ăn thức uống đến người tiêu dùng cuối cùng. Những mối nguy đó có thể được ngăn ngừa, giảm thiểu hay loại bỏ bằng cách áp dụng hệ thống quản lý an toàn thực phẩm tiên tiến và ISO 22000 là một trong số đó.
ISO 22000 giúp ngăn ngừa, giảm thiểu hay loại bỏ các mối nguy về an toàn thực phẩm. Ảnh minh họa.
Theo đó, ISO 22000 có tên gọi đầy đủ là Hệ thống quản lý an toàn thực phẩm - Yêu cầu đối với các tổ chức trong chuỗi thực phẩm. Điều này có nghĩa tiêu chuẩn áp dụng cho mọi tổ chức sản xuất, cung cấp sản phẩm, dịch vụ có tác động trực tiếp hay gián tiếp tới an toàn thực phẩm, từ cơ sở trồng trọt, chăn nuôi, chế biến, lưu trữ, vận chuyển, phục vụ thực phẩm đến các cơ sở sản xuất thức ăn chăn nuôi, vật liệu bao gói, thiết bị...
Giống như mọi hệ thống quản lý theo các mô hình hiện đại, hệ thống quản lý an toàn thực phẩm theo ISO 22000 hướng tới cải tiến từng bước và thường xuyên các hoạt động và kết quả. Thành công có thể không đến ngay lập tức mà là kết quả của quá trình thường xuyên, liên tục với nỗ lực của tất cả các khâu và cả sự kiên trì của tất cả mọi người.
Trong đó, đòi hỏi những nhân tố nhất định như: Nhận thức chung của lãnh đạo và các thành viên về vai trò và tầm quan trọng của vấn đề đảm bảo vệ sinh, an toàn và chất lượng thực phẩm; Cam kết của lãnh đạo trong việc cung cấp nguồn lực cho việc xây dựng và duy trì hệ thống.
Nhiều doanh nghiệp áp dụng thành công
ISO 22000 đưa ra yêu cầu rất toàn diện, có liên quan đến nhau, từ việc cung cấp, bố trí cơ sở hạ tầng, trang thiết bị, dụng cụ, môi trường đến kiến thức và nhận thức của cá nhân, quy trình sản xuất phù hợp, các hoạt động theo dõi, giám sát, đánh giá... Hiển nhiên, một cơ sở áp dụng ISO 22000 có nhiều việc phải làm hơn so với những cơ sở không áp dụng tiêu chuẩn này, từ việc đầu tư đến huấn luyện, xây dựng quy trình, thực hiện giám sát... Xét từ góc độ đó rõ ràng cần có những chi phí nhất định cho việc áp dụng tiêu chuẩn này. Tuy nhiên, nếu so với các lợi ích mà nó mang lại thì chi phí này là rất đáng đề “đầu tư”.
Chia sẻ với báo chí, đại diện Công ty cổ phần thực phẩm SANTA - doanh nghiệp được hướng dẫn áp dụng và đánh giá chứng nhận thành công theo tiêu chuẩn ISO 22000 cho biết: “Nhờ áp dụng ISO 2000 giúp chúng tôi vươn tới sự hoàn thiện trong cung ứng dịch vụ cho khách hàng. Với chứng nhận ISO 22000, sản phẩm của đơn vị đã được chấp nhận tại các chuỗi siêu thị lớn như Coopmart, MM Mega Market”.
Tại Công ty Nhựa Rạng Đông (Long An) - nhà máy bao bì nhựa hiện đại hàng đầu trong ngành bao bì nhựa tại Việt Nam - việc áp dụng ISO 22000 đã mang lại nhiều kết quả đáng ghi nhận cho doanh nghiệp. Đại diện Công ty chia sẻ: “Việc tối ưu hóa quá trình sản xuất nhờ áp dụng tích hợp hệ thống quản lý đã giúp quá trình sản xuất được phân tích các mối nguy, xác định rủi ro, cơ hội, các điểm kiểm soát tới hạn và đưa ra biện pháp kiểm soát thích hợp... dựa trên việc phân tích bối cảnh của tổ chức, nhu cầu và mong đợi của các bên quan tâm cũng như các quá trình quản lý, tạo sản phẩm, góp phần đáng kể trong việc tiết giảm chi phí sản xuất, phòng ngừa sai lỗi hệ thống, giúp kiểm soát minh bạch quá trình sản xuất và dễ dàng trong việc truy xuất nguồn gốc sản phẩm. Đặc biệt, sai lỗi được ngăn ngừa và tỷ lệ các lô hàng trả về giảm rõ rệt so với thời gian trước khi áp dụng ISO 22000:2018”.
Mặc dù ISO 22000 mang lại nhiều thành công cho doanh nghiệp nhưng việc áp dụng không phải lúc nào cũng dễ dàng. Có một số vấn đề cần được quan tâm ngay khi bắt tay vào việc xây dựng hệ thống quản lý an toàn thực phẩm theo tiêu chuẩn này, có thể kể đến như: Cở sở hạ tầng không được thiết kế ngay từ đầu trên cơ sở đảm bảo nguyên tắc, yêu cầu nên khi sửa đổi thường mang tính chắp vá, gượng ép; Thói quen vệ sinh và tính tự giác của nhân viên trực tiếp tiếp xúc với thực phẩm không dễ thay đổi; Thông tin lẫn nhau trong chuỗi cung cấp thực phẩm về nguy cơ/mối nguy nào đó không dễ thực hiện trong điều kiện hiện nay khi mà hầu hết đơn vị sản xuất cũng như người tiêu dùng còn nhận thức chưa đầy đủ về vấn đề vệ sinh an toàn đối với thực phẩm mà họ sản xuất/tiêu dùng; Sự chủ quan do trong thời gian dài không có sự cố an toàn thực phẩm xảy ra...
Số liệu của Tổ chức ISO cho thấy, tính đến năm 2021 trên thế giới có trên 36 nghìn giấy chứng nhận ISO 22000 đang có hiệu lực, trong đó tại Việt Nam là 854 giấy chứng nhận. |