Đổi mới sáng tạo của doanh nghiệp là yếu tố chính giúp tăng trưởng bền vững, thúc đẩy sự phát triển trong bối cảnh mới. Khả năng đổi mới sáng tạo của một doanh nghiệp bao gồm khả năng ứng phó với các điều kiện thay đổi của bối cảnh, tìm kiếm cơ hội mới, tận dụng kiến thức, sự sáng tạo của mọi người trong doanh nghiệp và phối hợp các bên liên quan bên ngoài.
Các quá trình và hoạt động hỗ trợ đối với đổi mới sáng tạo trong doanh nghiệp có thể được quản lý trong một hệ thống thống nhất được gọi là Hệ thống quản lý đổi mới sáng tạo trong doanh nghiệp (Innovation Management System, IMS). Theo đó, Ủy ban Kỹ thuật ISO TC279 đã xây dựng bộ tài liệu hướng dẫn mới về Hệ thống quản lý đổi mới sáng tạo (IMS) với sự tham gia, đóng góp của hơn 40 quốc gia vào việc phát triển bộ tiêu chuẩn này.
Đánh giá hiệu suất giúp doanh nghiệp đánh giá lợi ích thu được từ đổi mới sáng tạo. Ảnh minh họa.
IMS hướng dẫn doanh nghiệp xác định tầm nhìn, chiến lược, chính sách và mục tiêu đổi mới sáng tạo của doanh nghiệp, trên cơ sở đó thiết lập quy trình cần thiết để đạt được mục tiêu đặt ra. IMS giúp doanh nghiệp tăng trưởng doanh thu, lợi nhuận, tăng khả năng cạnh tranh; giảm chi phí, tăng năng suất và hiệu quả sử dụng tài nguyên; cải thiện tính bền vững và nâng cao “khả năng phục hồi”; tăng sự hài lòng của khách hàng và các bên liên quan; duy trì danh mục đầu tư về đổi mới sáng tạo; nâng cao uy tín và định giá của doanh nghiệp...
Trong đó, một trong những yếu tố cơ bản của hệ thống IMS chính là đánh giá hiệu suất đổi mới sáng tạo. Cụ thể, doanh nghiệp cần theo dõi và đo lường các chỉ số hiệu suất đổi mới sáng tạo. Các chỉ số hiệu suất đổi mới sáng tạo được thể hiện ở các yêu cầu sau:
Các chỉ số liên quan đến đầu vào (số lượng ý tưởng, số sáng kiến đổi mới sáng tạo, tiềm năng tạo ra giá trị của ý tưởng, tri thức, hiểu biết mới, nguồn lực, năng lực...). Các chỉ số liên quan đến hoạt động (hiệu suất của hoạt động thử nghiệm, số lượng, tỷ lệ nhân viên, người quản lý hoặc người dùng tham gia, hiệu quả của hoạt động hợp tác, hiệu quả áp dụng các công cụ và phương pháp mới, thời gian thu lợi nhuận, thời gian tiếp thị, giá trị thương hiệu...).
Các chỉ số liên quan đến đầu ra (số lượng, tỷ lệ ý tưởng được thực hiện, lợi ích thu được đầu tư đổi mới sáng tạo, tăng trưởng doanh thu và lợi nhuận, thị phần, tỷ lệ chấp nhận của người dùng, sự hài lòng của người dùng, tốc độ lan tỏa của hoạt động đổi mới sáng tạo, lợi ích xã hội, tiết kiệm chi phí, giá trị hình ảnh của doanh nghiệp...).
Các chỉ số hiệu suất đổi mới sáng tạo được áp dụng ở cấp độ hệ thống được đánh giá và cải thiện trong các điều kiện thích hợp. Doanh nghiệp đánh giá các yếu tố của IMS, tương tác của các yếu tố này cũng như kết quả triển khai IMS trong doanh nghiệp. Doanh nghiệp sử dụng các chỉ số theo dõi, đo lường, phân tích và đánh giá với doanh nghiệp khác khi theo dõi và đánh giá hiệu suất.
Việc áp dụng các công cụ và phương pháp theo dõi, đo lường, phân tích và đánh giá sẽ phụ thuộc vào bối cảnh của doanh nghiệp, cũng như tầm nhìn của doanh nghiệp trong việc cải thiện hiệu suất đổi mới sáng tạo.
Kết quả phân tích được sử dụng để đánh giá mức độ hiểu biết về bối cảnh của doanh nghiệp; mức độ cam kết lãnh đạo; hiệu quả thực hiện các hoạt động; hiệu quả của chiến lược đổi mới sáng tạo; hiệu lực, hiệu quả quy trình hỗ trợ đổi mới sáng tạo; chia sẻ kiến thức thành công và thất bại; các yếu tố cải tiến IMS...