Thị trường trái phiếu doanh nghiệp phát triển "nóng": Nhiều tiếng chuông cảnh tỉnh
Thị trường trái phiếu như "chảo lửa nóng" thu hút dòng tiền của giới đầu tư mấy năm trở lại đây. Theo số liệu thống kê gần đây, dư nợ trái phiếu doanh nghiệp đang lưu hành hiện chiếm khoảng 16% GDP. Phải thừa nhận rằng, kênh trái phiếu trở thành kênh đầu tư hấp dẫn đối với nhà đầu tư khi lãi suất thường cao hơn lãi suất tiền gửi, ổn định hơn biến động mạnh của thị trường chứng khoán. Trái phiếu cũng là kênh huy động vốn hữu hiệu cho nhiều doanh nghiệp trong những năm qua bên cạnh các kênh huy động vốn từ ngân hàng và thị trường chứng khoán.
Nhưng, tiếng chuông cảnh tỉnh mặt trái của phát hành trái phiếu gióng lên vào hồi tháng 9 năm ngoái và nhà đầu tư trên thị trường tài chính đến giờ vẫn không thể quên Công văn số 10059/BTC-VP của Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc gửi Ủy ban Chứng khoán nhà nước (UBCKNN); Vụ Tài chính ngân hàng và Sở Giao dịch chứng khoán Việt Nam yêu cầu tăng cường công tác kiểm tra, giám sát thị trường trái phiếu doanh nghiệp.
Không phải ngẫu nhiên mà thị trường trái phiếu trở thành tâm điểm của các cuộc kiểm tra, giám sát như vậy. Sự sốt nóng của thị trường này đã kéo theo hàng loạt hoạt động phát hành trái phiếu kiểu "vàng thau lẫn lộn". Nhiều doanh nghiệp đã lợi dụng sự sốt nóng của thị trường tài chính để thực hiện những hành vi chưa phù hợp luật định, xuất hiện một số hiện tượng chào bán, phân phối, chuyển quyền sở hữu trái phiếu doanh nghiệp chưa phù hợp với quy định của pháp luật. Và rồi, sự kiện Evergrande của Trung Quốc đã gióng tiếp hồi chuông cảnh tỉnh nhiều hơn nữa và sự kiện này trở thành bài học để các nước nhìn vào.
Theo thống kê của Fiin Ratings, dư nợ trái phiếu doanh nghiệp đã tăng vọt lên ngang mức 10,3% tổng dư nợ tín dụng
Trước tình trạng vi phạm trong hoạt động phát hành trái phiếu càng lúc càng gia tăng, Uỷ ban Chứng khoán Nhà nước đã phải yêu cầu các công ty chứng khoán đảm bảo tuân thủ nghiêm quy định tại Nghị 153/2020/NĐ-CP ngày 31/12/2020 của Chính phủ quy định về chào bán, giao dịch trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ tại thị trường trong nước và chào bán trái phiếu doanh nghiệp ra thị trường quốc tế trong việc thực hiện dịch vụ tư vấn hồ sơ chào bán trái phiếu; dịch vụ xác định tư cách nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp; dịch vụ đấu thầu, bảo lãnh, đại lý phát hành trái phiếu; dịch vụ đăng ký, lưu ký và chuyển nhượng trái phiếu.
Bất chấp những cảnh báo, nhiều đại gia bất động sản vẫn phát hành hàng trăm nghìn tỷ đồng trái phiếu
Theo báo cáo tài chính kiểm toán năm 2021, doanh nghiệp bất động sản tên tuổi trên thị trường là Nova Land đã huy động được lượng tiền khổng lồ từ trái phiếu. Dư nợ trái phiếu ngắn hạn tại thời điểm 31/12/2022 là gần 7.600 tỷ; dư nợ trái phiếu dài hạn tại 31/12/2021 của Nova Land cũng lên đến con số khổng lồ gần 29.300 tỷ đồng.
Không dừng lại ở con số "khổng lồ" trên, Nova Land tiếp tục phát hành thêm trái phiếu vào đầu năm 2022 với những con số nghìn tỷ mỗi đợt phát hành!
Không chỉ Nova Land, hàng loạt doanh nghiệp bất động sản khác cũng nổi danh trên thị trường trái phiếu khi liên tục huy động những con số nghìn tỷ đồng. Chẳng hạn như, trong mấy năm gần đây, nhà đầu tư chỉ cần gõ tìm kiếm thông tin phát hành trái phiếu sẽ thấy ngay những thông tin nổi bật như BRG và các công ty thành viên huy động 14.000 tỷ đồng qua kênh trái phiếu...Đa phần việc phát hành đều thông qua các công ty thành viên của các tập đoàn, không nhiều thông tin, hay nhận biết thương hiệu trên thị trường.
Công ty Cổ phần Tập đoàn Sunshine không có nhiều thâm niên trong ngành bất động sản nhưng chỉ sau chưa đầy 6 năm thành lập đã tăng vốn điều lên "sánh vai" với các doanh nghiệp cùng ngành với tuổi đời lâu hơn rất nhiều lần! Thị trường tài chính mấy năm gần đây đã quá quen thuộc với mã trái phiếu SSG-2018.10 khi lô trái phiếu này lên đến 10.000 tỷ đồng. Chưa dừng lại ở con số "khủng" huy động được từ lô trái phiếu đó, các năm gần đây Sunshine vẫn chơi tiếp bài toán trái phiếu. Từ đầu năm 2019 đến tháng 11/2021, dư nợ trái phiếu của Tập đoàn Sunshine và các công ty liên quan tính đến ngưỡng tỷ đô!
Không chỉ Nova Land, BRG hay Sunshine, theo báo cáo tình hình huy động vốn trái phiếu doanh nghiệp Việt Nam trong 9 tháng đầu năm 2021 mà FiinGroup công bố thì quy mô giá trị phát hành trái phiếu sơ cấp đạt 430 nghìn tỷ đồng, tăng 27% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, ngành bất động sản phát hành 172 nghìn tỷ đồng, chiếm nhiều nhất 40% trong cơ cấu phát hành trái phiếu. Tiếp theo là ngành ngân hàng với 116 nghìn tỷ đồng, chiếm 33% tổng giá trị phát hành.
Theo báo cáo kể trên, những cái tên huy động nghìn tỷ đồng trái phiếu cũng được nhắc đến như HT Land với 7.950 tỷ đồng. CTCP dịch vụ Giải trí HT Quy Nhơn với lãi suất 10,61%/năm. Toàn ngành Xây dựng và Bất động sản vẫn duy trì mức lãi suất phát hành cao với lãi suất trung bình lần lượt là 10,3% và 10,7%/năm.
Rủi ro lớn khi thiếu kiểm soát
Những ngày cuối năm 2021, UBCKNN đã phải "tuýt còi" việc phát hành trái phiếu của Công ty CP Tập đoàn VsetGroup (VsetGroup) do có dấu hiệu bất thường, tiềm ẩn nhiều rủi ro cho nhà đầu tư. VsetGroup chào bán trái phiếu nhưng không nộp hồ sơ đăng ký với Ủy ban Chứng khoán.
Câu chuyện UBCKNN đã tuyên hủy 9 lô trái phiếu của 3 doanh nghiệp thuộc tập đoàn Tân Hoàng Minh tiếp tục là câu chuyện khiến nhiều nhà đầu tư đang lo ngại. Hơn 10.000 tỷ đồng trái phiếu của nhóm công ty liên quan Tân Hoàng Minh bị hủy đồng nghĩa với việc những nhà đầu tư rót tiền mua 10.000 tỷ đồng trái phiếu này đứng ngồi không yên bởi không biết còn lấy lại được tiền không và nếu lấy được thì bao giờ mới xong!
Theo Finngroup, có tới 26% trái phiếu doanh nghiệp phát hành trong các ngành bất động sản, xây dựng không có tài sản đảm bảo hoặc bảo đảm bằng cổ phần, hoặc không được thực hiện xếp hạng tín nhiệm độc lập và điều này gây nên những nghi ngại về rủi ro vỡ nợ không kiểm soát được trong thị trường trái phiếu doanh nghiệp.