Hải Phòng: Tạo niềm tin cho người tiêu dùng trong giao dịch điện tử

(CL&CS)- Để triển khai hiệu quả Quyết định số 319/QĐ-TTg ngày 29/3/2023 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án về chống hàng giả và bảo vệ người tiêu dùng trong thương mại điện tử đến năm 2025.

UBND thành phố Hải Phòng vừa ban hành Kế hoạch 300/KH-UBND thực hiện Đề án trên địa bàn thành phố, mục tiêu nâng cao hiệu quả bảo vệ người tiêu dùng trong hoạt động thương mại điện tử, tạo niềm tin cho người tiêu dùng trong hoạt động giao dịch, mua bán trực tuyến; bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp của doanh nghiệp, người tiêu dùng.

Kế hoạch hướng đến việc tập trung đào tạo, trang bị kiến thức về thương mại điện tử cho đội ngũ cán bộ, công chức thực thi công vụ về chống hàng giả và bảo vệ người tiêu dùng trong hoạt động thương mại điện tử để hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao. Đẩy mạnh hoạt động triển khai áp dụng mã số, mã vạch và truy xuất nguồn gốc sản phẩm, hàng hóa; tạo sự biến chuyển mạnh mẽ trong nhận thức để các cấp, các ngành, người dân, doanh nghiệp tự giác, chấp hành tốt chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước trong công tác chống hàng giả và bảo vệ người tiêu dùng.

Tạo niềm tin cho người tiêu dùng trong giao dịch điện tử

Tăng cường công tác tuyên truyền cho các tổ chức, cá nhân kinh doanh thương mại điện tử, người tiêu dùng nắm được các quy định pháp luật về thương mại điện tử, để bảo vệ quyền lợi của mình. Đảm bảo hoạt động thương mại điện tử minh bạch, lành mạnh, bảo vệ hiệu quả quyền và lợi ích hợp pháp của doanh nghiệp và người tiêu dùng, thúc đẩy thương mại điện tử bền vững tại Việt Nam. 

Bên cạnh đó, từng bước nâng cao năng lực, trình độ chuyên môn, kỹ năng nghiệp vụ cho cán bộ, công chức thực thi pháp luật về thương mại điện tử và bảo vệ người tiêu dùng trong hoạt động thương mại điện tử. Nâng cao hiệu quả trong công tác phối hợp, thanh tra, kiểm tra và xử lý vi phạm giữa các cơ quan, lực lượng chức năng có liên quan. Tuyên truyền, giáo dục, nâng cao ý thức chấp hành pháp luật của các chủ thể tham gia hoạt động thương mại điện tử.

UBND thành phố yêu cầu các cấp ngành liên quan chủ động rà soát, hệ thống hóa và tham mưu cấp có thẩm quyền sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện cơ chế, chính sách, pháp luật về thương mại điện tử và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng trong hoạt động thương mại điện tử. Xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu về chống hàng giả và bảo vệ người tiêu dùng để phục vụ hiệu quả công tác chống hàng giả và bảo vệ người tiêu dùng trong thương mại điện tử. 

Phấn đấu 100% đội ngũ cán bộ, công chức thực thi công vụ về chống hàng giả và bảo vệ người tiêu dùng trong hoạt động thương mại điện tử được đào tạo, trang bị kiến thức về thương mại điện tử, có năng lực, trình độ chuyên môn, nghiệp vụ để hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao. 100% các tổ chức, cá nhân kinh doanh trong lĩnh vực thương mại điện tử được tuyên truyền, phổ biến các quy định pháp luật về thương mại điện tử; 100% người tiêu dùng được tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật về bảo vệ quyền lợi của mình.

Trước đó, ngày 29/03/2023, Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quyết định số 319/QĐ-TTg phê duyệt Đề án về chống hàng giả và bảo vệ người tiêu dùng trong thương mại điện tử đến năm 2025 với mục tiêu chung:  Hoàn thiện chính sách, pháp luật về chống hàng giả và bảo vệ người tiêu dùng trong hoạt động TMĐT; Tạo sự chuyển biến mạnh mẽ trong nhận thức để các cấp, các ngành, người dân, doanh nghiệp tự giác, chấp hành tốt chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước trong công tác chống hàng giả và bảo vệ người tiêu dùng; Nâng cao hiệu quả bảo vệ người tiêu dùng trong hoạt động TMĐT, tạo niềm tin cho người tiêu dùng trong hoạt động giao dịch, mua bán trực tuyến; quyền và lợi ích hợp pháp của doanh nghiệp, người tiêu dùng được bảo đảm; Bảo đảm hoạt động TMĐT minh bạch, lành mạnh, bảo vệ hiệu quả quyền và lợi ích hợp pháp của doanh nghiệp và người tiêu dùng; thúc đẩy phát triển TMĐT bền vững tại Việt Nam. 

TIN LIÊN QUAN