Hà Nội: Phát hiện gần 1 tấn cánh gà không rõ nguồn gốc

(CL&CS) - Đội QLTT số 9, Cục QLTT TP. Hà Nội phát hiện và ngăn chặn kịp thời 975kg cánh gà được đóng gói trong 65 bao tải dứa, là hàng đông lạnh, không rõ nguồn gốc, đã biến đổi màu sắc.

Theo ông Giang Văn Tuấn, Phó Đội trưởng Đội QLTT số 9, Cục QLTT TP. Hà Nội vừa cho biết, chiều ngày 12/06/2023, đơn vị phối hợp với Đội Cảnh sát kinh tế - Công an quận Tây Hồ tiến hành kiểm tra đối với Cơ sở kinh doanh thực phẩm tại địa chỉ số 4 đường nước Phần Lan, quận Tây Hồ, thành phố Hà Nội. Cơ sở do ông Đỗ Minh Tuyên (Xuân Lập, Thọ Xuân, Thanh Hoá) là chủ. 

Tại thời điểm kiểm tra, cơ quan chức năng phát hiện cơ sở đang kinh doanh gần 1 tấn (975kg )cánh gà được đóng trong 65 bao tải dứa (loại 15 kg/túi). Toàn bộ số hàng hóa trên đựng trong bao bì hàng hóa không có thông tin về nơi sản xuất,  xuất xứ hàng hóa; không có giấy tờ xác định nguồn gốc, xuất xứ hàng hóa là hàng hóa không rõ nguồn gốc xuất xứ. Màu sắc hàng hóa đã biến đổi.

Tang vật vi phạm.

Đây là một trong những vụ việc nổi bật về lĩnh vực an toàn thực phẩm trên địa bàn quận Tây Hồ mà đơn vị phát hiện, xử lý. Đội QLTT số 9 đã tạm giữ toàn bộ hàng hóa trên để tiếp tục xử lý theo quy định.

Nói tới tác hại của thực phẩm không rõ nguồn gốc, Bộ Y tế cho biết, mỗi năm Việt Nam có khoảng 150.000 ca mới mắc và trên 75.000 trường hợp tử vong do ung thư, trong đó có nguyên nhân từ việc sử dụng thực phẩm thiếu an toàn và không rõ nguồn gốc xuất xứ. Hệ lụy, hàng chục ngàn tỷ đồng phải chi trả cho việc khám, điều trị, xét nghiệm, chữa bệnh, không những thế, thực phẩm bẩn còn là tác nhân dẫn đến suy giảm sức lao động.

Bên cạnh đó, theo Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế), tình trạng cá nhân, tổ chức vì lợi nhuận cố tình vi phạm như sản xuất mà không công bố sản phẩm, đưa thêm các chất không được phép sử dụng trong thực phẩm bảo vệ sức khỏe, quảng cáo quá mức,… vẫn diễn ra thường xuyên.

Theo Cục An toàn thực phẩm, công tác chống thực phẩm bẩn chưa bao giờ hết “nóng”, song thực tế cho thấy, để hạn chế và từng bước đẩy lùi nguy cơ mất vệ sinh an toàn thực phẩm ngoài nâng cao ý thức người sản xuất, kinh doanh và người tiêu dùng về an toàn thực phẩm, yêu cầu đặt ra là phải có sự vào cuộc đồng bộ, trách nhiệm của tất cả các cấp, ngành, tổ chức, cơ quan truyền thông cùng chính quyền địa phương trong việc tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra để xử lý nghiêm hành vi vi phạm về  an toàn thực phẩm. Về phía người dân, cần kiên quyết nói không với thực phẩm bẩn, đồng thời nâng cao ý thức đấu tranh, dũng cảm tố giác các cơ sở sản xuất, kinh doanh vi phạm về  an toàn thực phẩm.

TIN LIÊN QUAN