Theo thống kê của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) Hà Nội, toàn thành phố đã chuyển đổi được hơn 40.227ha đất lúa sang các mô hình sản xuất nông nghiệp mới; trong đó, có 101 vùng sản xuất rau an toàn tập trung, thực hiện 37 dự án xây dựng cơ sở hạ tầng với diện tích 2.080ha.
Theo Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Hà Nội Vũ Thị Hương, các giống cây trồng mới, các giải pháp canh tác mới (canh tác bền vững, tiết kiệm, an toàn trong sản xuất) đã chuyển giao được tiến bộ kỹ thuật mới, cho kết quả tốt. Các mô hình theo hướng hữu cơ, VietGAP không chỉ làm tăng giá trị cho sản phẩm mà còn đóng góp vào sự phát triển toàn diện và bền vững của ngành nông nghiệp trong cộng đồng.
Hợp tác xã (HTX) Nông nghiệp Tiền Lệ, xã Tiền Yên, huyện Hoài Đức đã áp dụng quy trình trồng rau VietGAP. Đây cũng là nơi cung cấp rau sạch cho thành phố Hà Nội và một số tỉnh lân cận. Việc chuyển đổi sang quy trình VietGAP không chỉ mang lại hiệu quả về mặt kinh tế đối mà còn bảo đảm cả về sức khỏe đối với người nông dân, trực tiếp tham gia sản xuất do không phải tiếp xúc với các loại thuốc trừ sâu.
Hợp tác xã (HTX) Nông nghiệp Tiền Lệ, xã Tiền Yên, huyện Hoài Đức đã áp dụng quy trình trồng rau VietGAP
Ông Nguyễn Khắc Vinh, thành viên HTX Nông nghiệp Tiền Lệ cho biết, gia đình ông trồng rau hơn 10 năm nay. Trước kia, gia đình trồng theo phương thức truyền thống, tuy nhiên hiệu quả kinh tế mang lại không cao. Sau này, khi mới bắt đầu thực hiện mô hình rau đạt tiêu chuẩn VietGAP, người dân thường xuyên được tập huấn chuyển giao kỹ thuật, được hỗ trợ các kiến thức ghi nhật ký cấy giống, quy định về sử dụng thuốc bảo vệ, sử dụng nguồn nước, chăm sóc và thu hoạch rau.
Bên cạnh đó, HTX Nông nghiệp Tiền Lệ còn đầu tư hệ thống nhà lưới giúp hạn chế ảnh hưởng của thời tiết, giảm bay hơi nước, duy trì độ ẩm, hạn chế rửa trôi, xói mòn, sâu bệnh… Qua đó, giúp người nông dân tăng năng suất và chất lượng rau màu, giảm lượng phân bón, thuốc trừ sâu, góp phần không nhỏ giảm thiểu ô nhiễm môi trường.
Huyện Sóc Sơn có 16 mô hình sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao như: Chăn nuôi gà theo hướng hữu cơ; chăn nuôi lợn sinh học; trồng nấm… Giám đốc Hợp tác xã Dịch vụ nông nghiệp và kinh doanh tổng hợp Trung Giã (huyện Sóc Sơn) Nguyễn Văn Thắng cho biết, với gần 2ha rau hữu cơ, hợp tác xã đã đầu tư hàng tỷ đồng xây dựng nhà sơ chế, đóng gói, bảo quản rau hữu cơ, rau VietGAP. Hợp tác xã áp dụng tiêu chuẩn “5 không” (không phân bón hóa học, không sử dụng hóa chất, không thuốc trừ sâu, không thuốc diệt cỏ, không thuốc kích thích); đồng thời, hướng dẫn nông dân tự ủ những mẻ phân hữu cơ để phục vụ cho việc canh tác rau màu. Nhờ vào chất lượng sản phẩm, rau hữu cơ của hợp tác xã tiêu thụ ổn định, giá cao hơn 10-15% so với sản xuất rau truyền thống.
Mô hình sản xuất nông nghiệp áp dụng tiêu chuẩn “5 không” tại Sóc Sơn
Để nhân rộng các mô hình nông nghiệp hữu cơ, VietGAP, Phó Chủ tịch UBND huyện Sóc Sơn Đỗ Minh Tuấn cho biết, trong thời gian tới, huyện lựa chọn sản phẩm nông nghiệp chủ lực, có lợi thế cạnh tranh của địa phương, hỗ trợ nông dân sản xuất theo hướng hữu cơ; đẩy mạnh áp dụng tiến bộ khoa học, kỹ thuật và áp dụng quy trình sản xuất, chế biến hữu cơ tiên tiến, hiện đại. Cùng với đó là kiểm soát tốt các nguy cơ mất vệ sinh, an toàn thực phẩm, tạo ra các sản phẩm nông nghiệp sạch, an toàn cho người sử dụng, hướng đến phát triển nền nông nghiệp có giá trị cao, bền vững, thân thiện với môi trường.
Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Nguyễn Mạnh Phương cho biết, Sở sẽ phối hợp với các địa phương quy hoạch vùng sản xuất tập trung đối với những sản phẩm nông nghiệp hữu cơ, VietGAP mà thị trường có nhu cầu lớn, phù hợp với điều kiện sinh thái của địa phương; nâng cao trình độ nghiên cứu, ứng dụng, chuyển giao khoa học, công nghệ, phát triển nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp sạch, nông nghiệp theo hướng hữu cơ, nhằm tạo đột phá về năng suất, chất lượng sản phẩm.