ISO 9001 là tiêu chuẩn duy nhất thuộc bộ ISO 9000 được dùng để chứng nhận hệ thống quản lý chất lượng (HTQLCL), là tiêu chuẩn về HTQLCL được sử dụng rộng rãi nhất trên thế giới. Tại Việt Nam, ISO 9001 được chấp nhận dưới tên gọi TCVN ISO 9001 và được thúc đẩy triển khai áp dụng mạnh mẽ trong giai đoạn 1996 – 2005. Phiên bản mới nhất của ISO 9001 là ISO 9001:2015, quy định những yêu cầu cơ bản của hệ HTQLCL đối với một tổ chức.
Việc áp dụng và duy trì HTQLCL theo tiêu chuẩn ISO 9001:2015 đem lại nhiều lợi ích cho tổ chức thông qua việc có thể đưa ra các biện pháp làm việc đúng ngay từ khi bắt đầu triển khai, có thể xác định đúng nhiệm vụ và chỉ ra cách thực hiện để đạt kết quả mong muốn. Khi áp dụng hệ thống này, tổ chức cũng có thể tiết kiệm được nhiều chi phí hơn do các hệ thống hoạt động của tổ chức được kiểm soát từ đầu đến cuối, ngăn ngừa sai sót và bảo đảm các yêu cầu về chất lượng sản phẩm, dịch vụ mà tổ chức cung cấp.
Đối với cơ quan nhà nước, áp dụng HTQLCL theo ISO 9001:2015 sẽ góp phần thúc đẩy thực hiện mục tiêu cải cách hành chính thông qua việc tạo ra sự nhất quán trong công việc, chuẩn hóa các quy trình hoạt động, loại bỏ thủ tục không cần thiết và cải tiến phương pháp làm việc.
Với mục đích đảm bảo cho Hệ thống quản lý chất lượng theo TCVN ISO 9001:2015 tại cơ quan, đơn vị được duy trì và cải tiến phù hợp với tiến trình cải cách hành chính hiện nay, UBND tỉnh Gia Lai đã ban hành Kế hoạch triển khai hoạt động xây dựng, áp dụng, duy trì và cải tiến Hệ thống quản lý chất lượng theo Tiêu chuẩn quốc gia TCVN ISO 9001:2015 tại các cơ quan, tổ chức thuộc hệ thống hành chính Nhà nước trên địa bàn tỉnh năm 2025.
Để thực hiện có hiệu lực, hiệu quả việc áp dụng, duy trì và cải tiến HTQLCL theo TCVN ISO 9001:2015 vào hoạt động của các cơ quan hành chính nhà nước (CQHCNN) trên địa bàn tỉnh, góp phần cải thiện và nâng cao chỉ số cải cách hành chính, chỉ số hài lòng của người dân, tổ chức đối với sự phục vụ của CQHCNN trên địa bàn tỉnh.
Gia Lai duy trì và cải tiến hệ thống quản lý chất lượng theo ISO 9001:2015 (Ảnh minh họa)
Theo đó, UBND tỉnh đã đề ra một số nhiệm vụ cần thực hiện gồm: Tuyên truyền, phổ biến về lợi ích của việc áp dụng HTQLCL trên các phương tiện truyền thông; tiếp tục áp dụng, duy trì và cải tiến HTQLCL theo yêu cầu của tiêu chuẩn đảm bảo tính hiệu lực, hiệu quả đối với 100% CQHCNN trên địa bàn tỉnh; thực hiện đúng các quy định của pháp luật về bảo vệ bí mật Nhà nước trong quá trình xây dựng và áp dụng HTQLCL; tổ chức đào tạo, bồi dưỡng cho cán bộ, công chức của các CQHCNN kiến thức về TCVN ISO 9001:2015, TCVN ISO 18091:2020 và hướng dẫn áp dụng TCVN ISO 9001 tại chính quyền địa phương.
Ngoài ra, tổ chức kiểm tra hoạt động duy trì, cải tiến HTQLCL theo tiêu chuẩn qua hồ sơ báo cáo và kiểm tra trực tiếp ở trụ sở cơ quan tại 100% CQHCNN nhằm kịp thời chỉ ra các hạn chế, thiếu sót và hướng dẫn biện pháp khắc phục để tạo sự chuyển biến tích cực trong việc triển khai áp dụng HTQLCL.
Mặt khác, UBND tỉnh cũng phân công nhiệm vụ cụ thể cho các sở, ngành liên quan và các địa phương trong tổ chức thực hiện. Đồng thời, yêu cầu việc xây dựng HTQLCL và áp dụng theo Tiêu chuẩn quốc gia TCVN ISO 9001:2015 phải đảm bảo thực chất, hiệu quả và tránh hình thức; HTQLCL áp dụng tại cơ quan, tổ chức phải đảm bảo các yêu cầu của Tiêu chuẩn quốc gia c trên nguyên tắc 100% các thủ tục hành chính thuộc thẩm quyền giải quyết của cơ quan, đơn vị và 100% các hoạt động nội bộ liên quan hoạt động chuyên môn, hỗ trợ hoạt động chuyên môn và các hoạt động khác nhằm thực hiện chức năng, nhiệm vụ của cơ quan được xây dựng và áp dụng Hệ thống quản lý chất lượng.