Ngành vận tải biển chưa thực sự phục hồi
Thị trường ngành vận tải biển trong nước 3 tháng đầu năm khá trầm lắng và giá cả giảm sút. Tuy nhiên, nhìn chung thị trường thế giới mức giảm tương đối nhẹ nhàng hơn thời điểm năm 2014. Bên cạnh đó, do thị trường hàng hóa từ vùng Viễn Đông có những cải thiện, dù rất nhỏ, cũng góp phần bù vào nguồn cung thiếu hụt từ khu vực châu Á - Thái Bình Dương.
Ảnh minh họa |
Đối với thị trường Việt Nam, năm 2017 sẽ là năm tăng cao nhu cầu các loại hàng như thạch cao từ Trung Đông về Việt Nam hoặc than đá từ Indonesia, Úc, Trung Quốc về Việt Nam do nhu cầu sử dụng của các nhà máy xi măng và các nhà máy nhiệt điện tăng cao. Tuy nhiên, đối với các loại hàng này, tàu Việt Nam không đủ điều kiện tham gia vận tải mà hầu như toàn bộ do đội tàu nước ngoài đảm trách.
Về mặt hàng gạo, các năm trước lượng xuất qua Trung Quốc bằng đường tiểu ngạch nhiều, việc vận chuyển hoàn toàn do đội tàu Việt Nam đảm trách do tận dụng được lợi thế các tàu 3.000 DWT. Năm nay, các doanh nghiệp Trung Quốc hầu hết mua gạo với số lượng lớn, tàu Việt Nam vận chuyển không nhiều bởi không cạnh tranh lại với tàu Trung Quốc.
Các mặt hàng thường xuyên xuất khẩu của Việt Nam như gỗ dăm được vận chuyển bằng các tàu chuyên dùng của Trung Quốc, Nhật Bản là chủ yếu. Cũng có vài công ty Việt Nam đầu tư luôn tàu để làm hàng này nhưng không nhiều. Hàng sắn lát xuất đi Trung Quốc cũng chủ yếu do đội tàu Trung Quốc đảm trách.
Ngành vận tải biển Việt Nam như thế nào trong năm 2017? Đây vẫn là năm nhiều thách thức với đội tàu Việt Nam khi do nguồn hàng vẫn chưa tốt. Chủ yếu các tuyến hàng vẫn không có gì thay đổi, đa số là những loại hàng giá trị thấp và làm hàng khó khăn. Hơn nữa, các chủ tàu Việt Nam cũng sẽ mạnh ai nấy làm, lừa nhau, lừa người môi giới, tự chèn ép giá để dành cho được hợp đồng vận chuyển và tự dìm mình vào khó khăn.
Một điểm tích cực có thể hy vọng cho đội tàu Việt Nam là thị trường trong nước. Các nhà máy nhiệt điện hoạt động mạnh, các khu công nghiệp trong nước phát triển, thị trường xây dựng ở Phú Quốc được thúc đẩy sẽ tạo cú hích tăng nhu cầu vận chuyển. Ví dụ như tàu Việt Nam nhỏ sẽ tham gia chuyển tải than từ các tàu lớn chở than từ Quảng Ninh vào; từ Indonesia, Úc, Nga sang nhưng không cập cảng các nhà máy nhiệt điện được. Các tàu nhỏ cũng có thể tham gia vận chuyển đá, cát, sắt thép từ đất liền ra Phú Quốc...
Tuy nhiên, điểm sáng hiếm hoi đó vẫn còn đang bị che khuất bởi hạ tầng cảng biển, bởi các chính sách phát triển. Hy vọng chúng sẽ sớm được khắc phục.
Cổ phiếu vận tải biển chìm sâu
Hiện tại, trên thị trường có 15 cổ phiếu hoạt động vận tải biển thì có 6 cổ phiếu niêm yết ở Sở Giao dịch Chứng khoán TP.HCM (HOSE) và Hà Nội (HNX) và 9 cổ phiếu đăng ký sàn UPCoM. Trong số 9 cổ phiếu đăng ký sàn UPCoM có tới 8 cổ phiếu nằm trong bảng cảnh báo nhà đầu tư và lý do là bởi các doanh nghiệp này đều có vốn chủ sở hữu âm.
Hiện tải chỉ có một vài doanh nghiệp có thị giá cao trên mệnh giá. Biểu đồ: Sao Mai |
Cụ thể, trên sàn UPCoM có 6 cổ phiếu nằm trong diện cảnh báo gồm: CTCP Vận tải và Thuê tàu biển Việt Nam (VST), CTCP Hàng hải Đông Đô (DDM), CTCP Vận tải biển và Hợp tác Quốc tế (ISG), CTCP Vận tải Biển Bắc (NOS), CTCP Vận tải biển Hải Âu (SSG), CTCP Container Phía Nam (VSG ) và có 1 cổ phiếu tạm ngừng giao dịch là CTCP Vận tải biển và Bất động sản Việt Hải (VSP). Đối với sàn HOSE, hiện có một cổ phiếu có thể hủy giao dịch đó là CTCP Vận tải biển Vinaship (VNA).
Hầu hết, tất cả các cổ phiếu ngành vận tải biển trên thị trường có thị giá thấp dưới 10.000 đồng/cổ phiếu. Chỉ có cổ phiếu các doanh nghiệp như : CTCP Thương mại Dịch vụ Vận tải Xi măng Hải Phòng (HCT), CTCP Vận tải Hà Tiên (HTV), CTCP Vận tải Xăng dầu Đường thủy Petrolimex (PJT), CTCP Vận tải và Thuê tàu (VFR, có thị giá trên 10.000 đồng/cổ phiếu.
Việc giá cổ phiếu ngành vận tải biển luôn duy trì ở mức rất thấp cũng dễ hiểu do thị trường hàng hải khó khăn khiến hầu hết doanh nghiệp này luôn ở trong tình trạng thua lỗ nặng nề.
Cổ phiếu VSP nằm trong diện tạm ngừng giao dịch từ ngày 6/4 vừa qua. Được biết, VSP từng là cổ phiếu có thị giá hàng trăm ngàn đồng/cổ phiếu vào thời điểm 2008. Tại thời điểm này, VSP đã dễ dàng huy động được 1.200 tỷ đồng, gấp 10 lần vốn chủ sở hữu tại thời điểm cuối năm 2007, để đầu tư đội tàu biển, lĩnh vực kinh doanh thời thượng ở thời điểm đó. Nhưng ở thời điểm hiện tại, thị giá cổ phiếu VSP trong thị trường chứng quán ở “top” thấp nhất chỉ 1.100 đồng/cổ phiếu.
Những ngày cuối tháng 3/2016, HĐQT VSP đã quyết định tạm dừng hoạt động công ty sau hơn 5 năm cố gắng khắc phục không thành. Nguyên nhân là do hậu quả tài chính để lại quá nặng nề cùng với bộ máy điều hành hoạt động ngày càng mỏng và dần thiếu tính hợp tác, phối hợp hoạt động để xử lý tái cơ cấu công ty. Nhiều thành viên HĐQT công ty đã có văn bản từ bỏ và xin từ chức từ năm 2015.
Cổ phiếu VNA sẽ chính thức hủy niêm yết vào ngày 21/4, do mấy năm qua hoạt động kinh doanh của VNA thua lỗ triền miên. Cụ thể, lợi nhuận sau thuế chưa phân phối tính đến ngày 31/12/2016 là âm 205,47 tỷ đồng, vượt vốn điều lệ thực góp là 200 tỷ đồng, căn cứ trên Báo cáo tài chính kiểm toán năm 2016, thuộc trường hợp chứng khoán bị hủy niêm yết bắt buộc theo quy định. Hiện tại, thị giá cổ phiếu có thị giá thấp nhất trên thị trường chỉ có 800 đồng/cổ phiếu.
Theo BCTC quý 4 năm 2016, trong 10 doanh nghiệp vận tải biển đã công bố thì có tới 7 doanh nghiệp thông báo lỗ và chỉ có 3 doanh nghiệp báo lãi đó là Vipco, Vitaco và VFC. Cụ thể, Vipco lãi 1,3 tỷ đồng (giảm 95% so với năm 2015), VFC lãi 2,7 tỷ đồng (giảm 56%) và VTO là 13,6 tỷ đồng (giảm 45%).
Sao Mai