Ghi nhãn sản phẩm Halal không được trái với nguyên tắc của Luật Hồi giáo và không được gây hiểu nhầm hoặc lừa dối người tiêu dùng. Ảnh minh họa.
Tiêu chuẩn quốc gia TCVN 12944:2020 Thực phẩm Halal - Yêu cầu chung quy định các yêu cầu chung đối với việc chuẩn bị, chế biến, vận chuyển, bảo quản thực phẩm halal.
Việc ghi nhãn sản phẩm halal phải đáp ứng quy định về nhãn hàng hóa và các quy định cụ thể sau đây: Ghi nhãn không được trái với nguyên tắc của Luật Hồi giáo và không được gây hiểu nhầm hoặc lừa dối người tiêu dùng; Tên của thực phẩm halal và hương liệu tổng hợp halal không được đặt theo tên của các sản phẩm không halal;
Trên nhãn sản phẩm phải ghi ít nhất các thông tin sau: tên sản phẩm; khối lượng tịnh hoặc thể tích thực, biểu thị theo đơn vị đo pháp định; tên và địa chỉ nhà sản xuất, nhà nhập khẩu và/hoặc nhà phân phối, cùng với nhãn hiệu (trademark) nếu có; danh sách thành phần nguyên liệu; mã nhận biết ngày và/hoặc số lô sản xuất, ngày hết hạn sử dụng; nước xuất xứ; nên thể hiện trên nhãn thuật ngữ "halal" và/hoặc logo có từ "halal". Đối với sản phẩm thịt đã sơ chế, nhãn sản phẩm phải ghi các thông tin nêu trên và thêm thông tin ngày giết mổ, ngày sơ chế.
Tiêu chuẩn này cũng quy định về vận chuyển và bảo quản thực phẩm halal. Trong đó, phương tiện bảo quản và vận chuyển thực phẩm halal phải sạch và chỉ dùng riêng cho thực phẩm halal; không vận chuyển, bảo quản chung thực phẩm halal với thực phẩm không halal.
Ngoài ra, cơ sở sản xuất thực phẩm halal phải đảm bảo vệ sinh, bao gồm vệ sinh cá nhân, quần áo, dụng cụ, thiết bị và vệ sinh chung của cơ sở.
Cơ sở sản xuất thực phẩm halal phải thực hiện các biện pháp để quản lý và kiểm tra an toàn thực phẩm đối với nguyên liệu, thành phần nguyên liệu, vật liệu bao gói, trước khi sơ chế, chế biến; quản lý chất thải hiệu quả; các hóa chất độc hại được lưu trữ an toàn và thích hợp; ngăn ngừa ô nhiễm đối với sản phẩm; tránh sử dụng quá mức phụ gia thực phẩm được phép sử dụng.