Tính đến nay, đã hơn 2 năm lên kế hoạch tái cấu trúc, nhằm thoái vốn khỏi mảng phân phối - bán lẻ công nghệ để tập trung vào lĩnh vực viễn thông, nhưng FPT vẫn chưa thực hiện được kế hoạch của mình. Hiện, FPT vẫn đang trong quá trình tìm đối tác chuyển nhượng mảng phân phối và bán lẻ và dự định nâng mức sở hữu tại CTCP FPT Telecom (FOX).
Cơ cấu cổ đông của FPT Telecom hiện khá cô đặc khi FPT nắm giữ 62,57 triệu cổ phiếu (45,64%), Tổng CTCP Đầu tư và Kinh doanh vốn Nhà nước (SCIC) nắm 68,76 triệu cổ phiếu (50,16%) và chỉ có gần 6 triệu cổ phiếu (4,18%) được nắm giữ bởi cổ đông nhỏ lẻ.
Theo kế hoạch năm 2016, SCIC sẽ thoái toàn bộ phần vốn tại FPT Telecom. Tuy nhiên, ông Đặng Quyết Tiến, Phó Cục trưởng Cục Tài chính doanh nghiệp (Bộ Tài chính) cho biết, việc thoái vốn tại FPT Telecom sẽ được thực hiện muộn nhất đầu 2017. Tính đến nay đã kết sắp kết thúc quý 2/2017 nhưng động thái từ SCIC cho thấy việc thoái vốn tại FPT Telecom chưa có chuyển biến. Do đó, kế hoạch của FPT nâng sở hữu tại FPT Telecom khó hoàn thành sớm.
FPT sẽ phải bỏ ra nhiều hơn để mua lại cổ phần của FPT Telecom từ SCIC. Ảnh: FPT |
FPT Telecom đang đăng ký giao dịch cổ phiếu trên sàn UPCoM với mã FOX với giá 88.000 đồng/cổ phiếu. Việc nâng tỷ lệ nắm giữ tại FPT Telecom lên mức 100% sẽ khiến FPT phải bỏ ra nhiều hơn để mua lại cổ phần từ SCIC.
Theo tính toán của CTCP Chứng khoán Rồng Việt (VDSC), nếu thoái vốn 100% tại FPTTrading và FPTRetail thì FPT sẽ thu về 4.488 tỷ đồng. Tuy nhiên, giá 88.000 đồng/cổ phiếu của FPT Telecom thì FPT sẽ cần hơn 6.000 tỷ đồng để sở hữu toàn bộ số cổ phần mà SCIC đang nắm giữ, cao hơn rất nhiều so với số tiền thu được từ thoái vốn 2 công ty con.
Hiện tại, FPT vẫn đang tìm và thương lượng với các đối tác và quá trình tái cấu trúc gần như chắc chắn sẽ không hoàn thành trong 2017. Câu chuyện này vì thế vẫn là điểm thu hút chú ý và nhận được nhiều mong đợi từ thị trường đối với tiềm năng dài hạn của FPT, bởi FPT Telecom ngày càng hoạt động hiệu quả và có khả năng thức đẩy kết quả kinh doanh của tập đoàn.
Kết thúc quý 1/2017, FPT ghi nhận mức doanh thu 9.768 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế 540 tỷ đồng, tăng trưởng lần lượt 14% và 21%. Trong đó, mảng công nghệ nổi bật với tăng trưởng doanh thu và lợi nhuận trước thuế lần lượt đạt 19% và 38%.
Mảng đóng góp lớn thứ 2 là viễn thông với tăng trưởng doanh thu và lợi nhuận lần lượt 13% và 18%. FPT cho biết ghi nhận chi phí quang hóa đã phần lớn kết thúc trong năm 2016 và kết quả kinh doanh mảng này đã khởi sắc từ giữa năm. Do đó, có thể dễ dàng quan sát thấy lợi nhuận trước thuế đang tăng mạnh hơn doanh thu.
Thực tế, kết quả kinh doanh 4 tháng đầu năm 2017 cho thấy doanh thu mảng viễn thông vẫn duy trì mức tăng trưởng 13% nhưng lợi nhuận trước thuế đã tăng 20% so với cùng kỳ, là dấu hiệu để kỳ vọng kết quả khả quan cho cả năm 2017.
Qua đó, VDSC dự báo doanh thu năm 2017 của FPT khoảng 48.107 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế 2.408 tỷ đồng, tăng lần lượt 21,7% và 21%, lãi cơ bản trên cổ phiếu đạt 4.500 đồng.
Ánh Hoa