Chú trọng nâng cao năng suất, chất lượng
Thực hiện Chương trình Quốc gia hỗ trợ doanh nghiệp (DN) nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm, hàng hóa trên địa bàn tỉnh Đồng Tháp giai đoạn 2021 - 2025 và định hướng đến năm 2030, thời gian qua, các ngành, các cấp khuyến khích, hỗ trợ DN áp dụng các tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật, các hệ thống quản lý, mô hình, công cụ cải tiến năng suất chất lượng (NSCL).
Theo UBND tỉnh, thời gian tới, các ngành, địa phương sẽ tiếp tục tập trung hỗ trợ DN, trọng tâm là các tổ chức, DN sản xuất kinh doanh sản phẩm, hàng hóa chủ lực nâng cao NSCL sản phẩm, hàng hóa trên cơ sở áp dụng các giải pháp về tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật, hệ thống quản lý, công cụ cải tiến NSCL, nền tảng khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo... Qua đó góp phần nâng cao NSCL; nâng tỷ trọng đóng góp của năng suất các nhân tố tổng hợp vào tăng trưởng kinh tế của địa phương.
Hướng đến mục tiêu năm 2025, tỉnh sẽ tổ chức tối thiểu 10 lớp đào tạo, tập huấn về NSCL, hệ thống quản lý như hệ thống quản lý chất lượng ISO 9001, quản lý môi trường ISO 14001, quản lý an toàn thực phẩm ISO 22000, quản lý về đổi mới sáng tạo ISO 56000... công cụ cải tiến NSCL, đào tạo được khoảng 20 chuyên gia NSCL tại các sở, ngành và DN.
Dây chuyền sản xuất đường phèn tại Công ty TNHH Tân Dương Đồng Tháp
Hằng năm tổ chức tập huấn, tuyên truyền, hướng dẫn áp dụng các giải pháp về tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật, hệ thống quản lý, công cụ cải tiến NSCL khoảng 100 tổ chức, DN. Hỗ trợ ít nhất 15 DN xây dựng, áp dụng hệ thống quản lý, các công cụ cải tiến NSCL, chuyển giao và ứng dụng công nghệ. Vận động, hỗ trợ ít nhất 10 DN tham gia giải thưởng chất lượng Quốc gia, có ít nhất 3 DN đạt Giải vàng. Ưu tiên triển khai các nhiệm vụ khoa học và công nghệ, giải pháp khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo nhằm nâng cao chỉ số năng suất các yếu tố tổng hợp của tỉnh.
Để thực hiện có hiệu quả, các sở, ngành tỉnh sẽ hoàn thiện cơ chế, chính sách thúc đẩy hoạt động nâng cao NSCL. Rà soát, hoàn thiện, bổ sung các cơ chế, chính sách địa phương về hỗ trợ DN, cụ thể là ưu tiên triển khai các nhiệm vụ khoa học công nghệ, giải pháp khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, nâng cao NSCL, hỗ trợ chuyển giao kết quả nghiên cứu khoa học và ứng dụng tiến bộ trên địa bàn tỉnh.
Bên cạnh đó tăng cường tuyên truyền, phổ biến, hướng dẫn áp dụng các hệ thống quản lý, công cụ cải tiến năng suất chất lượng, nhất là các công cụ hỗ trợ sản xuất thông minh, dịch vụ thông minh vào DN. Xây dựng, cập nhật các hoạt động năng suất, chất lượng trên website của Sở Khoa học và Công nghệ; xây dựng, phát sóng các chuyên mục truyền hình về các hoạt động nâng cao NSCL, hỗ trợ DN ứng dụng công nghệ thông tin, công nghệ số để thiết lập, tối ưu hóa, hiện đại hóa hệ thống quản trị DN, áp dụng tiêu chuẩn, công cụ hỗ trợ cho sản xuất thông minh, dịch vụ thông minh. Hỗ trợ DN chứng nhận sản phẩm, hàng hóa; chứng nhận hệ thống quản lý và hệ thống truy xuất nguồn gốc sản phẩm, hàng hóa phù hợp với tiêu chuẩn Quốc gia, tiêu chuẩn quốc tế; hỗ trợ DN các nội dung khác về năng suất chất lượng: mã số mã vạch, xây dựng tiêu chuẩn cơ sở, nhãn hàng hóa, sở hữu trí tuệ...
Bên cạnh đó, khảo sát, chẩn đoán về hiện trạng áp dụng các hệ thống quản lý, công cụ nâng cao NSCL nhằm đánh giá hiện trạng DN trên địa bàn tỉnh, từ đó làm cơ sở lựa chọn DN để hỗ trợ xây dựng và áp dụng các hệ thống quản lý tiên tiến nhằm nâng cao NSCL sản phẩm, hàng hóa. Tư vấn, hướng dẫn DN áp dụng các hệ thống quản lý; công cụ cải tiến năng suất cơ bản; tăng cường áp dụng các hệ thống quản lý, công cụ cải tiến NSCL đặc thù cho ngành, lĩnh vực; tiêu chuẩn về các hệ thống quản lý mới được công bố. Hỗ trợ DN áp dụng hệ thống truy xuất nguồn gốc sản phẩm, hàng hóa, áp dụng thực hành nông nghiệp tốt (GAP), thực hành sản xuất nông nghiệp hữu cơ, năng suất xanh...
Nâng cao khả năng cạnh tranh của doanh nghiệp
Để nâng cao NSCL cho DN, các sở, ngành tỉnh khuyến khích DN đầu tư vào hoạt động khoa học và công nghệ nhiều hơn, giúp nâng cao NSCL sản phẩm. Trong đó, tổ chức nhiều lớp đào tạo, tập huấn, hội nghị, hội thảo với sự tham gia của hơn 300 DN; hỗ trợ, hướng dẫn xây dựng 446 tiêu chuẩn cơ sở; đào tạo 12 chuyên gia về NSCL. Đối với mục tiêu thí điểm đưa vào áp dụng và nhân rộng việc xây dựng và triển khai Chương trình Quốc gia NSCL, tỉnh tiến hành khảo sát nhu cầu của DN, đã hỗ trợ 96 DN áp dụng các hệ thống quản lý chất lượng, công cụ cải tiến.
Xây dựng và áp dụng các hệ thống quản lý tiên tiến giúp sản phẩm của Công ty TNHH MTV Nam Huy Đồng Tháp tăng khả năng cạnh tranh
Bên cạnh đó, hỗ trợ 119 cơ sở, DN đầu tư vào hoạt động khoa học công nghệ. Huy động nguồn lực của xã hội tập trung cho mục tiêu nâng cao năng suất và chất lượng NSCL của sản phẩm hàng hóa chủ lực, nâng cao khả năng cạnh tranh, thương hiệu của DN, sản phẩm, hàng hóa trên thị trường trong và ngoài tỉnh. Từ đó, nhận thức của DN trong tỉnh về nâng cao NSCL ngày càng được nâng lên.
Với mong muốn nâng cao chất lượng sản phẩm, thời gian qua, Công ty TNHH Tây Cát (huyện Lai Vung) không ngừng nghiên cứu thị trường để sản xuất thêm sản phẩm mới; thiết kế bao bì, nhãn mác phù hợp thị hiếu...
Theo bà Nguyễn Thị Các Thủy - Giám đốc Công ty TNHH Tây Cát, đơn vị luôn chú trọng đổi mới công nghệ, áp dụng các tiêu chuẩn, quy chuẩn, hệ thống quản lý, mô hình, công cụ thực hành sản xuất hiện đại. Chú trọng từng công đoạn, quy trình sản xuất, kiểm soát một cách toàn diện, nghiêm ngặt các khía cạnh và quá trình liên quan đến an toàn vệ sinh thực phẩm. Từ đó tạo ra các sản phẩm trái cây cuộn chất lượng, đáp ứng yêu cầu thị trường.
Để nâng cao khả năng cạnh tranh của doanh nghiệp theo kịp với nhu cầu phát triển kinh tế xã hội trong tiến trình hội nhập khu vực và quốc tế, thời gian tới, các hoạt động hỗ trợ doanh nghiệp cần được các ngành, các cấp quan tâm, nhiều doanh nghiệp đã chú trọng đến nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, hàng hóa, góp phần nâng tỷ trọng đóng góp của năng suất các nhân tố tổng hợp vào tăng trưởng kinh tế, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh của nền kinh tế.