Đồng bộ dữ liệu giữa các hệ thống truy xuất nguồn gốc và Cổng truy xuất nguồn gốc quốc gia

(CL&CS) - Khó khăn và thách thức chung gặp phải đối với các hệ thống truy xuất nguồn gốc có nhu cầu kết nối với Cổng thông tin truy xuất nguồn gốc sản phẩm hàng hóa quốc gia là phải tuân thủ theo quy định tại Thông tư 02/2024/TT-BKHCN. Theo đó, các hệ thống phải đảm bảo phù hợp với tiêu chuẩn quốc gia (TCVN) về truy xuất nguồn gốc, tuy nhiên hệ thống TCVN hiện đang được cập nhật, xây dựng chưa theo kịp số lượng, chủng loại sản phẩm được truy xuất nguồn gốc trên thị trường.

Thời gian qua, việc nghiên cứu và phát triển các giải pháp công nghệ chống giả, truy xuất nguồn gốc đang trở nên cấp thiết hơn bao giờ hết trong bối cảnh kinh tế thị trường cạnh tranh khốc liệt. Nhằm bắt kịp xu hướng phát triển và triển khai truy xuất nguồn gốc trên thế giới, ngày 19/01/2019 Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 100/QĐ-TTg, phê duyệt “Đề án triển khai áp dụng và quản lý hệ thống truy xuất nguồn gốc”. Một trong 5 nhiệm vụ, giải pháp được đưa ra là thiết lập, xây dựng, vận hành Cổng thông tin truy xuất nguồn gốc sản phẩm, hàng hóa quốc gia (Cổng thông tin).

Truy xuất nguồn gốc đang dần trở thành thói quen của người tiêu dùng. (Ảnh minh họa)

Ông Bùi Bá Chính – Phó Giám đốc phụ trách Trung tâm Mã số mã vạch Quốc gia cho biết, Cổng thông tin được vận hành từ 1/10/2024. Trong quá trình vận hành thử nghiệm, Trung tâm đang từng bước thực hiện việc kết nối thông tin với các hệ thống truy xuất nguồn gốc, cụ thể: Tổng số tại thời điểm vẫn hành thử đã kết nối hơn 4.400 doanh nghiệp tham gia chuỗi cung ứng; 02 địa phương (Yên Bái, Sóc Trăng). Hiện Trung tâm đang hỗ trợ, lập nhóm kết nối cho 13 hệ thống của địa phương và các công ty giải pháp.

Trước đó, vào chiều ngày 25/10/2024, Ủy ban Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng Quốc gia có buổi làm việc trực tuyến với Sở Khoa học và Công nghệ 63 địa phương trên cả nước. Vấn đề quản lý truy xuất nguồn gốc được bàn luận sôi nổi, Cổng thông tin được coi là nền tảng số, giải pháp quan trọng xây dựng thị trường trong sạch, minh bạch và hướng đến phát triển bền vững. Có thể khẳng định, truy xuất nguồn gốc sản phẩm hàng hóa nói chung và đưa vào vận hành Cổng thông tin nói riêng rất được các cơ quan quản lý, doanh nghiệp, người dân quan tâm.

Nói về thuận lợi, khó khăn trong quá trình vận hành Cổng thông tin, ông Chính cho hay, để kết nối với Cổng thì thuận lợi đầu tiên đối với các bộ, ngành, địa phương, tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân có quan tâm là tài liệu hướng dẫn phương thức kết nối đầy đủ, dễ hiểu. Cổng thông tin được xây dựng hỗ trợ 2 phiên bản kết nối, phiên bản đầu tiên theo chuẩn API restful thông thường, phổ cập, quen dùng, phiên bản thứ hai tuân thủ chuẩn EPCIS 2.0 đang được quốc tế khuyến nghị sử dụng cho truy xuất nguồn gốc.

“Khó khăn và thách thức chung gặp phải đối với các hệ thống truy xuất nguồn gốc có nhu cầu kết nối với Cổng là phải tuân thủ theo quy định tại Thông tư 02/2024/TT-BKHCN, theo đó các hệ thống phải đảm bảo phù hợp với tiêu chuẩn quốc gia (TCVN) về truy xuất nguồn gốc, tuy nhiên hệ thống TCVN hiện đang được cập nhật, xây dựng chưa theo kịp số lượng, chủng loại sản phẩm được truy xuất nguồn gốc trên thị trường. Việc thông hiểu các TCVN và đưa chúng vào áp dụng trong thực tế cũng cần có nhiều thời gian. Điều này dẫn đến việc đồng bộ, trao đổi dữ liệu truy xuất nguồn gốc giữa các hệ thống truy xuất nguồn gốc với Cổng chưa thể phù hợp TCVN trong một sớm, một chiều được.

Hiện tại, Trung tâm đang nỗ lực triển khai hướng dẫn các bộ, ngành, địa phương, tổ chức các buổi hội thảo, tập huấn về truy xuất nguồn gốc để phổ biến các TCVN và hướng dẫn kết nối với Cổng thông tin. Bên cạnh đó, Trung tâm cũng xây dựng các tài liệu hướng dẫn chi tiết về dữ liệu cũng như phương thức truy xuất nguồn gốc phù hợp theo TCVN để cung cấp cho toàn quốc”, ông Chính thông tin.

TIN LIÊN QUAN