Đem lại giá trị gia tăng cho doanh nghiệp
Theo các chuyên gia, Lean là một nhóm công cụ và phương pháp, hiện đang được áp dụng ngày càng rộng rãi trong các lĩnh vực sản xuất công nghiệp, nhằm loại bỏ lãng phí và những bất hợp lý trong quy trình sản xuất, để có chi phí thấp hơn và tính cạnh tranh cao hơn cho nhà sản xuất.
Doanh nghiệp ngành dệt may áp dụng công cụ Lean tăng năng suất lao động
Nguyên lý của Lean là giúp cho các doanh nghiệp rút ngắn thời gian sản xuất, thời gian giao hàng từ đó tiết kiệm chi phí tối đa đem lại giá trị gia tăng cho doanh nghiệp. Áp dụng công nghệ Lean các công đoạn được kết nối thông qua dòng chảy liên tục; kiểm soát chặt chẽ chất lượng tại từng thao tác và công đoạn. Lean sẽ giúp cho việc lập kế hoạch, tính toán chính xác các công đoạn phù hợp với tiến độ sản xuất, giảm thiểu nguyên phụ liệu và hàng tồn từ đó tiết kiệm chi phí quản lý tăng năng suất và chất lượng cải thiện mối quan hệ với nhà cung cấp và nhà nhập khẩu sản phẩm may mặc.
Tại Việt Nam, Lean được giới thiệu đến các công ty dệt may bắt đầu từ những năm 2006. Việc áp dụng Lean giúp các doanh nghiệp cải thiện đáng kể năng suất. Cụ thể, năng suất tăng, tỷ lệ hàng lỗi giảm, thời gian làm việc rút ngắn lại, chi phí sản xuất giảm, thu nhập người lao động tăng… là những gì mà các doanh nghiệp dệt may tổng kết được sau khi triển khai thành công phương pháp này.
Thông tin với báo chí, TS. Hoàng Xuân Hiệp, Hiệu trưởng Trường đại học Công nghiệp Dệt May Hà Nội - đơn vị tư vấn Lean cho nhiều doanh nghiệp dệt may trao đổi với PV báo chí cho biết: “Lean sau khi áp dụng sẽ mang lại cho doanh nghiệp nhiều lợi ích như: giảm phế phẩm, giảm sự lãng phí; giảm thời gian quy trình và chu kỳ sản xuất; giảm thiểu mức hàng tồn kho ở tất cả công đoạn sản xuất; bảo đảm công nhân đạt năng suất cao nhất trong thời gian làm việc;
Các doanh nghiệp tận dụng thiết bị và mặt bằng; có khả năng sản xuất nhiều loại sản phẩm khác nhau một cách linh động hơn với chi phí và thời gian chuyển đổi thấp nhất; doanh nghiệp có thể gia tăng sản lượng một cách đáng kể từ cơ sở vật chất hiện có. Nhiều doanh nghiệp dệt may sau khi được chúng tôi tư vấn đã áp dụng thành công Lean vào sản xuất như: Tổng Công ty CP May Việt Tiến, Tổng Công ty May 10, Tổng Công ty Đức Giang, Công ty CP May Nam Định…, ông Hiệp cho biết.
Năng suất, chất lượng của từng chuyền đã được ổn định và kiểm soát qua từng giờ
Theo đó, tại Tổng công ty May 10, sau khi áp dụng mô hình Lean, năng suất lao động tăng 52%, tỷ lệ hàng lỗi giảm 8%, giảm giờ làm 1 giờ/ngày, tăng thu nhập trên 10%, giảm chi phí sản xuất từ 5-10%/năm.
Dây chuyền sản xuất của đơn vị được ổn định, kiểm soát theo từng giờ sản xuất trong ngành dệt may
Cũng nhờ áp dụng Lean, năng suất toàn hệ thống của Tổng Công ty May Nhà Bè - CTCP đã tăng hơn 20% và điều quan trọng hơn là tạo sự cộng hưởng thi đua trong sản xuất của các đơn vị. Năng suất, chất lượng của từng chuyền đã được ổn định và kiểm soát qua từng giờ sản xuất. Thu nhập của người lao động tăng lên đáng kể.
Đặc biệt từ khi áp dụng Lean, May Nhà Bè đã giảm giờ làm cho công nhân 1 giờ/ngày, được nghỉ chiều thứ 7 và tuyệt đối không phải làm ca, kíp, hàng lỗi giảm từ 20% còn 3%. Đại diện lãnh đạo Tổng công ty May Nhà Bè cho biết, áp dụng Lean đã giúp Tổng công ty tăng năng suất toàn hệ thống hơn 20%, các dây chuyền sản xuất ổn định, kiểm soát theo từng giờ sản xuất.
Là một trong những đơn vị hàng đầu trong ngành dệt may tại tỉnh Thanh Hóa, Công ty CP Tập đoàn Tiên Sơn Thanh Hóa (đóng trên địa bàn thị xã Bỉm Sơn) đã triển khai nhiều giải pháp hiệu quả nhằm nâng cao năng suất lao động và cải thiện chất lượng sản phẩm trong suốt thời gian qua. Một trong những giải pháp quan trọng nhất mà công ty áp dụng là đầu tư vào công nghệ hiện đại, với việc trang bị các máy dệt tự động và máy may công nghiệp tiên tiến. Điều này không chỉ giúp nâng cao năng suất, mà còn giảm thiểu tỷ lệ lỗi trong sản xuất, đảm bảo chất lượng sản phẩm tốt hơn. Việc sử dụng công nghệ tự động hóa cũng phần nào giúp công ty tiết kiệm thời gian và chi phí sản xuất.
Nhận thức rõ rằng con người là yếu tố quyết định trong quá trình sản xuất, công ty còn tổ chức nhiều chương trình đào tạo nâng cao tay nghề cho công nhân. Các khóa đào tạo không chỉ tập trung vào kỹ thuật dệt mà còn bao gồm quản lý sản xuất, an toàn lao động và kỹ năng mềm. Điều này không chỉ giúp nâng cao hiệu suất làm việc, mà còn tạo ra một đội ngũ lao động có chuyên môn cao, sẵn sàng đáp ứng các yêu cầu khắt khe của thị trường.
Theo ông Trịnh Xuân Lượng, Tổng Giám đốc Công ty CP Tập đoàn Tiên Sơn Thanh Hóa, cho biết: Để tối ưu hóa lợi nhuận ngay cả khi doanh thu không tăng, con đường duy nhất của doanh nghiệp là tăng năng suất lao động, giảm khâu trung gian và ký hợp đồng trực tiếp với nhãn hàng. doanh nghiệp có đủ nguồn lực có thể nâng cao năng suất từ 5 - 7% thông qua cải tiến kỹ thuật và đầu tư vào máy móc tự động, cũng như áp dụng công nghệ số để giảm lao động gián tiếp.
Khi đã có công nghệ tốt, doanh nghiệp có thể ký hợp đồng trực tiếp với đối tác ở Mỹ, châu Âu mà không cần trung gian. Đối với doanh nghiệp vừa và nhỏ, cần cải tiến quản trị, tổ chức sản xuất, đồng thời khuyến khích ý tưởng nâng cao năng suất. Ngoài ra, việc xây dựng liên kết giữa các doanh nghiệp để chia sẻ thông tin về thị trường cũng rất quan trọng trong bối cảnh đầy biến động như hiện nay.
Tại Tập đoàn Dệt May Việt Nam (Vinatex), công tác quản lý năng suất chất lượng tại các doanh nghiệp dệt may trong tập đoàn đã được nhiều đơn vị quan tâm đầu tư từ nhiều năm trở lại đây. Không ít doanh nghiệp trong ngành đã ý thức được việc nâng cao năng suất chất lượng sản phẩm là hoạt động tạo giá trị gia tăng cho doanh nghiệp chính vì vậy có rất nhiều hình thức được áp dụng. Theo ông Cao Hữu Hiếu - Tổng Giám đốc Vinatex cho biết, trước bối cảnh thị trường còn nhiều biến động, các doanh nghiệp trong hệ thống của Vinatex đã có nhiều cải thiện trong hoạt động sản xuất kinh doanh.
Để về đích năm 2024 với mục tiêu doanh thu hợp nhất đạt 17.900 tỷ đồng, bằng 101,63% so với năm 2023, lợi nhuận hợp nhất đạt 550 tỷ đồng, bằng 102,13% so với năm 2023, Vinatex đồng thời cho biết sẽ linh hoạt, sáng tạo thực hiện 5 nhiệm vụ trọng tâm là: Bám sát các định hướng phát triển của Tập đoàn trong trung và dài hạn; Thẳng thắn nhìn nhận vị thế trong chuỗi cung ứng; Minh bạch các khó khăn và cơ hội phát triển; Phân tích kỹ lưỡng thông tin thị trường và đối thủ cạnh tranh để chỉ đạo, điều hành; Đổi mới, sáng tạo và linh hoạt sản xuất để nắm bắt cơ hội và thích ứng thị trường.
Công ty may Việt Tiến là đơn vị áp dụng LEAN từ năm 2007 và thất bại, không dừng lại, sang năm 2008 Việt Tiến lại tiến hành áp dụng LEAN lần 2 và bắt đầu thành công. Kết quả do áp dụng LEAN mang lại rất khả quan cho đơn vị: tiền lương công nhân tăng, giảm hàng lỗi, tiết kiệm mặt bằng để đầu tư thêm dây chuyền sản xuất mới mà không phải xây dựng nhà xưởng… Việc áp dụng công nghệ sản xuất mới theo phương pháp công nghệ Lean từ năm 2008 đến hiện nay đã phát huy tác dụng làm cho năng suất lao động nâng cao rõ rệt, tăng bình quân 20% so với trước đây.
Năng suất tăng, tỷ lệ hàng lỗi giảm, chi phí sản xuất giảm, thu nhập người lao động tăng… là nhiều kết quả tích cực mà các doanh nghiệp dệt may đạt được sau khi triển khai thành công phương pháp sản xuất tinh gọn - Lean, nâng tầm thương hiệu, uy tín của doanh nghiệp trong hiện tại và tương lai.