Chiều 8/6, Đại biểu Trịnh Xuân An (Đồng Nai) chất vấn Thống đốc Nguyễn Thị Hồng về cơ chế cấp room tín dụng của Ngân hàng Nhà nước (NHNN).
Hiện nay, nhu cầu vay vốn của cá nhân và doanh nghiệp khá cao, nhất là trong bối cảnh ta đang triển khai gói hỗ trợ 2% của gói 40.000 tỷ đồng theo Nghị quyết 43 của Quốc hội, tuy nhiên, nhiều ngân hàng lại trong tình trạng hết room tín dụng. Ông đề nghị Thống đốc cho biết tính hợp lý của việc cấp hạn mức tín dụng hàng năm cho các ngân hàng thương mại.
Đại biểu đặt câu hỏi, cơ chế room tín dụng có phải can thiệp vào hoạt động của ngân hàng hay không và chất vấn khả năng nới room tín dụng trong thời gian sắp tới như thế nào?
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đánh giá, đây là một câu hỏi rất hay.
Lần đầu tiên, Quốc hội chất vấn việc phân bổ về hạn mức tín dụng cho các ngân hàng thương mại. Đây cũng là là nội dung mà hầu hết các tổ chức tín dụng giờ đang rất quan tâm.
“Việc cấp tín dụng bằng room và hạn mức rồi phân bổ hằng năm như vậy có mang tính hành chính hay không? Đảm bảo được công khai minh bạch như thế nào? Lộ trình bao giờ chúng ta bỏ được việc này? Quản lý theo rủi ro và theo năng lực của tổ chức tín dụng. Đây là vấn đề rất quan trọng. Đề nghị Thống đốc nghiên cứu kỹ để chúng ta trả lời thỏa đáng nội dung này”, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nhấn mạnh.
Trả lời chất vấn, Thống đốc Nguyễn Thị Hồng cho biết, tín dụng là một nội dung rất trọng tâm mà NHNN quan tâm trong điều hành.
Với đặc thù của nền kinh tế Việt Nam là vốn đầu tư dựa rất lớn vào nguồn vốn tín dụng của hệ thống ngân hàng. Hiện nay, dư nợ tín dụng trên GDP của Việt Nam đang ở mức là 124% và theo đánh giá của Ngân hàng Thế giới (WB), Việt Nam là nước có tỷ lệ cao, gần như trong số các nước cao nhất trên thế giới.
"Kinh tế phụ thuộc vào tín dụng ngân hàng, khi có biến động, sản xuất, kinh doanh gặp khó sẽ lập tức ảnh hưởng tới hệ thống ngân hàng. Ngân hàng mất khả năng chi trả sẽ gây hệ luỵ cho nền kinh tế.
Chính vì vậy, đặt ra kiểm soát tăng trưởng tín dụng là một vấn đề và trên thực tế NHNN đã áp dụng biện pháp này từ năm 2011 và thấy đây là một biện pháp rất hiệu quả trong tổ chức điều hành, chính vì vậy mới đưa thị trường tiền tệ tín dụng ổn định trở lại.
Trước đây, khi chưa cấp "room" này, nhiều ngân hàng tăng trưởng rất cao, tới 30%, cá biệt có năm tăng trưởng tín dụng toàn hệ thống tăng tới 53,8%, tạo ra cuộc đua lãi suất huy động tiền cho vay.
"Đây là giải pháp hiệu quả thời gian qua và hiện vẫn áp dụng khi hệ thống ngân hàng đang trong quá trình tái cơ cấu, tiếp cận chuẩn mực quốc tế", bà nói.
Thống đốc cũng mong mỏi, thị trường vốn phát triển đồng nghĩa với việc các doanh nghiệp có thể tiếp cận vốn vay trung, dài hạn trên thị trường này chỉ vay vốn ngắn hạn phục vụ cho vốn lưu động trong hoạt động sản xuất, kinh doanh từ hệ thống ngân hàng, khi đó rõ ràng áp lực đối với việc kiểm soát tăng trưởng tín dụng của NHNN sẽ bớt đi.
Về cách thức phân bổ room tín dụng cho các tổ chức tín dụng, Thống đốc cho biết được thực hiện theo nguyên tắc: tổ chức tín dụng có tình hình hoạt động an toàn, lành mạnh hơn sẽ được NHNN xem xét phân bổ chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng cao hơn. Qua đó, thúc đẩy tổ chức tín dụng nâng cao năng lực quản trị, điều hành, tăng cường chất lượng, hiệu quả hoạt động và các chỉ số an toàn hoạt động.
"NHNN cũng xem xét phân bổ tăng trưởng tín dụng dựa trên một số yếu tố khác như mặt bằng lãi suất huy động, cho vay, tỷ trọng đầu tư vào lĩnh vực bất động sản, lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn... đảm bảo thực hiện đúng chủ trương của Chính phủ và NHNN về tập trung tín dụng vào lĩnh vực sản xuất kinh doanh, kiểm soát chặt chẽ tín dụng vào lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro, tiếp tục giảm mặt bằng lãi suất cho vay”, Thống đốc Nguyễn Thị Hồng nói.