Từ khi dịch COVID-19 bùng phát đến nay, nó đã tác động không nhỏ đến nền kinh tế và ảnh hưởng đến mọi mặt đời sống xã hội và thị trường bất động sản cũng không phải ngoại lệ. Thị trường bất động sản đang trải qua giai đoạn thật sự khó khăn, nguồn cung sản phẩm hạn chế, dự án mới ngày càng ít và nhà đầu tư cũng đang dần mất kiên nhẫn, thiếu sự tự tin so với trước đây.
Báo cáo của Savills Việt Nam gần đây cho thấy, trong quý 3/2021, nguồn cung sơ cấp bất động sản nhà ở có khoảng 3.000 căn (ít nhất trong vòng 5 năm trở lại đây), giảm 18% theo quý và giảm 70% theo năm; trong đó có 11 dự án đang tạm ngưng bán, trong khi nguồn cung mới bị hạn chế và lượng hàng tồn kho thấp.
Nguồn cung mới đạt khoảng 350 căn đến từ một dự án mới và các giai đoạn tiếp theo của các dự án hiện hữu, giảm 78% theo quý và giảm 95% theo năm. Hạng C dẫn đầu nguồn cung mới với 87%.
Mặt khác, lượng giao dịch và tỷ lệ hấp thụ của quý 3/2021 ở mức thấp nhất trong vòng 5 năm qua. Tổng lượng giao dịch chỉ hơn 400 căn, giảm 70% theo quý và 94% theo năm; trong khi tỷ lệ hấp thụ đạt 14%, giảm 23 điểm phần trăm theo quý và 58 điểm phần trăm theo năm. Hạng C dẫn đầu lượng giao dịch với 81% tổng lượng giao dịch và tỷ lệ hấp thụ đạt 21%. Lượng giao dịch từ nguồn cung mới đạt 47% tổng lượng giao dịch và tỷ lệ hấp thụ đạt 55%.
Theo nhận định của các chuyên gia bất động sản, từ nay đến cuối năm và đầu năm 2022, thị trường bất động sản sẽ không có nhiều thay đổi lớn. Do đó, việc các nhà đầu tư "lướt sóng" sẽ khó khả thi, nhất là khi Việt Nam chưa hoàn toàn kiểm soát được dịch COVID-19 và còn những hạn chế trong mặt giao tiếp xã hội, cũng như các hoạt động kinh doanh.
TS Sử Ngọc Khương, Giám đốc cấp cao Savills Việt Nam cho biết, hiện nay bất động sản là một bộ phận của nền kinh tế Việt Nam, do đó sự phục hồi và phát triển của nền kinh tế Việt Nam là điều rất quan trọng. Nền kinh tế phục hồi thì khu vực bất động sản mới được có thể quay trở lại quỹ đạo.
Cũng theo ông Khương, đây đang là thời điểm của những tháng cuối năm, nên từ nay đến đầu năm 2022 thị trường sẽ không có nhiều thay đổi lớn nhất là về giá. Việc các nhà đầu tư thực hiện các giao dịch “lướt sóng” đẩy giá trong thị trường bất động sản thời gian tới cũng sẽ không khả thi. Đối với các nhà đầu tư cá nhân, nếu nhu cầu nhà ở là bức thiết và nguồn tiền mua nhà đã có sẵn từ trước và không phải sử dụng đòn bẩy kinh tế, đây là một cơ hội tốt để mua nhà. Đối với nhóm đầu tư lướt sóng hay nhóm đầu tư ngắn hạn thì đây chưa phải là thời điểm thích hợp.
Theo ông Võ Huỳnh Tuấn Kiệt, Giám đốc Bộ phận nhà ở CBRE Việt Nam, thị trường bất động sản đang rơi vào 2 luồng đối nghịch.
Đối với thị trường thứ cấp, do tình hình dịch bệnh nên có nhiều người muốn thanh khoản căn hộ đang sở hữu, tạo cơ hội để người mua nhà với giá thấp hơn so với thời gian trước từ 5 - 10%.
Đối với thị trường sơ cấp, giá căn hộ vẫn tăng trong suốt thời gian dịch bệnh vừa qua và cũng sẽ có xu hướng tăng tiếp tục trong thời gian tới, do chi phí đầu tư, nguyên vật liệu, lãi vay, chi phí tài chính… đều tăng được tính vào giá bán sản phẩm.
Hiện có rất nhiều ý kiến nghi ngại về việc nên hay không nên mua nhà vào lúc này. Theo Giám đốc Bộ phận nhà ở CBRE Việt Nam, nếu những ai thực sự có nhu cầu về nhà ở hoặc đầu tư dài hạn thì tốt hơn hết nên mua thời điểm hiện tại. Còn đầu tư “lướt sóng” trong giai đoạn này thì nhà đầu tư nên đứng ngoài cuộc và không nên tham gia thị trường.
Theo các chuyên gia, thị trường bất động sản hiện đang trải qua giai đoạn rất khó khăn nên việc nhiều nhà đầu tư cá nhân đầu tư vào thị trường nhà đất theo kiểu tay ngang, ít vốn có thể dẫn đến những rủi ro bởi những nhà đầu tư này phải sử dụng vốn vay, nếu không may nhập cuộc vào lúc thị trường đỉnh điểm của chu kỳ, mua xong thị trường đi xuống rất dễ rơi vào tình cảnh “lướt sóng” bất động sản bị “mắc cạn”, dẫn đến phải xả hàng chấp nhận thua lỗ.
Các chuyên gia cũng cho rằng, hiện lãi suất vay mua nhà giảm, bên cạnh việc nhiều chủ đầu tư đang đưa các chính sách, gói ưu đãi sản phẩm hợp lý. Đây cũng là cơ hội thuận lợi cho các nhà đầu tư lẫn khách hàng có nhu cầu sở hữu nhà ở. Thị trường khó khăn chính là cơ hội tốt cho các nhà đầu tư dài hạn, bởi họ luôn hướng đến khoản lợi nhuận từ 3-5 năm chứ không kỳ vọng lướt sóng tức thì.