Cotecland vừa thông báo ngày 2/12 là ngày giao dịch không hưởng quyền tham dự đại hội đồng cổ đông bất thường năm 2019. Theo đó, đại hội sẽ thông qua việc thay đổi người đại diện theo pháp luật; thông qua việc miễn nhiệm toàn bộ thành viên HĐQT cũng như BKS nhiệm kỳ 2015 - 2020 và bầu lại thành viên HĐQT, BKS nhiệm kỳ 2015 - 2020.
Từ khi lên sàn chứng khoán đến nay, cổ phiếu CLG của Cotecland khiến nhiều nhà đầu tư lỗ nặng khi giảm giá 86%. |
Cotecland được chuyển từ một bộ phận doanh nghiệp nhà nước là nhà máy Coterraz - Công ty Kỹ thuật Xây dựng và Vật liệu Xây dựng thuộc Tổng Công ty Vật liệu Xây dựng số 1.
Hiện nay, công ty có vốn điều lệ 211,5 tỷ đồng với các cổ đông lớn: CTCP Kỹ thuật Xây dựng và Vật liệu Xây dựng (Cotec) sở hữu 54,799%, ông Nguyễn Quốc Sĩ sở hữu 11,82% và PYN Elite Fund sở hữu 6,03%.
Ngày 19/11, cổ đông lớn là Cotec thông báo bán toàn bộ 11.590.000 cổ phiếu đang sở hữu tại Cotecland từ 25/11 - 24/12. Như vậy, sau khi “thay máu” cổ đông lớn là thay đổi toàn bộ HĐQT và BKS.
Trong vòng 1 tháng qua, cổ phiếu CLG của Cotecland được một số nhà đầu tư chú ý khi có 21 phiên tăng trần liên tiếp. Sau chuỗi tăng trần ấn tượng 339% thì ngày 19/11, CLG giảm sàn còn 5.460 đồng/cổ phiếu. Tuy nhiên ở mức giá này, CLG đã giảm 86% so với lúc cổ phiếu mới lên sàn vào cuối năm 2010 đã gây thiệt hại lớn cho nhiều nhà đầu tư.
Trong những năm gần đây, thị trường bất động sản bùng nổ nhưng kết quả kinh doanh của Cotecland khá èo uột. Bằng chứng là nhiều năm qua, lợi nhuận công ty chỉ vỏn vẹn vài tỷ đồng nên cổ tức là chuyện xa vời với cổ đông.
Trong 9 tháng đầu năm nay, công ty đạt doanh thu 35 tỷ đồng, giảm 83% so với cùng kỳ và báo lỗ đến 117 tỷ đồng, tương ứng lãi cơ bản trên mỗi cỗ phiếu là -5.521 đồng.
Nguyên nhân lỗ khủng là chi phí tài chính lên đến 159 tỷ đồng gồm 11 tỷ đồng lãi vay và 148 tỷ đồng chi phí tài chính khác, bên cạnh là chi phí dự phòng 48 tỷ đồng.
Cổ phiếu CLG nằm trong diện cảnh báo Hiện nay, cổ phiếu CLG bị Sở Giao dịch chứng khoán TP.HCM (HOSE) đưa vào diện cảnh báo do kiểm toán đưa ra ý kiến ngoại trừ. Kiểm toán của VietValues đã đưa ra ý kiến kiểm toán ngoại trừ: Khoản phải thu ngắn hạn của khách hàng và khoản phải trả người bán ngắn hạn tại ngày 31/12/2018 với số tiền lần lượt là 143,4 tỷ đồng và 55,9 tỷ đồng chưa được đối chiếu xác nhận. Kiểm toán viên chưa thu thập được bằng chứng kiểm toán thích hợp liên quan đến giá trị xây dựng dở dang của dự án CTCP Bệnh viên Đa khoa Đồng Nai trị giá 32,4 tỷ đồng tại hạng mục hàng tồn kho vào ngày 31/12/2018 để xác định liệu có điều chỉnh vào các khoản mục có liên quan trên báo cáo tình chính hay không. Không thu thập được đầy đủ, bằng chứng kiểm toán thích hợp về tính hiện hữu về hàng tồn kho 5,5 tỷ đồng của công ty con CTCP Đầu tư và Sản xuất Cotec Sài Gòn. Không thu thập được đầy đủ, bằng chứng kiểm toán thích hợp về tính hiện hữu, khả năng thu hồi của khoản tiền trả trước 11 tỷ đồng cho Doanh nghiệp tư nhân Đức Phát Đạt. Trước đó, Công ty TNHH Kiểm toán Vaco đã đưa ra ý kiến ngoại trừ trên báo cáo tài chính năm 2018. |
Trí Nguyễn