Chuyên gia lý giải nguyên nhân miền Bắc mưa xối xả kèm theo hàng nghìn cú sấm sét sáng 5/6

(CL&CS) - Cơn mưa lớn kèm sấm sét trên diện rộng diễn ra tại Hà Nội và miền Bắc vào sáng 5/6 được chuyên gia khí tượng nêu nguyên nhân do có rãnh áp thấp và không khí lạnh trái mùa và đồng thời nhận định tình hình thời tiết những ngày tới.

Sáng 5/6, xảy ra mưa lớn ở khu vực Hà Nội. Mưa lớn kèm theo hàng nghìn cú sấm sét dội xuống đất. Tại khu vực Hà Nội, sấm sét xuất hiện ở nhiều quận, huyện; trong đó khu vực Thường Tín, Phú Xuyên, Thanh Oai, Ứng Hòa xuất hiện sấm sét dày đặc.

Hình minh họa

Lý giải về hiện tượng này, ông Vũ Anh Tuấn, Phó trưởng phòng Dự báo thời tiết, Trung tâm Dự báo KTTV quốc gia (Tổng cục KTTV, Bộ Tài nguyên và Môi trường) cho biết: Nguyên nhân của đợt mưa này là do ảnh hưởng của rãnh áp thấp đi qua Bắc Bộ bị nén yếu bởi bộ phận không khí lạnh từ phía Bắc. Đây là nguyên nhân gây ra mưa đặc trưng tháng 5 và 6, mưa kèm theo nhiều dông, gây ra lốc sét và mưa đá.

Theo ông Vũ Anh Tuấn dự báo, trong thời gian tới, rãnh áp thấp đi qua Bắc Bộ vẫn còn tồn tại, tuy nhiên không khí lạnh phía Bắc suy yếu và rút dần ra phía Đông, mưa lớn sẽ không tập trung nhiều như đêm qua và sáng nay nữa. Lượng mưa sẽ giảm dần song cảnh báo dông lốc, sét, mưa đá đến hết ngày mai (6/6). Từ ngày 7 - 9/6, khả năng Bắc Bộ sẽ lại có mưa rào và dông, cục bộ có mưa vừa và mưa to.

Theo số liệu quan trắc sét từ mạng lưới định vị sét quốc gia, sáng 5/6, mưa lớn tại khu vực Hà Nội đã kèm theo hơn 7.000 lượt sét đánh xuống mặt đất. Cụ thể, từ 6 đến 9 giờ, đã có hơn 10.000 lượt sấm sét trong đó có 7.025 lượt sấm sét đánh xuống đất, cường độ sét từ 7 giờ 40 phút đến 8 giờ 50 phút là mạnh nhất.

Thông tin với báo chí, ông Nguyễn Đức Phương - Trưởng phòng Rada thời tiết, Trung tâm Mạng lưới KTTV quốc gia (thuộc Tổng cục KTTV, Bộ Tài nguyên và Môi trường) cho biết, hiện nay mạng lưới định vị sét của Việt Nam có 18 trạm định vị sét. Mạng lưới định vị sét này được kết nối với hệ thống định vị sét quốc tế. Mạng lưới định vị sét của nước ta hiện nay được thiết kế để phát hiện, định vị, phân tích, hiển thị, lưu trữ và phân phối số liệu theo thời gian thực các sự kiện sét trong mây và xuống mặt đất (CG) và trong mây (IC).

Với mạng lưới các đầu đo hiện tại thì khoảng cách mà các đầu đo có thể phát hiện được sét trong dải từ 400-600km. Như vậy ngoài khu vực đất liền của Việt Nam thì các trạm định vị sét có thể phát hiện cả sét trên biển và khu vực gần biên giới của các nước lân cận Việt Nam.

Về cách phòng tránh hiện tượng sét, chuyên gia khí tượng khuyến cáo không nên sử dụng điện thoại ngoài đồng, vì điện thoại là loại thu sóng có thể thu hút sét hay sử dụng kim loại cuốc, xẻng. Người dân không nên trú dông dưới những tán cây to mà nên trú gần những cột thu lôi. Trường hợp khẩn cấp nên nằm hoặc ngồi sát mặt đất khả năng bị ảnh hưởng bởi sét ít hơn so với đứng.