Ông Nguyễn Trí Hiếu - Chuyên gia tài chính ngân hàng cho biết, lãi suất trái phiếu Chính phủ nhiều khả năng sẽ tăng nhanh hơn trong thời gian tới để hỗ trợ giải quyết tình trạng giải ngân vốn đầu tư công còn chậm, cản trở tốc độ hồi phục của nền kinh tế.
Ngày 02/05, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 548/QĐ-TTg thành lập 6 tổ công tác tháo gỡ khó khăn, đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công. Tổ công tác có nhiệm vụ tổ chức rà soát, tổng hợp khó khăn, vướng mắc; phân tích nguyên nhân của những khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai thực hiện dự án đầu tư công, nhất là dự án sử dụng vốn ODA và vay ưu đãi của các nhà tài trợ nước ngoài tại các bộ, cơ quan trung ương và địa phương; kiến nghị các giải pháp nhằm thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công, nâng cao hiệu quả sử dụng vốn.
Hướng dẫn thực hiện thống nhất quy định của pháp luật về đầu tư công và các quy định có liên quan nhằm tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, thúc đẩy tiến độ thực hiện và giải ngân các dự án đầu tư công. Đánh giá việc chấp hành quy định về lập, phân bổ, giao kế hoạch đầu tư công vốn ngân sách nhà nước năm 2022 của các bộ, cơ quan trung ương và địa phương.
Do đó, khi tốc độ giải ngân đầu tư công chắc chắn sẽ lớn dần trong giai đoạn từ nay đến cuối năm thì diễn biến tăng lãi suất trái phiếu Chính phủ là điều không thể tránh.
Giao dịch TPCP trên thị trường sơ cấp-Nguồn MBS
Báo cáo của MBS cho thấy, trên thị trường sơ cấp KBNN phát hành thành công 11.000 tỷ đồng TP trong kỳ với lợi suất trúng thầu tăng mạnh. Trong nửa đầu tháng 8/2022, tình hình phát hành TPCP có phần cải thiện hơn so với tháng 7/0222, lượng phát hành thành công vẫn tập trung chủ yếu tại hai kỳ hạn chính 10 năm và 15 năm…
Trong số 14.000 tỷ đồng trái phiếu được chào bán, có 11.000 tỷ đồng được huy động, tỷ lệ 79%. Đến thời điểm hiện tại, KBNN mới phát hành được hơn 89 nghìn tỷ đồng TPCP, hiện chỉ đạt 22% kế hoạch năm 2022 là 400 nghìn tỷ đồng. Mức lợi suất trúng thầu của các trái phiếu tiếp tục tăng so với cuối tháng 7. Lợi suất kỳ hạn 10 năm và 15 năm lần lượt là 2,72%/năm và 3%/năm, tăng 14-17 điểm cơ bản so với cuối tháng 7/2022.
Với việc chưa có áp lực phát hành để tài trợ các dự án đầu tư công, lãi suất TPCP trên thị trường sơ cấp được điều chỉnh khá chậm và chưa đáp ứng được kỳ vọng của các nhà đầu tư khiến cho tỷ lệ trúng thầu của TPCP vẫn khá thấp. Để đạt kế hoạch huy động vốn qua kênh trái phiếu của KBNN, lợi suất trúng thầu cần được đẩy cao hơn nữa.
Trên thị trường thứ cấp thì lợi suất của TPCP thứ cấp đi ngang các kỳ hạn. Khối lượng giao dịch bình quân trên thị trường TPCP thứ cấp tăng 7% so với tháng 7/2022. Tính từ nửa đầu tháng 8, nhà đầu tư nước ngoài tiếp tục đà bán ròng 512 tỷ đồng TPCP. Cuối tháng 8, lợi suất kỳ hạn 10 năm đang ở mức 3,48%/năm, trong khi lợi suất kỳ hạn 2 năm tăng lên 2,95%/năm, cả hai kỳ hạn đều tăng 2 điểm cơ bản so với cuối tháng trước.
Tính từ đầu năm, lợi suất kỳ hạn 2 năm đã tăng 218 điểm cơ bản trong khi lợi suất kỳ hạn 10 năm cũng tăng 133 điểm cơ bản. Có thể nói, giao dịch trên thị trường TPCP thứ cấp có phần sôi nổi hơn khi khối lượng giao dịch trong kỳ bình quân ngày đạt 6,4 nghìn tỷ đồng, tăng 7% so với tháng trước.
Trong đó, giao dịch outright chiếm 40% khối lượng trong kỳ với 28 nghìn tỷ đồng. Bình quân giao dịch 2,5 nghìn tỷ đồng/ngày, giảm 34% so với bình quân tháng trước. Khối lượng giao dịch repos (mua bán lại) bình quân tăng 84% so với tháng 7, đạt 3,8 nghìn tỷ đồng/ngày. Khối ngoại bán ròng 512 tỷ đồng TPCP trong kỳ. Như vậy, tổng cộng, nhà đầu tư nước ngoài đã bán ròng tổng cộng 4.005 tỷ đồng TPCP trong năm 2022 và bán ròng 4.362 tỷ đồng TPCP trong 12 tháng gần nhất.