Chuyên gia dự báo lạm phát cuối năm thế nào?

(CL&CS) – Chuyên gia đánh giá, áp lực lạm phát đã được cảm nhận rõ hơn và sẽ tiếp tục kéo dài trong những tháng cuối năm.

Theo báo cáo của Bộ Tài chính, từ nay từ nay đến cuối năm còn nhiều áp lực lên mặt bằng giá, từ biến động phức tạp, khó lường của giá các mặt hàng chiến lược trên thị trường thế giới nhất là giá các mặt hàng năng lượng, lương thực, nguyên vật liệu cho sản xuất đến việc thực hiện lộ trình giá thị trường một số mặt hàng do Nhà nước quản lý; nguy cơ tiềm ẩn từ dịch bệnh, thiên tai, bão lụt…có thể gây khó khăn cho hoạt động sản xuất kinh doanh và chuỗi cung ứng hàng hóa dịch vụ.

Trong nửa cuối năm, khi các gói trong chương trình phục hồi của Chính phủ được triển khai quyết liệt, bên cạnh việc hỗ trợ nền kinh tế phục hồi tốt hơn thì ít nhiều cũng sẽ gây áp lực tới việc kiểm soát lạm phát do tổng cầu phục hồi tốt hơn, nhu cầu chi tiêu, du lịch của người dân tăng lên sau thời gian dài bị hạn chế bởi đại dịch COVID-19.

Tuy nhiên, theo nhận định của Bộ Tài chính, vẫn có những yếu tố giảm áp lực lên mặt bằng giá. Hiện nay, hầu hết các ngân hàng trung ương trên thế giới đều có những điều chỉnh chính sách, trong đó chú trọng thắt chặt chính sách tiền tệ để ưu tiên kiểm soát lạm phát.

Áp lực lạm phát đã được cảm nhận rõ hơn và sẽ tiếp tục kéo dài trong những tháng cuối năm.

Khi lạm phát ở các nước được kiểm soát, áp lực từ môi trường bên ngoài có thể giúp kiểm soát lạm phát trong nước, kỳ vọng lạm phát được neo giữ tốt hơn. Đồng thời, sự kiên định trong chủ trương ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát của Quốc hội và Chính phủ, sự quyết liệt trong chỉ đạo của Ban Chỉ đạo điều hành giá giúp củng cố niềm tin của doanh nghiệp và người dân.

Ngoài ra, nguồn cung các mặt hàng tiêu dùng, lương thực, thực phẩm trên thị trường hiện vẫn dồi dào cùng với các chính sách tài khóa đang và dự kiến triển khai cũng góp phần làm giảm áp lực lên mặt bằng giá.

Vừa qua, tại tọa đàm “Áp lực lạm phát năm 2022 và đề xuất chính sách”, Phó viện trưởng Viện nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (VEPR), Tiến sĩ Nguyễn Quốc Việt cũng cho biết lạm phát tại nhiều nền kinh tế đã tăng rất mạnh trong 8 tháng đầu năm 2022, sau hai năm liên tục 2020-2021 áp dụng các chính sách nới lỏng tài khóa – tiền tệ, kéo theo nhu cầu tiêu dùng, đầu tư tăng, trong khi nguồn cung ứng bị đứt gãy chưa hoàn toàn hồi phục.

Tại Việt Nam, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) bình quân 8 tháng năm 2022 tăng 2,58% so với cùng giai đoạn năm trước, cao hơn mức tăng 1,67% của bình quân 8 tháng năm 2021, nhưng thấp hơn mức tăng của bình quân 8 tháng giai đoạn 2018-2020.

Hiện, Việt Nam vẫn đang kiểm soát khá tốt tình hình và lạm phát vẫn chưa phải là vấn đề quá lớn. Nhưng áp lực lạm phát đã được cảm nhận rõ hơn và sẽ tiếp tục kéo dài trong những tháng cuối năm. Áp lực lạm phát dự báo có thể giảm bớt nếu giá dầu và giá lương thực thế giới giảm, tình trạng đứt gãy chuỗi cung ứng toàn cầu được cải thiện. Ước lạm phát trong nước năm 2022 sẽ trong khoảng 3,5-3,8%.

Xung đột Nga – Ukraine đã dẫn tới đứt gãy chuỗi cung ứng, lạm phát giá nhập khẩu năng lượng vẫn là rủi ro lớn nhất với việc kiểm soát lạm phát và giá cả hàng hóa của Việt Nam. Ngoài ra, chính sách “Zero Covid” và khủng hoảng thị trường bất động sản ngày càng sâu sắc tại Trung Quốc sẽ làm trầm trọng thêm vấn đề lạm phát toàn cầu.

Theo chuyên gia này, cả giai đoạn 2022-2023, triển vọng kinh tế toàn cầu có xu hướng xấu đi. Cụ thể, tăng trưởng GDP thực tế toàn cầu dự kiến sẽ trong khoảng 1,7-3,7% trong năm 2022 và khoảng 1,8-4,0% vào năm 2023. Lạm phát toàn cầu dự kiến khoảng 7,2-9,4% ở năm 2022 và khoảng 4,0-6,5% ở năm 2023.

Trong một báo cáo của VEPR cũng nhận định một số yếu tố gây khó khăn cho cơ quan quản lý trong việc kiềm chế lạm phát, gồm bất ổn địa – chính trị toàn cầu, việc thực thi chính sách tiền tệ thắt chặt, tăng lãi suất của một số quốc gia, gây khó khăn cho sản xuất và tiêu dùng, dẫn đến mất việc làm, giảm đầu tư và rơi vào vòng xoáy suy thoái kinh tế; giá xăng dầu, lương thực, thép, phân bón thế giới có dấu hiệu hạ nhiệt, nhưng khó dự báo; thiếu hụt, gián đoạn nguồn cung khiến chi phí sản xuất, vận tải toàn cầu gia tăng, qua đó tạo áp lực lên lạm phát, giá cả hàng hóa trong nước.

Để hạn chế tác động lạm phát, Tiến sĩ Nguyễn Quốc Việt kiến nghị các cơ quan quản lý kiên trì thực hiện các biện pháp ổn định kinh tế vĩ mô, ổn định giá cả, kiềm chế lạm phát. Đồng thời, chọn lọc chính sách hỗ trợ các nhóm sản xuất hoặc người lao động gặp khó khăn do giá cả nguyên liệu đầu vào tăng cao.

Đặc biệt chú trọng rà soát và thực hiện kịp thời các chính sách hỗ trợ cho các nhóm sản xuất và dịch vụ có tính đặc thù cao, phụ thuộc vào giá nguyên phụ liệu đầu vào hoặc chi phí logistics.

Bên cạnh đó, các cơ quan cũng cần hỗ trợ khu vực kinh tế tư nhân tiếp cận nguồn vốn và thị trường (cả cung và cầu – PV), cũng như tham gia sâu hơn vào chuỗi cung ứng. Bên cạnh đó, từng bước triển khai các nhóm giải pháp về chính sách, gồm cả chính sách về tài khoá và tiền tệ bị trì hoãn thời gian qua để tiếp tục hỗ trợ việc phục hồi kinh tế và phục hồi sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp.

Nếu dự báo cuối năm tình hình lạm phát có thể được kiềm chế tốt thì nên cân nhắc một số động thái nới lỏng hỗ trợ tăng trưởng như nới room tín dụng và đặc biệt triển khai gói hỗ trợ 2% lãi suất theo đúng nghị quyết của Chính phủ.

 

Tiến sĩ Cấn Văn Lực, Kinh tế trưởng của BIDV, cho rằng lạm phát vẫn chưa đạt đỉnh do lạm phát tại các nước vẫn ở mức cao và có một độ trễ nhất định về thời gian trước khi yếu tố này ảnh hưởng tới kinh tế Việt Nam. Ngoài ra, việc tính toán chỉ số của Việt Nam cũng có sự khác biệt so với nhiều nước.

Chính phủ cũng thực hiện bình ổn giá các mặt hàng gồm xăng, dầu, lương thực, thực phẩm, nhà ở, là những nhóm mặt hàng đóng góp 80-90% vào chỉ số lạm phát ở Việt Nam.

Dự báo kinh tế Việt Nam sẽ chịu áp lực lạm phát trong những tháng cuối năm 2022. Bước sang năm 2023, nền kinh tế sẽ đối mặt với nhiều thách thức hơn do tăng trưởng kinh tế thế giới chậm lại, tác động tới hoạt động xuất khẩu và đầu tư, lạm phát có thể tăng cao hơn, dự kiến nằm trong khoảng 4-4,5%.