Trong bối cảnh cách mạng công nghiệp 4.0 đang diễn ra mạnh mẽ, chuyển đổi số đã và đang trở thành xu hướng tất yếu, không chỉ để bắt kịp sự phát triển của công nghệ, mà còn là giải pháp chiến lược giúp doanh nghiệp nâng cao năng suất lao động và chất lượng sản phẩm – dịch vụ. Từ các tập đoàn lớn đến doanh nghiệp vừa và nhỏ, chuyển đổi số đang tạo ra những thay đổi đột phá trong phương thức vận hành, quản trị và cạnh tranh.
Chuyển đổi số (Digital Transformation) là quá trình tích hợp công nghệ kỹ thuật số vào tất cả các lĩnh vực của doanh nghiệp, thay đổi cách thức hoạt động, cung cấp giá trị cho khách hàng, đồng thời đòi hỏi sự thay đổi về văn hóa và tư duy lãnh đạo. Thay vì vận hành thủ công, phân mảnh, chuyển đổi số giúp doanh nghiệp hướng tới mô hình quản trị thông minh, dựa trên dữ liệu, tính kết nối và khả năng tự động hóa cao.
Chuyển đổi số – Yếu tố then chốt giúp doanh nghiệp nâng cao năng suất, chất lượng
Nhiều nghiên cứu cho thấy, doanh nghiệp áp dụng chuyển đổi số có thể tăng năng suất lao động lên đến 20–30%, rút ngắn chu kỳ sản xuất, giảm thiểu sai sót và nâng cao trải nghiệm khách hàng. Không chỉ dừng lại ở việc cắt giảm chi phí, chuyển đổi số còn mở ra những mô hình kinh doanh mới, nguồn doanh thu mới và khả năng mở rộng quy mô nhanh chóng.
Các yếu tố giúp doanh nghiệp nâng cao năng suất và chất lượng thông qua chuyển đổi số
Tự động hóa quy trình – Tối ưu nguồn lực: Việc áp dụng phần mềm ERP, RPA hay hệ thống quản lý thông minh giúp loại bỏ các công đoạn lặp đi lặp lại, giảm thiểu sự can thiệp thủ công. Chẳng hạn công ty cổ phần sữa việt nam (Vinamilk) đã đầu tư hệ thống quản lý sản xuất tự động MES, từ đó tối ưu hóa nguyên liệu đầu vào, giảm tỷ lệ hao hụt và nâng cao hiệu quả dây chuyền. Bên cạnh đó, Vinamilk còn áp dụng công nghệ IoT và AI trong quản lý chuỗi cung ứng, giúp giám sát và điều phối hoạt động từ nguyên liệu đầu vào đến sản phẩm cuối cùng, nâng cao chất lượng và khả năng phản ứng nhanh với biến động thị trường.
Phân tích dữ liệu – Ra quyết định chính xác: Nhờ ứng dụng Big Data và AI, các doanh nghiệp có thể nắm bắt nhu cầu thị trường, dự báo xu hướng tiêu dùng và theo dõi hiệu suất vận hành. Thế Giới Di Động là ví dụ điển hình khi sử dụng dữ liệu lớn để phân tích hành vi mua sắm và lên kế hoạch hàng tồn kho phù hợp từng địa phương, qua đó giảm chi phí tồn kho và tăng tốc độ xoay vòng vốn. Việc áp dụng phân tích dữ liệu giúp doanh nghiệp đưa ra quyết định nhanh chóng và chính xác hơn, từ đó nâng cao hiệu quả kinh doanh.
Cải thiện trải nghiệm khách hàng – Tăng giá trị dịch vụ: Thông qua nền tảng số và AI, doanh nghiệp có thể cá nhân hóa tương tác, phản hồi nhanh hơn và phục vụ khách hàng 24/7. Đơn cử tại Tập đoàn Công nghiệp – Viễn thông Quân đội (Viettel) đã triển khai hệ thống chăm sóc khách hàng đa kênh tích hợp chatbot, giúp xử lý hàng triệu yêu cầu mà không cần tăng nhân lực, đồng thời cải thiện đáng kể sự hài lòng của người dùng. Việc ứng dụng công nghệ trong chăm sóc khách hàng không chỉ giúp tiết kiệm chi phí mà còn nâng cao chất lượng dịch vụ, tạo sự trung thành từ khách hàng.
Tập đoàn Công nghiệp – Viễn thông Quân đội (Viettel) đã triển khai hệ thống chăm sóc khách hàng đa kênh tích hợp chatbot
Linh hoạt vận hành – Thích ứng với biến động: Chuyển đổi số giúp doanh nghiệp dễ dàng thích nghi với thay đổi môi trường như dịch bệnh, gián đoạn chuỗi cung ứng. Chẳng hạn như tại FPT Software đã cho phép hơn 20.000 nhân viên làm việc từ xa trên các nền tảng quản lý số mà không ảnh hưởng tới năng suất, đồng thời đẩy mạnh hợp tác toàn cầu. Việc áp dụng công nghệ trong quản lý và vận hành giúp doanh nghiệp duy trì hoạt động liên tục, giảm thiểu rủi ro và tăng khả năng cạnh tranh.
Giám sát và điều hành thông minh – Tăng kiểm soát chất lượng: Các hệ thống điều hành thông minh như SCADA, IoT hay Dashboard số giúp nhà quản lý giám sát theo thời gian thực, phát hiện và xử lý sự cố nhanh chóng. Ví dụ, Tổng công ty Điện lực miền Nam (EVNSPC) đã ứng dụng hệ thống SCADA/DMS giúp nâng cao độ tin cậy cung cấp điện, giảm thiểu thời gian mất điện và tăng hiệu quả vận hành. Việc ứng dụng công nghệ trong giám sát và điều hành giúp doanh nghiệp kiểm soát chất lượng sản phẩm và dịch vụ, từ đó nâng cao uy tín và lòng tin từ khách hàng.
Cải thiện chất lượng sản phẩm và dịch vụ
Chuyển đổi số không chỉ giúp doanh nghiệp sản xuất nhanh hơn, mà còn tạo điều kiện để nâng cao chất lượng sản phẩm thông qua việc các doanh nghiệp sử dụng AI, chẳng hạn như học máy và phân tích dự đoán, có thể giúp doanh nghiệp dự đoán và ngăn ngừa các vấn đề về chất lượng, tối ưu hóa quy trình và thúc đẩy cải tiến liên tục. Điều này có thể dẫn đến tiết kiệm chi phí đáng kể, cải thiện chất lượng sản phẩm và tăng sự hài lòng của khách hàng.
Sự phát triển của quản lý chất lượng phản ánh nhu cầu và kỳ vọng thay đổi của khách hàng, doanh nghiệp và thị trường nói chung.Khi chúng ta tiến xa hơn vào kỷ nguyên số, vai trò của AI và các công nghệ tiên tiến khác trong quản lý chất lượng sẽ trở nên quan trọng hơn nữa. Do đó, các doanh nghiệp cần nắm bắt những thay đổi này và đầu tư vào các năng lực số để duy trì khả năng cạnh tranh và thúc đẩy cải tiến chất lượng.
Chẳng hạn như tại Ngân hàng Techcombank Việt Nam đã đầu tư mạnh vào nền tảng ngân hàng số (mobile banking, internet banking) và áp dụng công nghệ AI để cá nhân hóa sản phẩm, dịch vụ. Sau khi áp dụng kết quả cho thấy có 90% giao dịch được thực hiện qua kênh số, tăng hiệu suất phục vụ khách hàng và giảm chi phí vận hành và dữ liệu khách hàng được phân tích sâu giúp phát triển sản phẩm phù hợp hơn với thị hiếu của khách hàng.
Công ty May 10 đã triển khai phần mềm quản lý sản xuất (MES – Manufacturing Execution System)
Ví dụ trong lĩnh vực sản xuất, tại công ty May 10 đã triển khai phần mềm quản lý sản xuất (MES – Manufacturing Execution System) và sử dụng phần mềm ERP để kết nối các bộ phận: thiết kế, sản xuất, kho và bán hàng. Sau một thời gian áp dụng, kết quả cho thấy về thời gian sản xuất giảm 15–20%, tỷ lệ hàng lỗi giảm rõ rệt nhờ kiểm soát chất lượng theo thời gian thực và năng suất lao động tăng hơn 25%.
Tuy nhiên, để chuyển đổi số thành công, doanh nghiệp cần thay đổi từ tư duy quản trị đến văn hóa tổ chức. Công nghệ chỉ là công cụ – điều quan trọng hơn là người lãnh đạo phải chủ động kiến tạo chiến lược, đầu tư đúng mức và thúc đẩy sự tham gia của toàn bộ nhân sự. Đồng thời, doanh nghiệp cần đào tạo lại kỹ năng số cho người lao động và xây dựng quy trình vận hành linh hoạt, minh bạch.
Như vậy, chuyển đổi số không đơn thuần là đầu tư công nghệ, mà là một chiến lược phát triển dài hạn, giúp doanh nghiệp nâng cao năng suất, chất lượng và khả năng cạnh tranh bền vững. Trong bối cảnh thị trường biến động và cạnh tranh ngày càng khốc liệt, doanh nghiệp nào nắm bắt và triển khai chuyển đổi số hiệu quả sẽ chiếm lợi thế dẫn đầu.