Chuyển đổi số góp phần nâng cao năng suất chất lượng ngành may

(CL&CS) - Tỉnh Thanh Hóa đã có nhiều nỗ lực ứng dụng công nghệ trong sản xuất, nhưng việc ứng dụng công nghệ vẫn là thách thức đối với các doanh nghiệp dệt may, bởi có tới 70% doanh nghiệp dệt may tỉnh Thanh Hóa là doanh nghiệp nhỏ và vừa

Theo thống kê của Hiệp hội dệt may tỉnh Thanh Hóa, toàn tỉnh hiện có hơn 280 nhà máy may đang hoạt động; trong đó có hơn 50% doanh nghiệp dệt may đã chủ động đầu tư hệ thống máy móc, thiết bị hiện đại, tự động hóa các khâu sản xuất.

Nhiều doanh nghiệp cũng đang ứng dụng các giải pháp số hóa trong quản trị như: sử dụng hệ thống chấm công tự động để quản lý nhân sự từ xa; ứng dụng các phần mềm kế toán, quản lý kho hàng, thực hiện giao dịch thương mại điện tử, ký kết trực tuyến với khách hàng… Qua đó, giúp doanh nghiệp tối ưu chi phí, tăng năng suất lao động, mở rộng thị trường.

Chuyển đổi số góp phần nâng cao năng suất chất lượng ngành may.

Điển hình, tại Công ty may Thiên Nam chi nhánh Thanh Hóa đã đưa vào hoạt động hai hệ thống chuyền treo từ đầu năm nay. Việc đưa vào vận hành hệ thống này giúp đơn vị giảm đáng kể số lượng nhân công, tăng năng suất lao động tới 20 - 30% so với chuyền may truyền thống.

Hệ thống chuyền treo giúp tiết kiệm thời gian vận chuyển, công nhân tập trung hơn vào việc may, nâng cao chất lượng thành phẩm. Ngoài ra, công nghệ mới trong ngành may hiện nay còn cho phép hệ thống máy may được số hóa hoàn toàn.

Ông Trịnh Xuân Lâm, Chủ tịch Hiệp hội dệt may tỉnh Thanh Hóa cho biết thêm: "Ngành dệt may tỉnh Thanh Hoá đang tích cực và bắt nhịp với chuyển đổi số. Bên cạnh đó, có những khó khăn như trình độ của các chủ doanh nghiệp, lao động còn hạn chế. Nếu không thay đổi, chuyển đổi số kịp thời thì sẽ bị tụt hậu".

Mặc dù các doanh nghiệp dệt may tỉnh Thanh Hóa đã có nhiều nỗ lực ứng dụng công nghệ trong sản xuất, nhưng việc ứng dụng công nghệ vẫn là thách thức đối với các doanh nghiệp dệt may, bởi có tới 70% doanh nghiệp dệt may tỉnh Thanh Hóa là doanh nghiệp nhỏ và vừa. Ngành dệt may là một trong những ngành chịu nhiều thách thức từ cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 do sử dụng nhiều lao động, hàng hóa chủ yếu xuất khẩu ra nước ngoài... Để chuyển đổi số đúng hướng, phù hợp, hiệu quả, các chuyên gia kinh tế cho rằng: tùy từng giai đoạn, doanh nghiệp dệt may cần xây dựng kế hoạch, giải pháp cụ thể, phù hợp để chuyển đổi số hiệu quả.

Các chuyên gia nhấn mạnh, năng suất chất lượng là một trong những công cụ cạnh tranh hiệu quả nhất của ngành dệt may. Hiện nay, các thương hiệu thời trang lớn trên thế giới cũng đang ưu tiên lựa chọn doanh nghiệp xanh hoặc yêu cầu nhà cung cấp áp dụng các biện pháp thực hành xanh, vì vậy doanh nghiệp Việt Nam cần áp dụng các tiêu chuẩn xanh nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh, bắt nhịp với xu thế của thời đại.

TIN LIÊN QUAN