Chứng khoán thêm một phiên giảm sâu, VN-Index mất 6,08%

(NTD) - Thị trường chứng khoán Việt Nam có một phiên giảm điểm sâu và các hợp đồng tương lai của chỉ số VN30 đều giảm sàn, trắng bên mua.

Trong ngày 23/3, chỉ số VN-Index từng rơi xuống mức 664,23 điểm, tương đương mức giảm kỷ lục 6,41% (giảm 45,5 điểm). Tuy nhiên, cuối phiên, VN-Index chỉ còn giảm 6,08% (giảm 43,14 điểm) về mốc 666,59 điểm. Đây là mức thấp trong vòng 3 năm trong lại đây.

Ngoại trừ, cổ phiếu EIB, NVL tăng điểm, MSN đứng ở giá tham chiếu thì có tới 27 cổ phiếu trong nhóm VN30 đóng cửa ở mức sàn và trắng bên mua. Chỉ số VN30 đã giảm 6,06% (giảm 40,84 điểm) về mức 632,86 điểm.

Các hợp đồng tương lai của chỉ số VN30 đều giảm sàn và trắng bên mua.

Các hợp đồng tương lai của chỉ số VN30 đều đồng loạt giảm sàn và trắng bên mua. Đây là lần thứ 2 các hợp đồng tương lai xuất hiện hiện tượng này. Lần thứ nhất xảy ra vào ngày 9/3, khi đó, chỉ số VN-Index giảm 6,28% còn VN30 giảm 6,35%.

Chỉ số HNX-Index chính thức mất mốc 100 điểm khi giảm 5,24%, tương đương 5,33 điểm và chỉ còn 96,46 điểm. Nguyên nhân chủ yếu từ việc cổ phiếu ACB - cổ phiếu có vốn hóa lớn - giảm sàn.

Các nhà đầu tư nước ngoài tiếp tục bán ròng với 1,6 triệu cổ phiếu, trị giá 378 tỷ đồng. Như vậy, nhóm này có đến 30 phiên bán ròng liên tiếp. Đây là một trong những nguyên nhân khiến thị trường chứng khoán Việt Nam giảm khá sâu trong thời gian từ sau Tết Nguyên đán đến nay.

Miễn giảm 1 số loại phí dịch vụ chứng khoán

Ngày 18/3/2020, Bộ Tài chính ban hành Thông tư 14/2020/TT-BTC về việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư 127/2018/TT-BTC quy định giá dịch vụ trong lĩnh vực chứng khoán áp dụng tại Sở Giao dịch Chứng khoán và Trung tâm lưu ký chứng khoán Việt Nam (VSD) nhằm hỗ trợ các tổ chức, cá nhân liên quan chịu ảnh hưởng do dịch Covid19.

Theo đó, Bộ Tài chính miễn hoàn toàn một số loại giá dịch vụ sau: Dịch vụ đăng ký niêm yết lần đầu và giá dịch vụ thay đổi đăng ký niêm yết đối với cổ phiếu, trái phiếu doanh nghiệp, chứng chỉ quỹ đầu tư, công cụ nợ và chứng quyền có bảo đảm; Dịch vụ kết nối trực tuyến lần đầu; Dịch vụ đăng ký chứng khoán lần đầu; Dịch vụ đăng ký chứng khoán bổ sung; Dịch vụ vay, cho vay chứng khoán qua hệ thống VSD; Đăng ký thành viên giao dịch chứng khoán phái sinh và đăng ký thành viên bù trừ.

Ngoài ra, Bộ Tài chính cũng giảm giá từ 10 - 50% đối với 9 dịch vụ: dịch vụ giao dịch trên thị trường cơ sở, thị trường phái sinh, dịch vụ lưu ký chứng khoán; giảm từ 15 - 20% đối với dịch vụ quản lý vị thế, quản lý tài sản ký quỹ trên thị trường chứng khoán phái sinh; giảm từ 30 - 50% đối với dịch vụ quản lý niêm yết chứng quyền có bảo đảm, dịch vụ thực hiện quyền, dịch vụ chuyển khoản chứng khoán và dịch vụ đấu giá, chào bán cạnh tranh.

Thông tư có hiệu lực từ ngày 19/3/2020 đến hết ngày 31/8/2020. Sau ngày 31/8/2020, mức giá của các dịch vụ nói trên thực hiện theo quy định cũ tại Thông tư 127/2018/TTBTC.

Thông tư là một nỗ lực lớn từ phía các cơ quan quản lý với mong muốn phát đi tín hiệu tích cực hỗ trợ thị trường chứng khoán trong giai đoạn hiện nay.

Nguyễn Như

Nên đọc