Chùa Đông Khê, nét văn hóa sâu lắng của mảnh đất xứ Đoài

(CL&CS) - Chùa Đông Khê tọa lạc giữa làng Đông Khê, xã Đan Phượng, huyện Đan Phượng, Hà Nội không chỉ là điểm sinh hoạt tín ngưỡng, tôn giáo mà còn là nơi giáo dục tính nhân văn, lòng nhân nghĩa cho người dân. Với lối kiến trúc mang đậm giá trị nghệ thuật cùng nhiều tượng cổ phản ánh dấu ấn lịch sử nhiều niên đại cho thấy chùa đang góp phần làm nên nét văn hoá đa dạng trầm tích vùng văn hoá xứ Đoài.

Từ kiến trúc nghệ thuật độc đáo qua nhiều triều đại...

Chùa Đông Khê là một trong những ngôi chùa có giá trị về kiến trúc - nghệ thuật, có niên đại khởi dựng từ thời Trần, được trùng san vào thời Lê, Nguyễn. Chùa bao gồm các hạng mục: Cổng, Tam bảo (Tiền đường, Thượng điện) và các hạng mục phụ trợ.

Chùa quay theo hướng Tây Nam, mang kiến trúc chữ Công, bao gồm các tòa Tiền đường và Thượng điện nằm ngang song song với nhau, nối giữa hai tòa này là ống muống (nhà ống).

Chùa quay theo hướng Tây Nam, mang kiến trúc chữ Công. Ảnh: K.H.

Toà Tiền đường có kiến trúc là một ngôi nhà 5 gian, 2 dĩ, 4 góc mái tạo đầu đao cong. Trên mái lợp ngói ri cổ, loại có mũi nổi tạo hình nửa bông hoa cúc mãn khai. Bốn mái xòe ra chiếm diện tích khoảng 2/3 độ cao của chùa. Để tạo ra bốn đao cong của mái cùng với các gian của Tiền đường, các nghệ nhân đã khéo léo, tài tình khi tạo sự liên kết của bốn kẻ xó (tại bốn góc) chạy thẳng qua trụ trốn của bộ vì hai gian chái rồi cắt lửng, đầu kia vươn ra đỡ âu tàu, tầu đao và lá mái uốn cong mềm mại. Có thể nói, với cách thức tạo tác và sự liên kết giữa các cấu kiện của các bộ vì Tiền đường chùa Đông Khê cho ta nhận định đây là sản phẩm của nghệ thuật thế kỉ XVIII - hiếm thấy trong các di tích của huyện Đan Phượng.

Hàng cột quân tiền vẫn giữ được hệ thống ván đố lụa ở hai gian hồi. Ba gian giữa lắp cửa gỗ dạng bức bàn, hai gian dĩ được làm hai cửa phụ dạng vòm hơi cong, nhỏ và thấp nhưng ngưỡng cửa lại làm rất cao giống như ở ba gian giữa với dụng ý khách hành hương vào chùa, bước qua ngưỡng cửa thì phải bỏ hết những uế tạp ở bên ngoài, chỉ có tâm trong sáng vào lễ Phật. Cửa thấp phải cúi đầu với dụng ý để khách tỏ lòng thành kính trước Tam Bảo.

Chùa Đông Khê hiện còn lưu giữ được tương đối đầy đủ các tượng Phật truyền thống của một ngôi chùa thờ Phật theo phái Đại thừa. Ở Thượng điện, ở vị trí cao nhất là bộ tượng Tam Thế gồm 3 pho có kích thước và tạo dáng tương tự nhau. Bộ tượng này có chiều cao 73cm được tạo tác trong tư thế ngồi âm dương lộ bàn chân phải trên đùi trái, tay kết định ấn đặt ngửa trên lòng đùi. Lớp thứ hai là bộ tượng Tam Thân gồm ba pho Quan âm, có chiều cao 78cm được tạo tác trong thế ngồi kiết già trên hoa sen, tay phải của tượng giơ cao, tay trái kết ấn để trong lòng đùi.

Hàng thứ ba là lớp tượng A di đà có phong cách nghệ thuật thế kỷ XVIII, dưới là tượng Di Lặc bên trái, Tuyết Sơn bên phải. Hàng thứ năm là lớp tượng Ngọc Hoàng, hai bên là tượng Thị giả có niên đại nghệ thuật thế kỷ XIX, trước tượng Ngọc Hoàng là tượng Phạm Thiên và Đế Thích. Hàng tiếp theo là tượng Quan Thế Âm, hai bên là Kim Đồng và Ngọc Nữ được tác trong tư thế quỳ dâng lễ. Lớp cuối cùng là bộ tượng Thích Ca Cửu Long, hai bên là Nam Tào, Bắc Đẩu.

Gian bên trái của Thượng điện có bài trí tượng Nguyên Phi Ỷ Lan - người có công dạy dân nghề trồng dâu nuôi tằm, dệt lụa Đông Khê nổi tiếng. Phía trước tượng Nguyên Phi là sự hiện diện của tượng Quan Âm Nam Hải trong tư thế ngồi thiền trên đài sen với 5 lớp cánh, trên có chạm nổi các chấm tròn dạng tràng hạt - nghệ thuật thế kỷ XVII. Tượng có 10 đôi cánh tay tỏa đều bên thân, hai đôi ở giữa kết ấn chuẩn đề, đôi còn lại úp lên nhau đặt trên lòng đùi. Tượng có niên đại nghệ thuật thế kỷ XVIII. Dưới đài sen là quỹ Ô Ba Nan Đà Long Vương “gồng mình” đội tượng, được tạo tác tương tự như đầu con rồng đang vươn mình vượt sóng nước.

Gian bên trái Thượng điện có dựng một động tượng với Quan Âm Phổ Đà Sơn ở vị trí trung tâm, xung quanh là các pho tượng nhỏ hiện thân cho các chư Phật. Phía trước là pho tượng Thần Nông được tạo tác trong tư thế một vị vua, ngồi trên long ngai.

Hai bên ống muống bài trí tượng Thổ Địa, Giám Trai, Thập Điện Diêm Vương có kích thước tương tự nhau. Đây là các pho tượng có niên đại nghệ thuật thế kỷ XIX.

Trên các ban thờ tại tiền đường còn bài trí tượng Đức Ông, Thánh Tăng, tượng Hộ Pháp Khuyến Thiện và Hộ Pháp Trừng Ác có kích thước khá lớn. Các pho tượng này có niên đại nghệ thuật thế kỉ XIX. Ngoài ra, hai bên góc tiền đường còn có các tượng Hậu được tạc dưới hình thức một vị Quan Âm.

... Đến vẫn lưu giữ được nhiều di vật quý giá

Ni sư Thích Đàm Chi, Trụ trì chùa Đông Khê giới thiệu: “Ngoài hệ thống tượng Phật nói trên, chùa Đông Khê hiện còn lưu giữ được nhiều di vật quý giá gồm những chất liệu và chủng loại khác nhau, nổi bật như: Một số hoành phi, câu đối gỗ sơn son thếp vàng có giá trị, chủ yếu nói về giáo lý nhà Phật. Một quả chuông lớn cao 103cm, đường kính miệng 79cm trên có khắc nổi tên chuông “Sùng nghiêm tự chung”, bài minh văn nói việc nhân dân hưng công tu sửa chùa và niên hiệu Cảnh Thịnh (đã bị tẩy, đoán định theo phong cách đúc chuông) cửu niên; một khánh đồng có ghi tên chữ của chùa “Sùng nghiêm tự” (tên chùa), niên hiệu Thiệu Trị…Đây là những dấu tích vật chất có giá trị nhiều mặt, minh chứng cho thấy chùa Đông Khê là một ngôi chùa đã được kiến tạo từ lâu đời”.

Quả chuông cổ, phía trên có khắc nổi tên chuông “Sùng nghiêm tự chung”. Ảnh: K.H.

Sau Cách mạng tháng 8/1945, khu vực đình, chùa được huyện Liên Bắc lúc đó mượn làm trường quân chính để đào tạo, bồi dưỡng cán bộ Việt Minh. Đây cũng là nơi diễn ra nhiều cuộc mít tinh diễn thuyết về phong trào ủng hộ kháng chiến. Khu vực chùa thời kỳ kháng chiến chống Pháp là nơi nuôi giấu cán bộ hoạt động bí mật, phía sau chùa còn dấu tích giao thông hào từ thời kháng chiến chống Pháp.

Ngày 17/7/2008, chùa Đông Khê đã được Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch xếp hạng di tích lịch sử cấp quốc gia tại Quyết định số 50/2008/QĐ-BVHTTDL.

Theo thời gian, các hạng mục Tam bảo đã bị xuống cấp trầm trọng. Đây chính là lý do, ngày 8/12/2022 Ủy ban nhân dân (UBND) huyện Đan Phượng đã có Tờ trình số 617/TTr-UBND gửi tới Sở Văn hoá Thể thao Hà Nội về việc thẩm định dự án tu bổ, tôn tạo di tích chùa Đông Khê. Tiếp đó, ngày 5/1/2023, UBND thành phố Hà Nội có Tờ trình số 04/TTr-UBND gửi tới Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch đề nghị chấp thuận dự án. Ngoài việc đề xuất các hạng mục cần tu bổ, tôn tạo; phương án phát huy giá trị di tích…

Ngày 18/1/2023, Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch chính thức có Văn bản số: 173/BVHTTDL-DSVH đồng ý với Tờ trình của UBND thành phố Hà Nội. Như vậy, Dự án tu bổ, tôn tạo di tích chùa Đông Khê được thực hiện trong giai đoạn 2022 - 2025.

Chính thức tháng 10/2024, Dự án tu bổ, tôn tạo di tích chùa Đông Khê được thực hiện. Dự kiến, hết quý I/2025 sẽ hoàn thành.

Với diện mạo tới đây, sau khi được tu bổ, tôn tạo, chùa Đông Khê không những phát huy được các giá trị lịch sử về văn hoá, tôn giáo mà còn là điểm đến tín ngưỡng của nhân dân trong vùng, du khách thập phương... góp phần bảo tồn các giá trị văn hóa, tín ngưỡng truyền thống, đồng thời phát huy thế mạnh về du lịch địa phương, một vùng quê vốn mang trong mình trầm tích văn hóa xứ Đoài từ ngàn xưa để lại.

TIN LIÊN QUAN