Chủ tịch VIB: Ngân hàng rất thận trọng khi “rót” vốn vào lĩnh vực nóng như bất động sản

(CL&CS) - Theo ông Đặng Khắc Vỹ, Chủ tịch VIB, ngân hàng cho vay bất động sản khoảng 3.800 tỷ đồng, rất nhỏ so với dự nợ ngân hàng. Nếu chọn doanh nghiệp bất động sản để cho vay, VIB sẽ chọn chủ yếu là các công ty nước ngoài hoạt động ở Việt Nam như Phú Mỹ Hưng.

Ngân hàng cho vay bất động sản khoảng 3.800 tỷ đồng, rất nhỏ so với dự nợ ngân hàng

Sáng ngày 15/3, Ngân hàng TMCP Quốc tế Việt Nam (mã: VIB) tiến hành ĐHĐCĐ thường niên 2023. Đây là ngân hàng đầu tiên tổ chức ĐHĐCĐ thường niên trong năm nay.

Tại đại hội, trả lời vấn đề “nóng” nhất mà cổ đông đặt ra liên quan đến lĩnh vực bất động sản, ông Đặng Khắc Vỹ, Chủ tịch Hội đồng quản trị (HĐQT) VIB cho biết, thời gian qua thị trường bất động sản khó khăn, nhiều tập đoàn mất thanh khoản. Năm 2022 đã rất khó khăn và 2023 sẽ còn rất khó khăn. 

Theo báo cáo của Credit Suisse và Moody, hoạt động VIB vẫn đang rất khả quan. Trái phiếu chỉ chiếm phần nhỏ trong tổng dư nợ, lại thuộc nhóm sản xuất kinh doanh và định chế tài chính. Chỉ có 3% trái phiếu và cho vay bất động sản - mức rất thấp trên thị trường.

“Ngân hàng cho vay bất động sản khoảng 3.800 tỷ đồng, rất nhỏ so với dự nợ ngân hàng. Nếu chọn doanh nghiệp bất động sản để cho vay, VIB sẽ chọn chủ yếu là các công ty nước ngoài hoạt động ở Việt Nam như Phú Mỹ Hưng”, ông Đặng Khắc Vỹ nhấn mạnh.

Cũng theo ông Vỹ thì VIB có 90% dư nợ bán lẻ, trong số đó có hơn 90% dư nợ bán lẻ có tài sản bảo đảm và 50% tài sản bảo đảm này là bất động sản. VIB đánh giá tài sản bảo đảm rất chặt chẽ từ đầu vào. Đối với các tài sản cho vay kinh doanh và sửa chữa nhà, nếu như thị trường bất động sản giảm đến 57% mới "bị thương", nếu chỉ giảm 30% thì vẫn hoàn toàn bình thường.

Chủ tịch Đặng Khắc Vỹ cũng cho hay, việc cho vay nhà ở của VIB khác với các ngân hàng khác, ngân hàng không cho vay các dự án đang triển khai, không cho vay condotel mà cho vay đúng nghĩa là cho vay tiêu dùng (có sổ hồng, sổ đỏ, mục đích sử dụng đa mục đích như một phần để kinh doanh, một phần để ở) nên rủi ro không có.

Trên cơ sở kết quả đạt được, HĐQT đề xuất chia cổ tức 2022 với tỷ lệ 35%, bao gồm 20% cổ tức bằng cổ phiếu và 15% cổ tức bằng tiền mặt. Về vấn đề này, Chủ tịch VIB cho biết: “Dư địa VIB có thể chia cổ tức 38% nhưng chúng tôi quyết định chỉ dừng và trình mức 35%, trong đó có 15% bằng tiền mặt. Ngày 3/3 vừa rồi, VIB đã ứng trước cổ tức bằng tiền mặt 10%. Nếu được cổ đông thông qua, VIB sẽ chia 5% còn lại trong 3-5 tháng tới”.

Cũng theo ông Vỹ, ngân hàng thường xuyên tham khảo các chính sách chia cổ tức của các ngân hàng ở nước ngoài và họ duy trì cổ tức tiền mặt khoảng 30-50%/năm.

“Chúng tôi sẽ cân nhắc để đảm bảo CAGR, nếu không có sự thay đổi chính sách từ cơ quan quản lý thì chúng ta có thể kỳ vọng cổ tức 2023 ở mức 30% trở lên tính trên lợi nhuận 2023”, ông Vỹ khẳng định. 

VIB dự kiến phát hành 421,5 triệu cổ phiếu thưởng cho cổ đông hiện hữu, tương đương tỷ lệ 20%, vốn điều lệ tăng thêm tối đa 4.215 tỷ đồng. Đồng thời, ngân hàng dự kiến phát hành tối đa 7,6 triệu cổ phiếu thưởng cho cán bộ nhân viên với tỷ lệ 0,36%, giúp vốn điều lệ tăng thêm tối đa 76 tỷ đồng.

Số cổ phiếu thưởng cho cổ đông hiện hữu không bị hạn chế chuyển nhượng. Cổ phiếu thưởng cho cán bộ nhân viên bị hạn chế chuyển nhượng 1 năm kể từ ngày kết thúc đợt phát hành.

Nguồn tăng vốn từ vốn chủ sở hữu, lợi nhuận sau trích lập các quỹ và phân phối lợi nhuận, có số dư tại 31/12/2022 đã được kiểm toán và phân bổ, có thể được sử dụng cho mục đích tăng vốn điều lệ. Nếu phát hành thành công, vốn điều lệ của VIB sẽ tăng từ gần 21.077 tỷ đồng lên 25.368 tỷ đồng.

Với số vốn điều lệ tăng thêm, VIB dự kiến dùng 4.091 tỷ đồng để cấp tín dụng và đầu tư tài sản thanh khoản, 100 tỷ đồng để đầu tư cơ sở vật chất, công nghệ và 100 tỷ đồng đầu tư nâng cấp mạng lưới chi nhánh.

Sau khi tăng vốn, Commenwealth Bank of Australia (CBA) vẫn là cổ đổng lớn của VIB, tỷ lệ sở hữu giảm từ 19,9% xuống còn 19,84%.

TIN LIÊN QUAN