Chủ tịch Hoa Sen Group: Thời điểm khó khăn nhất của Hoa Sen đã qua

(CL&CS) - Dự báo về năm 2023, Tập đoàn Hoa Sen nhận định vẫn còn nhiều khó khăn. Tuy nhiên, theo Chủ tịch công ty thì thời điểm khó khăn nhất đã qua, lượng hàng tồn kho giá cao đã xử lý xong.

Theo ông Vũ: "Chưa bao giờ, tình hình tài chính của chúng ta tốt như bây giờ. Đây là những điều kiện để chúng ta phát triển trong tương lai". Ảnh: HSG

Sáng ngày 10/3, CTCP Tập đoàn Hoa Sen (Hoa Sen Group - mã: HSG) đã tổ chức Đại hội đồng cổ đông (ĐHĐCĐ) thường niên niên độ tài chính 2022-2023 (1/10/2022-30/9/2023).

Thông qua các báo cáo tại hội nghị, Hội đồng Quản trị, Ban Tổng Giám đốc trình bày chi tiết cho ĐHĐCĐ về kết quả hoạt động của HSG trong NĐTC 2021-2022 vừa qua, đề xuất ĐHĐCĐ thông qua kế hoạch kinh doanh và một số định hướng hoạt động của HSG trong NĐTC 2022-2023 và giai đoạn sắp tới.

Dự báo về tình hình thị trường trong năm 2023, HSG nhận định xuất khẩu thép vẫn tiềm ẩn nhiều bất ổn, khó lường trong bối cảnh ngày càng nhiều thách thức về cạnh tranh và rào cản thương mại. Bên cạnh đó, việc cạnh tranh gay gắt tại thị trường nội địa, các chính sách thắt chặt tiền tệ, tăng lãi suất, tỷ giá leo thang có thể ảnh hưởng tiêu cực tới nhu cầu và hoạt động sản xuất kinh doanh của các đơn vị trong ngành. Tuy nhiên, xét ở góc độ nội tại, HSG vẫn đang duy trì sự ổn định về tình hình tài chính và tình hình sản xuất kinh doanh.

Trong NĐTC 2022 - 2023, bên cạnh việc duy trì hoạt động sản xuất kinh doanh truyền thống và tận dụng tối đa lợi thế kinh doanh các mặt hàng chủ lực, HSG sẽ tập trung phát triển chuỗi Siêu thị Vật liệu xây dựng & Nội thất Hoa Sen Home trên toàn quốc, tiếp tục đa dạng hóa mặt hàng kinh doanh trong lĩnh vực vật liệu xây dựng, nội thất.

ĐHĐCĐ đã thông qua hai phương án kế hoạch kinh doanh. Phương án một, doanh nghiệp lên kế hoạch doanh thu 34.000 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế 100 tỷ đồng, lần lượt thấp hơn 32% và 60% so với kết quả của niên độ trước. Trong khi đó, ở phương án hai, doanh nghiệp đặt mục tiêu doanh thu 36.000 tỷ đồng, giảm 28% so với cùng kỳ nhưng lợi nhuận sau thuế 300 tỷ đồng, cao hơn 20%.

Bên cạnh đó, tại Đại hội, ĐHĐCĐ đã thông qua phương án chi trả cổ tức của niên độ 2021 - 2022 bằng cổ phiếu với tỷ lệ tối đa 3%. Nguồn chi trả lấy từ lợi nhuận sau thuế chưa phân phối lũy kế đến ngày 30/9/2022 theo Báo cáo tài chính hợp nhất đã kiểm toán.

Đồng thời, doanh nghiệp cũng báo cáo cổ đông về lộ trình kế hoạch đưa CTCP Nhựa Hoa Sen lên sàn chứng khoán. Cụ thể, năm 2023 sẽ chuẩn bị các điều kiện cần thiết, nếu thích hợp sẽ tiến hành IPO trong giai đoạn 2024-2026.

CTCP Nhựa Hoa Sen vốn điều lệ 300 tỷ đồng, thành lập 28/4/2022 và đến tháng 7/2022, Hoa Sen Group đã chuyển giao hoàn toàn mảng kinh doanh nhựa cho đơn vị này. Hiện, công ty có ba nhà máy hoạt động tại ba miền với công suất 80.000 tấn/năm.

Đối với Hoa Sen Home, giai đoạn 2022 - 2024 sẽ tập trung mở rộng hệ thống. Sau đó, 2024 - 2026 sẽ nghiên cứu lộ trình để thành lập CTCP Hoa Sen Home và chuyển giao mảng phân phối vật liệu xây dựng, nội thất cho công ty này sau khi được thành lập.

Chủ tịch Hoa Sen Lê Phước Vũ chia sẻ, trong 4 tháng từ tháng 10/2022-1/2023, Hoa Sen lỗ hơn 800 tỷ đồng, trong đó riêng tháng 1/2023 lỗ hơn 100 tỷ đồng. Tuy nhiên, Hoa Sen đã bắt đầu có lãi trở lại trong tháng 2/2023, với ước tính lợi nhuận ròng khoảng 50 tỷ đồng. Tháng 3/2023, Hoa Sen dự báo có lợi nhuận trên dưới 100 tỷ đồng.

"Thời điểm khó khăn nhất của Hoa Sen đã qua", ông Vũ nhận định. "Lượng hàng tồn kho giá cao đã xử lý xong".

Tình hình thị trường năm nay vẫn sẽ khó khăn. Hàng tồn kho công ty đủ dùng đến tháng 5, kỳ vọng tháng 3 tới tháng 5 có lời để bù lỗ cho 4 tháng đầu năm. Năm nay, nếu lãi 1 tỷ đồng đã là thành công mà lãi 100 - 300 tỷ đồng thì đáng khen thưởng cho Ban Giám đốc.

Điểm tích cực là công ty có tình hình tài chính lành mạnh, hệ số nợ trên vốn chủ sở hữu khoảng 0,3-0,4 lần so với trung bình 2 lần của ngành. Nợ trung - dài hạn của công ty bằng không và hệ thống 10 nhà máy là vốn đầu tư tự có.

Công ty vay nợ khoảng 3.000 tỷ đồng nhưng hàng tồn kho còn khoảng 8.000 tỷ đồng, như vậy 5.000 tỷ là tiền mặt nếu "quả đất có vấn đề" thì vẫn yên tâm Hoa Sen không bao giờ phá sản.

Theo ông Vũ: "Chưa bao giờ, tình hình tài chính của chúng ta tốt như bây giờ. Đây là những điều kiện để chúng ta phát triển trong tương lai".

Hoa Sen đã tạo được nhu cầu từ thương hiệu, giá tôn bán cao hơn đối thủ khác 10% và lợi nhuận biên xuất khẩu cao hơn đối thủ 3-5%, mà chi phí tài chính, khấu hao lại thấp nhất.

Khoảng 4 năm nữa chi chí khấu hao về không nhưng các nhà máy vẫn có thể hoạt động thêm 20-30 năm nữa. Khi đó, các nhà máy vẫn sẽ "in tiền" mà chỉ tốn chi phí, bảo trì, bảo dưỡng vốn chiếm phần nhỏ trong giá thành.

Bên cạnh đó công ty có chiến lược đầu tư đội ngũ thích hợp và đã ứng dụng công nghệ vào điều hành quản lý.

Thời gian tới, HSG sẽ tiếp tục triển khai kế hoạch tái cấu trúc, chuyển đổi mô hình quản trị của Tập đoàn theo hướng tách các mảng sản xuất kinh doanh thép; sản xuất kinh doanh nhựa; thành lập CTCP Hoa Sen Home để tiếp nhận toàn bộ hoạt động kinh doanh của mảng phân phối, bán lẻ và chuỗi siêu thị vật liệu xây dựng và nội thất Hoa Sen Home để chuyên môn hóa từng lĩnh vực kinh doanh riêng biệt, tối ưu hóa hiệu quả hoạt động.

TIN LIÊN QUAN