Chợ truyền thống mất thị phần vào tay siêu thị

(NTD) – Thói quen đi chợ của người dân dần thay đổi, thay vào đó họ thường mua sắm vào dịp cuối tuần ở các trung tâm thương mại lớn.

Cạnh tranh nhau bằng giá cả và thế mạnh của siêu thị

Theo ý kiến đánh giá của phần lớn người tiêu dùng, đối với mỗi loại hình đều có những ưu điểm khác nhau, khách hàng tùy theo nhu cầu mà chọn lựa nơi gửi gắm “hầu bao” của mình.

Chợ và siêu thị cạnh tranh nhau khốc liệt và có vẻ siêu thị đang giữ lợi thế

Chợ truyền thống với ưu điểm là di chuyển thuận lợi, khách hàng và tiểu thương dễ dàng mặc cả về giá, giá cả tại chợ có thể mềm hơn khoảng 10%. Tuy nhiên, một số trường hợp người tiêu dùng cũng phải gánh chịu những rủi ro về sản phẩm kém chất lượng, hàng hóa không rõ nguồn gốc xuất xứ, bị cân thiếu. Siêu thị lại tận dụng được các điểm yếu này của chợ truyền thống, khi đến siêu thị, người tiêu dùng được chăm sóc, tư vấn, cung cấp sản phẩm chất lượng hơn dù giá cả phần nhiều cao hơn thị trường bên ngoài đôi chút.

Sự khác biệt đối với chợ truyền thống và siêu thị là người tiêu dùng sẽ được đón nhận những sản phẩm chất lượng của đơn vị. Hàng hóa trong siêu thị có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng, lại đảm bảo về chất lượng. Hơn nữa, do kiểm soát được nhu cầu khách hàng nên giá cả thường ít thay đổi. Ngoài ra, khi người tiêu dùng đến với siêu thị, khách hàng sẽ được nhận thêm những hậu mãi mà các nhà sản xuất, tham gia chương trình làm thẻ tích lũy điểm để hưởng thêm chiết khấu phần trăm trên từng hóa đơn hàng.

Lợi thế của siêu thị là cách mua sắm hiện đại và an toàn

Trước đây, sự đối lập giữa chợ truyền thống và siêu thị không diễn ra quá lớn do chỉ có một số hệ thống siêu thị lâu đời như Fivimart. Tuy nhiên, sự xuất hiện thành viên mới như Big C, Vinmart, Coop Mart,… và các siêu thị nhỏ lẻ mọc lên như nấm khiến chợ truyền thống yếu thế hẳn.

Đối với chợ truyền thống, lượng khách đang giảm đi rõ rệt. Chị Lan - tiểu thương mua bán rau củ tại chợ Hà Đông cho hay: “Trước đây, sản phẩm rau củ bán rất chạy, nhất là vào thứ 7, chủ nhật nhưng từ khi có sự góp mặt của siêu thị mới, lượng khách mua của chúng tôi giảm hẳn, hiện lượng hàng bán ra giảm khá nhiều”. Chợ truyền thống có một lượng khách hàng quen biết là người tiêu dùng đã gắn thói quen của mình vào với chợ dân sinh. Thích sự tiện lợi hoặc người tiêu dùng tiện đường thì dừng lại mua bán. Chứ so sánh về mặt tổng thể quả thực là khó cạnh tranh được với các siêu thị lớn.

Thay đổi để cạnh tranh

Trước sự canh tranh giữa các đối tượng siêu thị và chợ truyền thống, giữa siêu thị và siêu thị, các bên đã tự định hướng cho mình những kế hoạch nhất định để thu hút người tiêu dùng đến với mình. Nếu trước đây ở chợ truyền thống, tiểu thương ít quan tâm đến khâu chăm sóc khách hàng, giá cả khác nhau dẫn đến nhiều trường hợp người tiêu dùng bị hớ, thì sự góp mặt của siêu thị đã khiến họ có cái nhìn khác hơn trong việc mua bán.

Chủ một sạp rau củ chợ đầu mối Dịch Vọng chia sẻ: “Với sức ép từ siêu thị, chúng tôi thay đổi cách phục vụ khách hàng bằng sự niềm nở, bán giá phải chăng, cung ứng những sản phẩm chất lượng để mong đáp ứng nhu cầu khách hàng. Thậm chí còn khuyến mại thêm cho khách ớt, rau thơm hay quả chanh khi khách vào mua hàng”. Việc cạnh tranh là không tránh khỏi, tuy nhiên, các bên đều biết khai thác lợi thế của mình, khắc phục những yếu điểm nhằm cung cấp sản phẩm, giá tốt nhất cho người tiêu dùng.

Thông tin thêm về kinh doanh độc giả có thể đọc tại đây.

Cao Phong

Nên đọc