Chế biến, bao gói thanh long đông lạnh tuân theo Tiêu chuẩn quốc gia TCVN 13939:2023

(CL&CS) - Tiêu chuẩn quốc gia TCVN 13939:2023 được ban hành nhằm hướng dẫn việc chế biến, đóng gói và vận chuyển hay bảo quản thanh long đông lạnh đảm bảo quy trình an toàn, chất lượng.

Được biết thanh long là loại trái cây chủ lực trong lĩnh vực sản xuất xuất khẩu tại nước ta, với diện tích canh tác lên đến hơn 60.000 ha. Thanh long chiếm tỷ trọng chủ yếu trong tổng kim ngạch xuất khẩu nông sản, hơn 30% tỷ phần giá trị xuất khẩu.

Theo số liệu thống kê nửa năm đầu 2023 thì có đến 80 – 85% sản lượng thanh long được cung cấp ra thị trường quốc tế, còn tiêu thụ trong nước sẽ dao động từ 15 – 20%. Thị trường xuất khẩu thanh long đứng đầu của nước ta là Trung Quốc, sau đó là Singapore, Hồng Kông và Indonesia. Gần đây, chúng ta đã mở rộng tầm nhìn của mình đến những thị trường mới, những thị trường đầy khó tính như Nhật Bản, Hàn Quốc, Liên Minh Châu Âu, Hoa Kỳ và Úc, nơi tiềm ẩn nhiều cơ hội phát triển đầy hứa hẹn.

Tuy nhiên trong bối cảnh các Hiệp định Thương mại tự do (FTA) thế hệ mới như CPTPP, EVFTA, UKVFTA, RCEP đã ký kết thực thi; các quốc gia nhập khẩu đưa ra quy định ngày càng chặt chẽ về an toàn thực phẩm và kiểm dịch động thực vật; rủi ro thiên tai và dịch bệnh động thực vật kéo theo hoạt động xuất khẩu các mặt hàng nông sản nói chung, thanh long nói riêng nhất là sản phẩm thanh long đông lạnh xuất khẩu càng gặp nhiều rủi ro và thách thức rất lớn.

Do đó để trái thanh long chiếm lĩnh tốt thị trường nước ngoài, ngoài việc bảo đảm chất lượng sản phẩm sau thời gian dài vận chuyển thì doanh nghiệp chế biến, xuất khẩu phải bảo quản, đóng gói tuân thủ theo hướng dẫn tại Tiêu chuẩn quốc gia TCVN 13939:2023 do Cục Chất lượng, Chế biến và Phát triển thị trường biên soạn, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đề nghị, Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng thẩm định, Bộ Khoa học và Công nghệ công bố.

Quy cách chế biến, đóng gói, bảo quản thanh long đông lạnh nên tuân theo Tiêu chuẩn để đảm bảo chất lượng. Ảnh minh họa

Tiêu chuẩn này áp dụng cho các sản phẩm thanh long đông lạnh, được sử dụng trực tiếp hoặc để chế biến tiếp theo. Theo đó Tiêu chuẩn này hướng dẫn sản phẩm được chế biến từ ruột quả thanh long phải tươi, đạt độ chín thích hợp cho sơ chế, chế biến, được cấp đông, đóng gói trong bao bì thích hợp và duy trì ở điều kiện nhiệt độ không lớn hơn -18 °C. Một số dạng sản phẩm thanh long đông lạnh (đã tách vỏ) bao gồm: nguyên quả, nửa quả, dạng cắt miếng, dạng viên (hạt lựu), puree quả và các dạng thích hợp khác.

Tất cả chất ngoại lai (chất hữu cơ và vô cơ) không có nguồn gốc từ quả thanh long bị lẫn trong sản phẩm, có thể nhìn thấy bằng mắt thường. Để sản phẩm ở điều kiện nhiệt độ được kiểm soát cho đến khi sản phẩm không còn các tinh thể đá để có thể dễ dàng tách và thao tác với các đơn vị sản phẩm riêng lẻ.

Yêu cầu về nguyên liệu cơ bản thanh long quả tươi phải thích hợp để chế biến thực phẩm và đáp ứng các yêu cầu về an toàn thực phẩm theo các quy định.

Các chỉ tiêu cảm quan đối với sản phẩm thanh long đông lạnh phải có màu sắc và trạng thái đặc trưng; Dạng quả và tách vỏ không bị sót vỏ quả, giữ được hình dạng ban đầu của quả. Dạng nửa quả không bị sót vỏ; Dạng cắt miếng phải đồng đều không bị sót vỏ; Dạng viên phải đồng đều, số viên còn dính vỏ quả với kích thước nhỏ hơn 1cm. Số viên còn dính vỏ quả với kích thước nhỏ hơn 1 cm hoặc ít hơn 2 viên trên mỗi kilogam sản phẩm.

Đối với sản phẩm dạng viên đông lạnh rời thì tổng các viên bi kết tảng (mỗi tảng nhiều hơn ba viên) không lớn hơn 7% (phần khối lượng) và phải có mùi đặc trưng, không có mùi lạ, không được có tạp chất.

Các chỉ tiêu lý hóa về hàm lượng chất rắn hòa tan của sản phẩm sau khi rã đông không nhỏ hơn 10% đối với thanh long ruột trắng đông lạnh còn thanh long ruột đỏ, ruột tím hồng đông lạnh không nhỏ hơn 11%. Độ pH từ 3,5-5,0 và từ 4,0 đến 5,5%.

Sản phẩm quy định trong tiêu chuẩn này phải tuân thủ quy định hiện hành về phụ gia thực phẩm, giới hạn tối đa về hàm lượng kim loại nặng cho phép và giới hạn vi sinh vật.

Sản phẩm thanh long đông lạnh phải được đóng gói trong bao bì kín khí và không thấm nước để đảm bảo tính chất cảm quan và các đặc tính chất lượng đặc trưng khác của sản phẩm. Vật liệu bao gói phải đảm bảo an toàn thực phẩm theo quy định đối với vật liệu, bao bì tiếp xúc trực tiếp với thực phẩm.

Tiêu chuẩn cũng hướng dẫn việc ghi nhãn sản phẩm theo TCVN 7087 (Codex Stan 1) và các quy định hiện hành. Tên sản phẩm có thể là “Thanh long đông lạnh”, “Thanh long ruột trắng đông lạnh”, “Thanh long ruột đỏ đông lạnh”, “Thanh long cắt miếng đông lạnh”, “Puree thanh long đông lạnh” hoặc tên gọi thích hợp khác. Tên sản phẩm cần mô tả đúng bản chất của sản phẩm mà không lừa dối hoặc gây nhầm lẫn cho người tiêu dùng.

Thông tin đối với các vật chứa sản phẩm không dùng để bán lẻ có thể được ghi trên nhãn hoặc trong các tài liệu kèm theo. Riêng tên sản phẩm, mã định danh lô hàng, tên và địa chỉ của nhà sản xuất hoặc nhà đóng gói, nhà phân phối hoặc nhà nhập khẩu, cũng như hướng dẫn bảo quản phải được ghi trên nhãn. Tuy nhiên, mã định danh lô hàng, tên và địa chỉ nhà sản xuất hoặc nhà đóng gói, nhà phân phối hoặc nhà nhập khẩu có thể thay bằng dấu hiệu nhận biết, với điều kiện là dấu hiệu đó có thể dễ dàng nhận biết cùng với các tài liệu kèm theo lô hàng.

Khi bảo quản sản phẩm trong điều kiện đảm bảo vệ sinh, không có mùi lạ, nhiệt độ bảo quản không lớn hơn -18°C và độ ẩm tương đối của không khí thích hợp, duy trì được chất lượng sản phẩm và đảm bảo an toàn thực phẩm. Đặc biệt trong quá trình vận chuyển thì phương tiện vận chuyển sản phẩm phải sạch, không có mùi lạ, trong điều kiện nhiệt độ và độ ẩm tương đối của không khí thích hợp. Không vận chuyển sản phẩm lẫn với các loại hàng hóa khác có thể ảnh hưởng đến chất lượng và an toàn thực phẩm của sản phẩm.

TIN LIÊN QUAN