Cà Mau: Áp dụng công nghệ tiên tiến để nâng cao năng suất, sản lượng, chất lượng và sức cạnh tranh của sản phẩm tôm

(CL&CS) - Theo phương án trên, Cà Mau dự kiến tổng nguồn vốn đầu tư cho phát triển tôm đến năm 2030 của tỉnh là khoảng 20.000 tỷ đồng (vốn ngân sách đạt 4.050 tỷ đồng, vốn từ các thành phần kinh tế khác đạt 15.950 tỷ đồng). Trong đó, giai đoạn 2021 – 2025, vốn đầu tư là 11.670 tỷ đồng; giai đoạn 2026 – 2030 là 8.330 tỷ đồng.

Tỉnh Cà Mau vừa có quyết định số 1026/QĐ-UBND phê duyệt Phương án phát triển ngành tôm tỉnh Cà Mau thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Theo đó, đến năm 2025, tổng diện tích nuôi tôm nước lợ của Cà Mau đạt 280.000 ha; diện tích nuôi tôm càng xanh đạt 20.000 ha. Tỉnh Cà Mau cũng đặt mục tiêu sản xuất tôm giống đảm bảo chất lượng đáp ứng trên 70% nhu cầu nuôi của tỉnh, sản xuất thức ăn trong tỉnh đáp ứng đủ nhu cầu và sản xuất các loại vật tư khác đáp ứng 30% nhu cầu. Tổng sản lượng tôm đạt 280.000 tấn, trong đó tôm càng xanh đạt 8.000 tấn.

Đến năm 2025, Cà Mau phấn đấu đạt 1,4 tỷ USD kim ngạch từ xuất khẩu tôm (hình minh họa)

Đến năm 2030, tổng diện tích nuôi tôm nước lợ của Cà Mau ở mức 280.000 ha, diện tích nuôi tôm càng xanh 20.000 ha. Sản xuất tôm giống đảm bảo chất lượng đáp ứng trên 80% nhu cầu nuôi của tỉnh; sản xuất thức ăn đáp ứng đủ nhu cầu và sản xuất các loại vật tư khác đáp ứng 40% nhu cầu.

Tổng sản xuất lượng tôm nuôi đạt 350.000 tấn, trong đó tôm càng xanh đạt 10.000 tấn. Giá trị kim ngạch xuất khẩu đạt 1,65 tỷ USD.

Tầm nhìn đến năm 2050, tỉnh Cà Mau đặt mục tiêu ngành tôm của tỉnh phát triển bền vững, năng suất, chất lượng cao, có thương hiệu uy tín trên thị trường trong, ngoài nước. Sản xuất được kiểm soát chặt chẽ ở tất cả các khâu trong toàn chuỗi, 100% sản phẩm từ tôm nuôi, truy xuất được nguồn gốc xuất xứ. Cơ sở hạ tầng vùng nuôi tôm tập trung được đầu tư đồng bộ, hiện đại.

Ngành tôm tỉnh Cà Mau tiếp tục là ngành sản xuất chính để tạo sản phẩm, giá trị, kim ngạch xuất khẩu trong ngành thủy sản, là trung tâm chế biến tôm của thế giới và trong nước với kim ngạch xuất khẩu trên 6 tỷ USD/năm.

Đến 2030 tỉnh Cà Mau có 5 vùng nuôi tôm siêu thâm canh do doanh nghiệp đầu tư

Về phương hướng phát triển, theo phương án của UBND tỉnh, TP Cà Mau sẽ phát triển 4 khu nuôi tôm siêu thâm canh tập trung với diện tích 450 ha; huyện Đầm Dơi phát triển 2 khu với diện tích 181 ha.

Tại huyện Năm Căn, phát triển tôm nuôi siêu thâm canh tập trung với khoảng 2.000 ha (chủ yếu tại vùng nuôi tôm siêu thâm canh trong Khu Kinh tế Năm Căn). Trong đó, Cà Màu đặt mục tiêu thu hút doanh nghiệp đầu tư thí điểm nuôi tôm siêu thâm canh tập trung theo hình thức hợp tác công tư (PPP).

Tại huyện Ngọc Hiển, giữ nguyên hiện trạng các vùng nuôi tôm siêu thâm canh hiện nay trên địa bàn huyện với diện tích 369 ha. Trong đó, diện tích vùng nuôi tôm siêu thâm canh tập trung của 3 công ty là 120,4 ha.

Tại huyện Phú Tân, phát triển nuôi tôm siêu thâm canh theo các tuyến sông có điều kiện thuận lợi với diện tích là 2.895 ha.

Phương án cũng nêu rõ, khuyến khích, mời gọi các doanh nghiệp đầu tư các vùng nuôi tôm siêu thâm canh. Đến năm 2030, Cà Mau muốn hình thành 5 vùng nuôi tôm siêu thâm canh do doanh nghiệp đầu tư như vùng nuôi tôm siêu thâm canh Tân Thuận (huyện Đầm Dơi với 141 ha); khu nuôi tôm siêu thâm canh Tân Dân (huyện Đầm Dơi với 40 ha); vùng nuôi tôm siêu thâm canh Khu Kinh tế Năm Căn (huyện Năm Căn với 2.000 ha); vùng nuôi tôm siêu thâm canh Phong Điền (huyện Trần Văn Thời với 400 ha); vùng nuôi tôm siêu thâm canh Khánh Hải (huyện Trần Văn Thời với 299,15 ha).

Trong quá trình xây dựng và hoàn thiện các vùng nuôi tôm siêu thâm canh tập trung, để tận dụng cơ sở hạ tầng đã được đầu tư, người dân được phát triển nuôi tôm siêu thâm canh phân tán ở quy mô trang trại, hộ gia đình có diện tích từ 2- 10 ha. Tuy nhiên, các cơ sở này phải đảm bảo các điều kiện theo quy định.

TIN LIÊN QUAN